Ukraine sắp “thất thủ” ở Donbass ?
Các quan chức và tướng lĩnh Ukraine đã thừa nhận Nga đang “chiếm thế thượng phong” tại chiến trường Donbass, giữa lúc lực lượng của Kyiv phải rút khỏi một số vị trí ở 2 tỉnh Donetsk và Luhansk. “Nga đang có lợi thế, nhưng chúng ta đang làm mọi thứ có thể”, tướng Oleksiy Gromov thuộc bộ tổng tham mưu quân đội Ukraine cho biết ngày 26.5.
Cây cầu nối Severodonetsk và Lysychansk bị đánh sập |
AFP |
Theo quân đội Ukraine, lực lượng Nga đã chiếm được một huyện gần Bakhmut, thành phố trọng yếu ở tỉnh Donetsk. Bakhmut nằm trên tuyến đường tiếp tế quan trọng cho các đơn vị Ukraine ở tiền tuyến và tuyến đường này đang có nguy cơ bị cắt đứt bởi những bước tiến xa hơn của quân Nga.
Trong khi đó, một cố vấn tổng thống Ukraine thừa nhận lực lượng Nga đã chiếm thành phố Lyman, một trong những thành trì phòng thủ của Ukraine ở phía bắc tỉnh Donetsk. Giao tranh tại Lyman đã diễn ra cả tháng qua và việc kiểm soát nơi này sẽ tạo điều kiện để Nga cô lập thành phố Severodonetsk ở tỉnh Luhansk, theo báo The Guardian.
Xem nhanh: Ngày 93 chiến dịch quân sự Nga, tổn thất cho Ukraine ở miền đông |
Binh sĩ Nga đã tấn công từ 3 phía nhằm bao vây lực lượng Ukraine ở Severodonetsk và TP.Lysychansk lân cận. Nếu Ukraine để mất 2 nơi này, Nga coi như sẽ kiểm soát hoàn toàn tỉnh Luhansk. Theo Thống đốc Luhansk Serhiy Haidai, Ukraine hiện chỉ còn kiểm soát khoảng 5% diện tích tỉnh này (cách đây một tuần là 10%).
Rạn nứt ở phương Tây
Giữa lúc các cuộc giao tranh diễn ra ác liệt ở miền đông Ukraine, Mỹ và các đồng minh đã âm thầm tranh luận về giải pháp khả dĩ để chấm dứt xung đột. Trong khi giới lãnh đạo Ukraine quyết tâm đẩy lùi quân Nga về lại vị trí trước ngày 24.2, các nhà lãnh đạo phương Tây đang chia rẽ về việc trang bị vũ khí cho Ukraine, cấm vận dầu mỏ Nga cũng như việc Kyiv có cần phải chấp nhận mất lãnh thổ.
Tổng thống Ukraine ngày 26.5 bày tỏ sự tức giận về việc EU chưa thể thông qua lệnh trừng phạt thứ sáu đối với Nga vì một số thành viên phản đối. “Cần bao nhiêu tuần nữa để EU nhất trí về lệnh trừng phạt thứ sáu?”, ông Zelensky nói, lưu ý rằng Nga thu về 1 tỉ euro/ngày nhờ việc bán năng lượng cho các nước EU.
Bất đồng đã trở thành tâm điểm chú ý tại Diễn đàn kinh tế Davos tuần này, khi cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger nói Ukraine có thể phải chấp nhận mất một phần lãnh thổ để đi đến một thỏa thuận với Nga. Gần như ngay lập tức, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky lên tiếng chỉ trích ông Kissinger, cho rằng ông “đang sống vào năm 1938”. Đó là năm Hiệp ước Munich được ký kết, cho phép Đức Quốc xã sáp nhập một phần lãnh thổ Tiệp Khắc.
Ông Zelensky chỉ trích EU khi Nga lại pháo kích Kharkiv |
Mâu thuẫn trước mắt giữa các nước phương Tây tập trung vào vấn đề viện trợ vũ khí. Theo The Guardian, Đức đã cho thấy họ không sẵn sàng cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine thông qua các nước láng giềng - chủ yếu là Ba Lan và Cộng hòa Czech. Ngược lại, Bộ trưởng Ngoại giao Anh Liz Truss cảnh báo phương Tây không nên thoái lui và nhượng bộ, tái khẳng định tính cấp thiết của việc viện trợ vũ khí cho Kyiv. Ba Lan cũng lên tiếng chỉ trích sự trì hoãn của Berlin.
Trong khi đó, CNN dẫn các nguồn tin cho hay Mỹ đang lên kế hoạch cung cấp các hệ thống rốc két tầm xa (MLRS) mà Ukraine muốn có, dự kiến thông qua sớm nhất vào tuần tới. MLRS có thể bắn một loạt rốc két xa đến hàng trăm ki lô mét - xa hơn nhiều so với bất kỳ hệ thống nào mà Ukraine hiện có, và Kyiv cho rằng đây có thể là yếu tố làm thay đổi thế trận.
Cùng lúc, Ý đề xuất một kế hoạch “4 điểm” mà theo đó, giai đoạn đầu tiên sẽ là ngừng bắn có giám sát và “phi quân sự hóa” ở tiền tuyến. Giai đoạn thứ hai là đàm phán thỏa thuận song phương giữa Ukraine và Nga về các “vấn đề biên giới”, bao gồm việc trao quyền tự trị cho các vùng lãnh thổ Ukraine mà Nga và phe ly khai kiểm soát; và giai đoạn cuối cùng là đàm phán về quan hệ EU/NATO với Nga. Dù vậy, cả Nga và Ukraine đều không mặn mà với những đề xuất này.
Công ty phương Tây rút khỏi Nga có nguy cơ bị tịch thu tài sản, cấm hoạt động |
Iran đề nghị tổ chức đối thoại Nga - Ukraine
Phát biểu tại Diễn đàn kinh tế thế giới ở Davos (Thụy Sĩ) ngày 26.5, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian cho hay Tehran đã đề nghị tổ chức các cuộc đối thoại giữa Nga và Ukraine, theo Hãng tin TASS. Ngoại trưởng Amir-Abdollahian cho biết thêm trong tuần trước ông đã nói với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov rằng Iran sẵn sàng tổ chức các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine. Hai ông Amir-Abdollahian và Lavrov có cuộc điện đàm vào ngày 19.5, thảo luận về tình hình xung quanh Ukraine và khả năng khôi phục một thỏa thuận hạt nhân liên quan Iran.
Đến tối qua chưa có thông tin về phản ứng của Moscow và Kyiv đối với đề nghị tổ chức đối thoại của Tehran. Trước đó, một số cuộc hòa đàm giữa Nga và Ukraine đã được tổ chức tại Belarus và Thổ Nhĩ Kỳ nhưng không tạo ra đột phá lớn.
Bình luận (0)