Phục hồi kinh tế, bảo vệ người yếu thế

05/01/2022 04:15 GMT+7

Lần đầu tiên, Chính phủ trình Quốc hội một chương trình tổng thể để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với quy mô ước hơn 12 tỉ USD (291.000 tỉ đồng).

Đề xuất nhiều chính sách đặc thù

Sáng 4.1, phiên khai mạc kỳ họp bất thường lần thứ nhất Quốc hội (QH) khóa XV đã diễn ra, với sự tham dự của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Tại phiên khai mạc, Chính phủ chính thức trình dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (gọi tắt là Chương trình).

Tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (thuộc dự án Cao tốc Bắc - Nam) đang trong giai đoạn hoàn thiện

Bắc Bình

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng đọc tờ trình nêu rõ, mục tiêu của Chương trình là chấp nhận tăng bội chi, đưa ra nhiều cơ chế đặc thù… trong 2 năm 2022 - 2023 nhằm khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân 6,5 - 7%/năm giai đoạn 2021 - 2025. Đặc biệt, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, người lao động, nhất là người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, góp phần giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Theo tính toán của Chính phủ, riêng chính sách tài khóa cỡ 291.000 tỉ đồng, còn lại từ các nguồn huy động từ quỹ ngoài ngân sách nhà nước (NSNN) và nguồn khác. Điểm nhấn lớn của chính sách tài khóa là Chính phủ xin QH cho phép tăng bội chi để hỗ trợ trực tiếp từ NSNN 240.000 tỉ đồng, bao gồm giảm thuế, chi đầu tư phát triển…

2,4 tỉ đồng/m2 đất tại Thủ Thiêm là “mức giá không thực”

Trao đổi thêm với báo chí bên hành lang QH về việc đấu giá đất tại Thủ Thiêm lên tới 2,4 tỉ đồng/m2, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nhận định “là không phù hợp, giá không thực”. Theo ông, đường Nguyễn Huệ - vốn là trái tim của TP.HCM, cũng chỉ có có giá trung bình 1,5 tỉ đồng/m2. “Cần xem các nhà đầu tư có thực hiện đúng theo cam kết trúng giá hay không, hay bỏ cọc. Bộ Tài chính chỉ kiểm tra những doanh nghiệp này trên thị trường chứng khoán, còn quản lý nhà nước về đất đai là Bộ TN-MT, kể cả vấn đề giá đất”, ông Phớc cho hay.

Liên quan chuyện đấu giá đất tại Thủ Thiêm, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ đánh giá 1 m2 đất mà 2,4 tỉ đồng là “chưa bao giờ có chuyện này”. Chủ tịch QH cho biết QH, Chính phủ đang giao các cơ quan nghiên cứu động thái này xem có bất thường hay không.

“Nhà nước hỗ trợ 2%/năm lãi suất thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại là 40.000 tỉ đồng để hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh. Một mũi nhọn khác, Chính phủ sẽ tập trung dồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông với gói 103.164 tỉ đồng.

Cũng theo tờ trình, để bảo đảm thực hiện hiệu quả, thành công Chương trình, Chính phủ đã nghiên cứu, đánh giá và trình QH cho phép thí điểm áp dụng 3 chính sách đặc thù đối với các dự án đầu tư công. Cụ thể, thí điểm áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ và gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư; chỉ định thầu xây lắp kèm theo yêu cầu tiết kiệm khoảng 5% dự toán giá trị gói thầu để đẩy nhanh công tác đấu thầu và có thể lựa chọn được các nhà thầu tốt, nhất là các nhà thầu mạnh.

Thứ hai, cho phép chủ đầu tư được khai thác các mỏ khoáng sản nằm trong Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng dự án làm vật liệu xây dựng thông thường (nhằm thực hiện dự án), không phải thực hiện thủ tục cấp phép. Thứ ba, phân cấp, phân quyền, bố trí nguồn vốn cho UBND cấp tỉnh của một số địa phương có năng lực, kinh nghiệm quản lý và có văn bản đề xuất làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện các đoạn tuyến/dự án đường cao tốc đi qua địa bàn theo hình thức đầu tư công; Bộ GTVT thực hiện các đoạn tuyến/dự án còn lại theo quy định.

Báo cáo cụ thể khả năng huy động nguồn lực

Thẩm tra báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế QH Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế tán thành việc chấp nhận thâm hụt NSNN tăng ở mức cao hơn, mỗi năm tăng khoảng 1 - 1,2% GDP trong 2 năm thực hiện Chương trình (2022 - 2023). Đa số ý kiến cũng thống nhất với chủ trương miễn, giảm một số loại thuế, phí, trong đó thống nhất chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% áp dụng cho các mặt hàng chịu thuế suất 10% nhưng đề nghị rà soát đối tượng áp dụng; cần tập trung vào các ngành, lĩnh vực cần được kích cầu.

Riêng về chính sách tiền tệ, Ủy ban Kinh tế đề nghị cần lượng hóa các giải pháp của chính sách tiền tệ để đánh giá tác động đến nền kinh tế. Bên cạnh đó, đề nghị chủ động sử dụng đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả các công cụ của chính sách tiền tệ để giảm mặt bằng lãi suất khoảng 0,5 - 1%, nhất là trong các lĩnh vực ưu tiên.

Ông Vũ Hồng Thanh cũng cho biết, về huy động nguồn lực cho Chương trình, nhiều ý kiến Ủy ban Kinh tế đề nghị báo cáo cụ thể khả năng vay và trả nợ quốc gia cũng như các phương án huy động vốn theo lộ trình cụ thể cũng như khả năng hấp thụ vốn. Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị Chính phủ cần làm rõ tính khả thi của nguồn vốn vay ODA, ưu đãi nước ngoài theo hình thức hỗ trợ ngân sách để huy động ngay trong 2 năm 2022 - 2023; việc phát hành trái phiếu Chính phủ; cũng như khả năng huy động các quỹ tài chính ngoài NSNN và năng lực đầu tư của Tổng công ty Đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới dự phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội bất thường lần thứ nhất Quốc hội khóa XV

Gia Hân

Áp lực khả năng hấp thụ

Thảo luận tại tổ về vấn đề nêu trên, theo đại biểu (ĐB) QH Trịnh Xuân An (Đồng Nai), tờ trình của Chính phủ tập trung quá nhiều vào chính sách tài khóa, trong khi chính sách tiền tệ chưa đáp ứng kỳ vọng, chưa nêu chi tiết trong tờ trình. “Cần đánh giá thêm vai trò của chính sách tiền tệ, nếu thêm thì cần thêm bao nhiêu. Ngoài việc hỗ trợ 2% lãi suất thì cần chính sách gì nữa”, ông An nói.

Trong chính sách tài khóa, theo ông An, tổng số đầu tư 240.000 tỉ đồng từ ngân sách chủ yếu lại sử dụng cho hạ tầng là quá lớn. Theo đại biểu, nên đề xuất dành 72.000 tỉ đồng hoàn thiện các tuyến còn lại của đường cao tốc Bắc - Nam.

ĐB Phan Chí Hiếu (đoàn Thái Bình) cho rằng, bản chất của Chương trình là hỗ trợ kịp thời trong thời gian ngắn hạn (khoảng 2 năm), do đó nó tạo ra áp lực về khả năng hấp thụ các gói hỗ trợ này. “Lượng tiền như vậy nhưng làm sao tiền này phải hấp thụ được, giải ngân ngay được. Nếu không hấp thụ được trong thời gian 2 năm thực hiện chương trình thì sai mục tiêu”, ông Hiếu nói.

Theo ĐB Hiếu, Chính phủ đề xuất dành một khoản rất lớn để đầu tư cho hạ tầng cơ sở (176.000 tỉ đồng), song nhiều người quan ngại về “khả năng hấp thụ”. Ông Hiếu đề nghị Chính phủ cần phải bám chặt các tiêu chí về các dự án hạ tầng cần được tập trung đầu tư mà Ủy ban Kinh tế đưa ra, gồm: các dự án quan trọng; các dự án còn dang dở do thiếu vốn nhưng có khả năng hoàn thành; các dự án có khả năng hấp thụ ngay; các dự án có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế và điều hòa nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Quan trọng là giải pháp thực hiện

Đồng tình với ĐB Hiếu, Phó chủ tịch QH Nguyễn Khắc Định cho rằng Chương trình này tập trung chủ yếu trong 2 năm để tạo ra sức bật cho phục hồi và phát triển. Do đó, nguồn vốn từ chính sách hỗ trợ cần phải được hấp thụ trong 2 năm này và “đẻ” ra sản phẩm.

Ông Định cũng nhấn mạnh, các giải pháp đã được Chính phủ trình đầy đủ, các cơ quan QH đã thảo luận nhiều lần trước khi trình ra QH, do đó quan trọng là giải pháp điều hành để triển khai thực hiện. Ông Định đề nghị cần phải kiện toàn Ban chỉ đạo T.Ư về phục hồi, phát triển kinh tế gắn với phòng, chống dịch Covid-19. “Ông phòng chống Covid-19 cứ ngăn sông cấm chợ, sợ dịch thì làm sao kinh tế phát triển được”, ông Định nói và đề nghị Thủ tướng vừa làm Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống dịch vừa làm Trưởng ban Chỉ đạo phục hồi phát triển kinh tế và ở địa phương cũng như vậy.

Trong khi đó, ĐB Trần Văn Lâm (Bắc Giang) bày tỏ quan ngại về hậu quả mà các chính sách tài khóa - tiền tệ có thể gây ra. “Chương trình phục hồi kinh tế chưa tung ra mà chứng khoán và bất động sản đã sốt nóng. Giá tăng không chỉ làm tạo ra bong bóng trong ngắn hạn mà còn có thể dẫn đến sự đổ vỡ trong tương lai”, ông Lâm cảnh báo. Ông đề nghị khi triển khai cần tránh lãng phí, thất thoát, đặc biệt việc tung ra các gói đầu tư công. Ngoài ra cần đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, giám sát, tránh thất thoát, lãng phí, ngăn ngừa biểu hiện nợ xấu, đầu cơ, bong bóng chứng khoán, bất động sản.

Đề xuất thí điểm nhiều chính sách đặc thù cho TP.Cần Thơ

Trình bày báo cáo dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Cần Thơ, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ đề xuất thí điểm nhiều chính sách đặc thù cho TP.Cần Thơ về quản lý tài chính - ngân sách nhà nước; đất đai; điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng và đô thị…

Trong đó, đáng chú ý, dự thảo đề xuất cho HĐND TP.Cần Thơ được phép quyết định áp dụng các loại phí, lệ phí chưa được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo luật Phí và lệ phí (Danh mục); điều chỉnh mức hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí, lệ phí được quy định trong Danh mục. TP sẽ được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu nói trên để đầu tư cơ sở hạ tầng KT-XH và không dùng để để xác định tỷ lệ phần trăm (%) đối với các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách TP.

Về quản lý đất đai, HĐND TP.Cần Thơ sẽ được quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên với quy mô dưới 500 ha theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ. UBND TP.Cần Thơ được phép thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị theo sự phân cấp của Thủ tướng Chính phủ…

Dự thảo Nghị quyết cũng đề xuất thêm các chính sách ưu đãi về thuế, tiền thuê đất đối với dự án nạo kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ và các dự án tại khu liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ.

Lê Hiệp - Anh Vũ - Đình Tuyển

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.