PGS-TS Nguyễn Ngọc Khôi, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Y Dược TP.HCM, cho biết hiện trường đã lên phương án tuyển sinh dự kiến cho năm nay nhưng chờ quyết định chính thức của Bộ để điều chỉnh phù hợp. Trường hợp kỳ thi THPT quốc gia vẫn diễn ra nhưng xem xét giảm môn thi phù hợp, trường sẽ sử dụng các môn thi cơ bản để xét tuyển. Trường hợp không có môn trong tổ hợp xét tuyển truyền thống của trường (gồm toán, hóa, sinh) thì trường có thể bổ sung bằng môn liên quan hoặc thay thế môn đó bằng kết quả học bạ hoặc kết hợp tiêu chí tiếng Anh.
Ở tình huống không có kỳ thi THPT quốc gia, trường có thể sẽ điều chỉnh phương án tuyển sinh theo 2 bước: sơ tuyển và kiểm tra riêng. Trong đó, việc sơ tuyển dựa trên các kết quả học tập đã có sẵn của học sinh như học bạ, chứng chỉ tiếng Anh. Sau bước sàng lọc này, thí sinh được chọn sẽ tiếp tục qua kỳ thi hoặc kiểm tra, phỏng vấn. “Việc tổ chức thi hoặc kiểm tra này, trường có thể tổ chức riêng hoặc cùng thực hiện với các trường cùng khối để thực hiện nếu có sự thống nhất giữa các trường”, ông Khôi dự tính.
PGS-TS Ngô Minh Xuân, Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, thì mong muốn sẽ có kỳ thi chung để thực hiện tuyển sinh. Trường hợp kỳ thi này diễn ra như dự định, trường sẽ thực hiện tuyển sinh như mọi năm. Nhưng trong tình huống bất đắc dĩ không thể tổ chức kỳ thi này do dịch bệnh, trường sẽ thực hiện xét tuyển theo phương án chung mà Bộ quy định dành riêng cho khối ngành sức khỏe. Khi đó, có thể là xét tuyển dựa trên kết quả học tập THPT.
“Trường có thể sẽ không tổ chức kỳ thi riêng vì nhiều lý do. Tuy nhiên, việc đánh giá thí sinh dựa vào học bạ THPT, nhiều trường cũng nghi ngại vì mức độ đánh giá, cho điểm của từng trường không giống nhau. Trường sẽ chờ thông tin chính thức của Bộ để thực hiện”, ông Xuân cho hay.
Bình luận (0)