Phúc thẩm đại án DongA Bank giai đoạn 2: Tách vụ án thành 2 giai đoạn là phù hợp

12/01/2022 20:08 GMT+7

Tại phần đối đáp, Đại diện Viện KSND cấp cao tại TP.HCM khẳng định việc tách vụ án thành 2 giai đoạn để đưa ra xét xử là phù hợp.

Chiều 12.1, TAND cấp cao tại TP.HCM tiếp tục phiên xét xử phúc thẩm đại án DongA Bank giai đoạn 2 đối với bị cáo Trần Phương Bình, nguyên Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc, Chủ tịch Hội đồng tín dụng (HĐTD) DongA Bank và các đồng phạm, bị cáo buộc gây thiệt hại hơn 8.000 tỉ đồng.

Bị cáo Trần Phương Bình tại tòa phúc thẩm

KHẢ HÒA

Phiên tòa tiếp tục đến phần đối đáp của Đại diện Viện KSND cấp cao tại TP.HCM (VKS) với các luật sư (LS) bào chữa. Theo VKS, về hành vi phạm tội, các bị cáo đã được làm rõ. VKS cũng đã phân tích, đánh giá tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ từng bị cáo và đề nghị HĐXX cân nhắc khi lượng hình.

Theo VKS, các LS của bị cáo Trần Phương Bình trình bày, bị cáo Bình đã bị xử phạt mức án tù chung thân trong giai đoạn 1 của đại án DongA Bank. Nhưng do tách vụ án thành 2 giai đoạn dẫn đến việc bị cáo Bình nhận 2 án chung thân là quá nghiêm khắc, gây bất lợi cho bị cáo.

VKS phân tích, đại án DongA Bank đã được phát hiện và điều tra, đúng theo Bộ luật hình sự. Vụ án liên quan đến nhiều khoản bồi thường, các đối tượng khác nhau nên phải tiến hành các thủ tục thu thập chứng cứ, giám định, định giá để giải quyết vụ án. Mặt khác vụ án xét xử nhanh chóng, kịp thời không làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bị cáo, nên việc tách vụ án thành 2 giai đoạn để đưa ra xét xử là phù hợp.

Đối với việc LS bào chữa hai bị cáo Phùng Ngọc Khánh và Trần Phương Bình cho rằng, các bị cáo phạm tội trong khoảng thời gian nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, tình trạng nợ xấu ở DongA Bank cao. Hai bị cáo phải duy trì, bảo đảm hoạt động cho vay đúng quy định, tìm cách thoát ra khỏi những áp lực trong hoạt động của DongA Bank. Theo VKS, bị cáo Bình và Khánh biết rõ tình trạng nợ xấu tại DongA Bank vượt mức cho phép để cho Ngân hàng nhà nước phải kiểm soát, làm ảnh hưởng đến uy tín và gây thiệt hại cho ngân hàng. Về vấn đề này đã được cấp sơ thẩm xem xét.

Về cách tính lãi suất trong vụ án, theo quy định Bộ luật hình sự đối với một số vụ án, cơ quan tố tụng phải tính được thiệt hại. Thiệt hại được cấp sơ thẩm xác định trong vụ án là số tiền gốc và số tiền lãi phát sinh tới thời điểm khởi tố vụ án là hoàn toàn phù hợp với quy định pháp luật.

Ngoài ra, theo VKS bị cáo Nguyễn Quang Thọ (nguyên nhân viên DongA Bank) kháng cáo kêu oan, nhưng đối chiếu lời khai của bị cáo với các bị cáo đồng phạm tại tòa, có đủ căn cứ xác định Thọ phạm tội.

Đối với các bị cáo còn lại kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, tại tòa phúc thẩm đã đưa ra các tài liệu, chứng cứ có tình tiết mới. VKS đề nghị HĐXX có thể lưu tâm, xem xét.

Dự kiến, ngày 14.1 HĐXX sẽ tuyên án.

Trước đó, ngày 11.1, VKS đề nghị HĐXX không chấp nhận kháng cáo và tuyên y án sơ thẩm đối với bị cáo Trần Phương Bình, 8 bị cáo đồng phạm. Riêng, bị cáo Phạm Chiến Quốc giảm từ 3 năm tù còn 2 năm tù, Nguyễn Tăng Ngọc Linh (cùng là nguyên nhân viên DongA Bank) giảm từ 5 năm tù còn 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo.

Đối với kháng cáo của nguyên đơn dân sự là DongA Bank về việc đề nghị HĐXX xem xét số tiền lãi phải tính từ lúc đưa vụ án ra xét xử. Theo VKS, hành vi phạm tội của bị cáo Trần Phương Bình và đồng phạm chỉ là cơ cấu lại các khoản vay lãi, nên số tiền lãi này phải được tính đến ngày khởi tố vụ án là phù hợp. Do đó, không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của DongA Bank.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.