Theo bà Valentina Barcucci, chuyên gia kinh tế lao động, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam, Việt Nam đã có nhiều thành quả trong việc xử lý cuộc khủng hoảng y tế liên quan đến Covid-19, chính cách tiếp cận này cần được áp dụng để vượt qua những thách thức về kinh tế, xã hội, và thị trường lao động.
Cũng theo bà Valentina Barcucci, số liệu của Tổng cục Thống kê công bố về tình hình lao động quý 4 năm nay cho thấy nền kinh tế Việt Nam đang có xu hướng đi lên. Tuy nhiên, tháng 12.2020, thị trường lao động có ít phụ nữ hơn nam giới so với tháng 1.2020; giảm các cơ hội việc làm trong khi dân số trong độ tuổi lao động vẫn tăng lên hằng năm; chất lượng việc làm thấp hơn so với năm trước; tỷ lệ việc làm phi chính thức (trừ khu vực nông nghiệp) tăng lên. Cụ thể, có đến 20,3 triệu lao động có việc làm phi chính thức, tăng khoảng 119.000 người so với năm 2019.
Bà Valentina Barcucci cho rằng đây chính là thời điểm quan trọng để đảm bảo rằng các giải pháp chính sách kinh tế - xã hội phải mang tính bao trùm, được xây dựng dựa trên tham vấn ý kiến các bên gồm Chính phủ, người sử dụng lao động và người lao động để đảm bảo phúc lợi trung hạn và dài hạn cho lao động phi chính thức, là nhóm người dễ bị tổn thương nhất trong thị trường lao động.
Liên quan đến chính sách an sinh xã hội cho lao động phi chính thức, tại hội thảo Tiếp cận an sinh xã hội của người lao động di cư Việt Nam (tổ chức tại TP.HCM hồi tháng 10.2020), Mạng lưới hành động vì lao động di cư đưa ra khuyến nghị dài hạn như cần đưa nhóm đối tượng lao động di cư phi chính thức vào trong chính sách hỗ trợ theo Nghị định 136 năm 2013 của Chính phủ (quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội) khi có dịch bệnh, thiên tai xảy ra, để họ được chăm lo tốt hơn.
Bình luận (0)