Trở thành khách mời của Chân dung cuộc tình, danh ca Thái Châu có những chia sẻ về cố nhạc sĩ Văn Cao. Ông tâm sự: “Tôi xin gọi Văn Cao bằng bố. Ông cũng là huynh đệ của bố Phạm Duy. Ca sĩ thời của tôi chạm tới và hát được những tác phẩm giá trị của Văn Cao cũng rất khó. Tôi biết đến nhạc của ông vào giữa thập niên 60, tôi thích ca từ, dòng nhạc lãng đãng, du dương và được diễm phúc hát bài Đàn chim Việt. Tôi chuyên hát nhạc tình, nức nở, lãng mạn, khi hát đến Đàn chim Việt, tôi hát kiểu khoan thai, trong sáng, mạnh mẽ, thể hiện sức mạnh của lòng yêu nước. Những bài hát của bố Văn Cao tuyệt vời vì ông sống với một tâm hồn lạc quan, con tim ông hướng đến con người, tình yêu quê hương đất nước”.
|
Cũng trong chương trình, MC Minh Đức thổ lộ vẫn còn giữ cuốn băng tập hợp những ca khúc của Văn Cao, trong đó có Đàn chim Việt. Ca khúc là phiên bản khác của Bến xuân, được thay đổi nhiều đoạn cho phù hợp với thời cuộc, mang tinh thần khác mạnh mẽ hơn. Trong Bến xuân có một nàng thơ, sang Đàn chim Việt vẫn xuất hiện hình ảnh giai nhân đó qua câu hát: “Ai tha hương nghe réo rắt tiếng Oanh ca”. Theo tiết lộ, người con gái ấy chính là Hoàng Oanh, là ca sĩ ở Hải Phòng. Cô đến thăm nhạc sĩ Văn Cao một lần nhưng để lại sự thương nhớ, mối tình đơn phương cho người nhạc sĩ. Sau này, Hoàng Oanh lên xe hoa, trở thành vợ của nhạc sĩ Hoàng Quý, tác giả của ca khúc Cô láng giềng bất hủ.
Ánh Tuyết là một trong những giọng hát gắn bó với các nhạc phẩm của cố nhạc sĩ Văn Cao. Trong Chân dung cuộc tình, nữ ca sĩ kể thời điểm năm 1993, bà có ý định bỏ nghề vì mệt mỏi, áp lực. Tuy nhiên sau đó, Ánh Tuyết có dịp được hát hai ca khúc trong đêm nhạc của Văn Cao. Đến hôm sau, báo chí viết rất nhiều về chương trình này và tên tuổi của nữ ca sĩ. Đó thật sự là một bước ngoặt, kỷ niệm mà giọng ca Cung đàn xưa không bao giờ quên được.
|
Kể thêm về câu chuyện sau đêm diễn đó, Ánh Tuyết cho hay: “Tôi từng nghĩ Văn Cao trẻ trung, nhưng khi gặp ông tôi bất ngờ bởi nhìn ông còn già hơn tuổi thực tại. Ông gầy gò, có một cái gì rất đặc biệt, khác với mọi người. Sau đêm diễn, ông lưng còng, chậm rãi bước xuống bậc tam cấp đi về và không nhận xét gì về tôi. Mãi một năm sau, người ta tổ chức đêm nhạc khác của Văn Cao - Trịnh Công Sơn. Tôi đánh liều đến thăm ông. Văn Cao ngồi nhấp rượu hồi lâu, bỗng nói: “Đầu đời Văn Cao đã có một Kim Tiêu, không ngờ cuối đời lại gặp một Ánh Tuyết”. Đó là một câu khen thưởng lớn, vì Văn Cao luôn kiệm lời, chẳng bao giờ nói hay nhận xét gì. Nhưng mỗi khi ông nói thì chẳng có điều gì quý hơn được”.
Trong một lần, Ánh Tuyết đến thăm nhà Văn Cao, qua đó tìm hiểu về nội dung và ý nghĩa của bài hát Trương Chi. Nhạc sĩ mới thổ lộ rằng nhân vật Trương Chi trong bài hát cũng chính là thân phận của tác giả. Chỉ một câu nói của Văn Cao: “Trương Chi chính là tôi đấy”, bà như hiểu được toàn bộ con người ông. “Tôi rời môi trường âm nhạc khá lâu nhưng chỉ cần nhắc đến Văn Cao, chỉ cần cất lên giai điệu thì tự nhiên trong tôi điều gì đó tuôn trào, âm nhạc của ông như quyện vào tâm hồn. Âm nhạc của Văn Cao như đẩy tôi bay, ở cõi nào đó rất cao. Khi nhắc đến ông thì hình ảnh, dáng dấp con người, những câu nói làm cho tôi không thể nào quên được", bà bộc bạch.
Bình luận (0)