Phương Tây dồn dập cấm vận Nga

Khánh An
Khánh An
26/02/2022 07:25 GMT+7

Mỹ và nhiều nước công bố hàng loạt lệnh cấm vận sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine, phương Tây nhanh chóng công bố các lệnh cấm vận vô cùng khắc nghiệt nhằm vào nền kinh tế và nhiều nhân vật tại Nga. Trước diễn biến này, Nga tìm cách giảm thiểu tác động và chuẩn bị cấm vận đáp trả.

Tác động tối đa ?

Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 25.2, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng hành động của Nga vi phạm luật pháp quốc tế, đồng thời công bố các lệnh cấm vận mới nhằm “tác động tối đa” đối với Nga. Mỹ cấm vận 5 ngân hàng lớn tại Nga, gồm 2 ngân hàng lớn nhất là Sberbank, VTB và các ngân hàng Otkritie, Novikombank, Sovcombank, cùng nhiều nhân vật giàu có và gia đình họ.

Tổng thống Biden phát biểu chỉ trích Nga tại Nhà Trắng vào ngày 24.2

AFP

Bộ Tài chính Mỹ cho biết các ngân hàng ở Mỹ phải cắt mối liên hệ với Sberbank và 25 chi nhánh trong vòng 30 ngày. Ngân hàng lớn thứ 2 Nga là VTB, cùng 3 ngân hàng còn lại bị đưa vào danh sách bị phong tỏa tài sản tại Mỹ và bị cấm giao dịch với hệ thống tài chính, công dân Mỹ.

Trong số những cá nhân Nga bị cấm vận có Phó chủ tịch thứ nhất ban điều hành Sberbank Alexander Vedyakhin, 2 lãnh đạo cấp cao VTB là Andrey Puchkov và Yuriy Soloviev, CEO Tập đoàn Rosneft là Igor Sechin và con trai. Họ bị chặn khỏi hệ thống tài chính Mỹ, bị phong tỏa tài sản ở Mỹ và bị cấm nhập cảnh nước này. Bên cạnh đó, Mỹ còn giới hạn xuất khẩu đến Nga nhiều sản phẩm sản xuất tại Mỹ, cũng như sản xuất ở nước ngoài với công nghệ Mỹ. Cụ thể, các công ty Mỹ giờ đây sẽ phải xin phép để bán sang Nga máy tính, cảm biến, thiết bị laser, công cụ định vị, thiết bị viễn thông, không gian, hàng hải và cơ quan chức năng có thể bác bỏ mọi lá đơn đó.

Nga chịu thêm những cấm vận nào sau khi mở chiến dịch quân sự ở Ukraine?

Nghiêm khắc nhất

Trước đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson công bố các lệnh cấm vận “lớn và nghiêm khắc nhất về kinh tế mà Nga từng chứng kiến”.

Theo AFP, Anh phong tỏa tài sản của VTB và hãng vũ khí Rostec, cấm vận 5 nhân vật giàu có và thân cận với ông Putin, trong đó có doanh nhân Kirill Shamalov từng là con rể ông. Nước Anh cũng sẽ cấm xuất khẩu các thiết bị lưỡng dụng có thể dùng trong quân sự đến Nga, giới hạn số tiền mà công dân Nga có thể gửi tại các ngân hàng ở Anh.

Canada ra lệnh cấm vận 31 cá nhân và 27 tổ chức Nga, nhiều quan chức an ninh, Tập đoàn Wagner và nhiều ngân hàng Nga. Thủ tướng Canada Justin Trudeau còn thông báo hủy giấy phép xuất khẩu đối với Nga, trị giá khoảng 550 triệu USD hàng hóa, chủ yếu trong lĩnh vực không gian, công nghệ thông tin và khai khoáng.

Chi nhánh Ngân hàng VTB ở Moscow, Nga

Reuters

Ngoài ra, Reuters dẫn lời Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cho hay nước này đã áp đặt các lệnh cấm đi lại liên quan Nga và cấm giao dịch hàng hóa với quân đội và lực lượng an ninh Nga. Bà Ardern còn tuyên bố sẽ có thêm nhiều biện pháp cấm vận nếu xung đột ở Ukraine leo thang.

Nhiều nước khác cũng tuyên bố sẽ áp đặt các lệnh cấm vận đối với Nga. Thủ tướng Úc Scott Morrison thông báo sẽ cấm vận giới doanh nhân giàu có Nga và hơn 300 nghị sĩ Nga đã bỏ phiếu thông qua việc đưa quân đến Ukraine. Ông còn quan ngại về việc Trung Quốc “thiếu phản ứng mạnh” mà còn “ném dây cứu sinh”, liên quan thông tin Bắc Kinh dỡ bớt giới hạn về thương mại với Moscow khi nhập khẩu lúa mì.

Biểu tượng của Ngân hàng Sberbank tại một chi nhánh ở Moscow, Nga

Reuters

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tuyên bố sẽ thắt chặt các biện pháp cấm vận đối với Nga liên quan các tổ chức tài chính và thiết bị quân sự. Liên minh châu Âu (EU) cũng đồng ý về nguyên tắc sẽ cấm vận khiến Tổng thống Putin “phải và sẽ thất bại”, nhằm vào 70% thị trường ngân hàng và các tập đoàn nhà nước Nga.

Tuy nhiên, EU và Mỹ quyết định chưa ngăn Nga tiếp cận hệ thống thanh toán liên ngân hàng toàn cầu SWIFT, với Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho đó là lựa chọn sau cùng.

Phản ứng trước các lệnh cấm vận, hãng TASS dẫn lời Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga Valentina Matvienko cho hay Moscow đã chuẩn bị cấm vận đáp trả và biết về những điểm yếu của phương Tây. Trong một động thái khác, Nga đã thảo luận với Kazakhstan cách bảo hộ thương mại song phương. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố các biện pháp trừng phạt chưa bao giờ là cách giải quyết vấn đề hiệu quả mà còn tạo ra những vấn đề nghiêm trọng cho các quốc gia, khu vực liên quan.

Phản ứng từ Đông Nam Á

Chính quyền quân sự Myanmar ngày 25.2 bày tỏ ủng hộ hành động quân sự của Nga đối với Ukraine, theo tờ The New York Times.

“Trong trường hợp của Nga và Ukraine, Nga đã làm phần mình để duy trì chủ quyền và tôi nghĩ rằng đó là điều đúng đắn”, thiếu tướng Zaw Min Tun, phát ngôn viên của chính quyền quân sự Myanmar, cho hay. Ông còn nhấn mạnh: “Nga cũng là nước lớn trong các cường quốc trên thế giới và đang thể hiện rằng họ cũng đóng vai trò chính trong việc cân đối để duy trì hòa bình thế giới”. Nga là một đồng minh quan trọng và là nước cung cấp vũ khí cho quân đội Myanmar, theo AFP.

Hồi năm ngoái, lãnh đạo chính quyền quân sự Myanmar Min Aung Hlaing đã gặp lãnh đạo công ty xuất khẩu công nghệ quốc phòng Nga Rosoboronexport ở Moscow để thảo luận về hợp tác kỹ thuật quân sự tiềm năng.

Trong khi đó, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Singapore ngày 24.2 tuyên bố nước này quan ngại về thông báo của Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại vùng Donbass ở miền đông Ukraine.

“Chúng tôi lặp lại rằng chủ quyền, nền độc lập và tính toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine phải được tôn trọng. Chúng tôi hy vọng những hành động quân sự sẽ dừng ngay lập tức, và kêu gọi giải quyết tranh chấp một cách hòa bình theo Hiến chương Liên Hiệp Quốc và luật pháp quốc tế”, vị phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Singapore nhấn mạnh trong tuyên bố được đăng trên website của bộ này.

Văn Khoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.