Tự động phát
Theo tờ The Economist, giờ đây sau hơn 9 tháng, nhiều phản ánh từ chiến sự được ghi nhận, và nổi lên những bài học quan trọng cho quân đội các nước phương Tây.
Vào ngày 30.11.2022, Viện Nghiên cứu Hoàng gia Anh về quốc phòng - an ninh (RUSI) xuất bản một báo cáo chi tiết về những điều đã đúc kết được trong 5 tháng đầu cuộc xung đột. Đây là giai đoạn mà Ukraine chủ yếu ở thế phòng thủ.
Trong số các tác giả có trung tướng Ukraine Mykhaylo Zabrodsky và 2 nhà phân tích của RUSI. Họ đã được tiếp cận chuyên sâu về dữ liệu quân sự cũng như việc ra quyết định của Ukraine.
Phân tán lực lượng
Khi chiến sự nổ ra, tương quan lực lượng Nga-Ukraine ở phía bắc Kyiv ở thế 12 chọi 1. Nga không kích đến 75% cơ sở phòng không của Ukraine trong 48 giờ đầu chiến sự. Cuộc tấn công mạng của Nga khiến liên lạc vệ tinh của Ukraine bị gián đoạn.
Ukraine chịu đựng được đợt tấn công chớp nhoáng chủ yếu nhờ đã "nhìn xa trông rộng", tổ chức phân tán kho đạn dược một tuần trước chiến sự, và đẩy mạnh nỗ lực làm việc này trong 3 ngày trước khi xung đột nổ ra.
Máy bay và các hệ thống phòng không được phân tán chỉ trong vài giờ sau cuộc tấn công. Kết quả là chỉ 1/10 hệ thống phòng không di động bị thiệt hại.
Trong khi đó, theo một báo cáo của RUSI, tình báo quân đội Nga phải mất ít nhất 2 ngày để gửi thông tin về mục tiêu đến một trung tâm chỉ huy ở Moscow trước khi tiến hành không kích.
Báo cáo của RUSI nhận định rằng trong chiến tranh hiện đại không có nơi trú ẩn nào an toàn, khi đối phương có thể tấn công sâu vào phía sau chiến tuyến.
Điều này có nghĩa là quân đội cần chiến đấu một cách khác biệt. Lẩn trốn, che giấu vẫn là có thể nhưng sẽ rất khó khăn, vì có nhiều loại cảm biến khác nhau theo dõi mọi di chuyển, từ camera quang học cho đến nhiệt, ăng ten điện tử để phát hiện những binh sĩ ẩn nấp kỹ nhất.
Một giải pháp khác là dùng các kết cấu chắc chắn như boongke và công sự ngầm nhỏ bằng bê tông, nhưng điều này cũng buộc binh sĩ phải cố định một chỗ.
Cách tốt nhất để sống sót đơn giản là phân tán và di chuyển nhanh hơn khả năng đối phương định vị được. Ngay cả lực lượng đặc nhiệm Ukraine, dù thường hoạt động theo nhóm nhỏ nhưng cũng bị các UAV Nga phát hiện nếu ở một chỗ quá lâu.
Vai trò của pháo binh
Trái với suy nghĩ phổ biến, các tên lửa Javelin và vũ khí chống tăng hạng nhẹ thế hệ mới (NLAW) do Mỹ và Anh cung cấp đã không thể hiện vai trò quá nổi bật, dù được ca tụng nhiều vào đầu chiến sự.
Điều tương tự xảy ra với các UAV TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất, mà thực tế là dễ bị bắn hạ.
Theo ông Jack Watling, một trong những tác giả báo cáo, “Các thiết bị phương Tây... không có hiệu quả thực chất trong chiến sự cho đến tháng 4. Quân Nga đã không thể tiến sâu ở phía bắc Kyiv chỉ là vì 2 lữ đoàn pháo binh Ukraine ngày nào cũng bắn đỏ nòng”.
Sau Thế chiến 2, vai trò của những cỗ pháo giảm dần tại các nước châu Âu. Từ năm 1990-2020, số pháo của những đội quân lớn tại châu Âu giảm 57%, theo Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế (IISS-Anh).
Binh sĩ Ukraine bắn pháo tại tiền tuyến ở vùng Zaporizhzhia |
reuters |
Tuy nhiên, kho vũ khí của Ukraine không hề ít. Vào đầu chiến sự Kyiv có hơn 1.000 khẩu pháo và 1.680 tổ hợp pháo phản lực phóng loạt, tức nhiều hơn tổng số của Anh, Pháp, Ý, Tây Ban Nha và Ba Lan cộng lại. Lực lượng pháo binh của Ukraine lớn thứ 2 ở châu Âu chỉ sau Nga, dù đạn dược không được dư dả bằng.
Ukraine duy trì thế ngang bằng nhờ pháo binh trong khoảng 6 tuần, lâu hơn bất cứ quân đội các nước phương Tây nào có thể chịu đựng trong tình huống tương tự.
Sau đó, Ukraine bắt đầu hết đạn, khiến Nga có lợi thế gấp 10 lần về hỏa lực cho đến tháng 6. Thế mất cân bằng chỉ chấm dứt khi Ukraine nhận được hàng loạt hệ thống pháo hiện đại của phương Tây, trong đó có tổ hợp pháo phản lực HIMARS.
Máy bay không người lái
Máy bay không người lái (UAV) đã thể hiện vai trò rất quan trọng, dù chủ yếu làm nhiệm vụ tình báo, do thám chứ không phải tấn công.
Các đơn vị nhỏ của Nga có UAV của họ chứ không cần chờ đến UAV của các sở chỉ huy cấp cao hơn, và có thể trút hỏa lực chỉ trong 3-5 phút sau khi phát hiện mục tiêu. Những đơn vị không có UAV riêng thì sẽ mất thời gian tương ứng là 1 giờ rưỡi mà độ chính xác thấp hơn.
Nhưng bài học quan trọng từ chiến sự là mức độ tiêu hao UAV rất lớn. Khoảng 90% UAV sử dụng bởi lực lượng Ukraine từ tháng 2 đến tháng 7 đã bị hạ, theo RUSI.
Thời gian "sống sót" trung bình của một UAV cánh cố định là khoảng 6 chuyến bay, còn các UAV 4 cánh quạt thì chỉ 3 chuyến.
Điều này dẫn đến nhu cầu ưu tiên những UAV rẻ và đơn giản, gần như dùng một lần rồi bỏ, chứ không phải các UAV lớn và đắt tiền với động cơ nhiên liệu lỏng, mang theo các cảm biến hiện đại. Những UAV hiện đại còn phải cần nhiều người được đào tạo để điều khiển.
Chiến sự cũng cho thấy UAV có thể bị đánh bại ra sao. Một trong những cách đó là đánh lừa theo kiểu cũ, như dùng lựu đạn khói để che giấu vị trí.
Theo RUSI, cách quan trọng nhất để chống lại máy bay không người lái là vận dụng chiến tranh điện tử. Quân đội Nga từ thời Liên Xô đã tiên phong ứng dụng chiến tranh điện tử, và sử dụng rất nhiều trong thực chiến ở Syria. Điều này chắc chắn là một thách thức lớn đối với Ukraine.
Bình luận (0)