Thi sĩ Nguyên Sa tên thật là Trần Bích Lan, sinh tại Hà Nội. Ông là nhà thơ, nhà báo, và là một giáo sư triết học nổi tiếng. Thời gian du học ở Pháp, có nhiều buổi chia ly đã trở thành nguồn cảm hứng để Nguyên Sa viết thành các bài thơ nổi tiếng. Từ thập niên 70 trở đi, tên tuổi ông gây chú ý khi những bài thơ được nhiều nhạc sĩ như Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Song Ngọc, Hoàng Thanh Tâm phổ nhạc. Trong đó, nổi bật nhất là các tình khúc của Ngô Thụy Miên như Áo lụa Hà Đông, Tuổi 13, Tình khúc tháng sáu, Paris có gì lạ không em?...
Xuất hiện trong Chân dung cuộc tình, danh ca Phương Dung kể một kỷ niệm với nhà thơ gốc Hà Nội: “Chồng của Phương Dung là bà con với bên ngoại của anh Nguyên Sa. Giới trẻ thập niên 60 tôn sùng thi sĩ, nhạc sĩ. Nhiều nữ sinh thời ấy thường chuyền tay nhau những bài thơ của Nguyên Sa. Tôi cũng như bao nữ sinh mơ mộng về thần tượng. Ngay từ cái tên đẹp Nguyên Sa và qua bài thơ Áo lụa Hà Đông, tôi tưởng tượng người thi sĩ ấy là một chàng trai phong nhã, đẹp trai, cao ráo nhưng đến khi tôi gặp ông ngoài đời thì như bong bóng vỡ đầy tay. Thần tượng trong lòng tôi sụp đổ bởi ông không phải là người đẹp trai như tôi tưởng tượng”.
|
Nữ khách mời kể năm 1985, bà có cơ hội gặp Nguyên Sa: “Anh ấy biết tôi là bà con nên đến thăm tôi. Lần đầu gặp gỡ, trong lòng tôi đặt câu hỏi. Đây là nhà thơ Nguyên Sa sao trời?". Bà khẳng định Nguyên Sa không giống như trong tưởng tượng, nhưng bà vẫn yêu áng thơ của ông. “Tôi không yêu anh như yêu người tình mà đó là tình yêu của fan với thần tượng. Lần gặp gỡ đó không làm thay đổi cảm nhận của Phương Dung với những bài thơ của Nguyên Sa. Anh là giáo sư triết học nhưng cách nói chuyện không khô khan mà nhẹ nhàng như những vần thơ. Lối nói chuyện làm cho nhiều người phụ nữ say nắng”, Phương Dung tiết lộ.
Biên tập Minh Đức cũng kể về nội dung trong cuốn hồi ký của Nguyên Sa. Trong đó, ông trải lòng cuộc hôn nhân với người vợ tên Nga, đặc biệt là về đám cưới nghèo khi ở Pháp. Ca khúc Paris có gì lạ không em (thơ Nguyên Sa, nhạc Ngô Thụy Miên) được viết thời điểm nhà thơ sang Pháp du học và gặp gỡ định mệnh của đời ông là bà Trịnh Thúy Nga. Năm 1956, hai ông bà về nước. Nguyên Sa mang “sông Seine, tháp Eiffel, những cặp tình nhân, giáo đường sương mù” viết lên những dòng thơ trong Paris có gì lạ không em.
|
Trong chương trình, Trần Vũ thể hiện ca khúc Tháng sáu trời mưa (thơ Nguyên Sa, nhạc Hoàng Thanh Tâm). Nói về ca khúc nổi tiếng, biên tập Minh Đức cho biết bài thơ của Nguyên Sa được hai nhạc sĩ phổ nhạc. Ngô Thụy Miên có phổ nhạc bài này vào năm 1984. Sau đó, bản phổ của Hoàng Thanh Tâm ra đời năm 1987 mang tên Tháng sáu trời mưa với câu hát mở đầu nổi tiếng là “Tháng sáu trời mưa trời mưa không dứt. Trời không mưa anh cũng lạy trời mưa”. Nhiều khán giả lầm tưởng nhạc phẩm Tháng sáu trời mưa phổ thơ Nguyên Sa, nhạc Hoàng Thanh Tâm là sáng tác của Ngô Thụy Miên, hoặc xảy ra sự lẫn lộn tên tác giả giữa hai nhạc phẩm cùng tựa này.
“Hai ca khúc cùng mang âm hưởng lãng mạn của dòng nhạc xưa, đều được viết vào thập niên 80. Hai nhạc sĩ đều không biết bài này đã được người kia phổ nhạc, họ có chung cảm nhận về bài thơ, từ đó mỗi người có cách khác nhau để chọn lựa những câu thơ, chỉnh sửa thơ theo ý nhạc. Ngô Thụy Miên phổ Tháng sáu trời mưa đến 2 lần, phiên bản đầu không phổ biến. Sau đó, Tình khúc tháng sáu được thu âm và nổi tiếng hơn”, biên tập Minh Đức giải thích.
Trong tập 2 Chân dung cuộc tình, khán giả còn được lắng nghe những bài nhạc phổ từ thơ Nguyên Sa như Paris có gì lạ không em (Yến Xuân), Áo lụa Hà Đông (Đăng Nguyên), Tình khúc tháng sáu (Hồng Hạnh), Tuổi 13 (Henry Ngọc Thạch), Kỳ diệu (Bảo Đăng - Triệu Lộc). Chương trình lên sóng ngày 14.7 trên THVL1.
Bình luận (0)