Tâm điểm chiến sự
Giao tranh vẫn diễn ra ác liệt ở Severodonetsk, nơi quân đội Ukraine đang kiểm soát khu vực công nghiệp và nhà máy hóa chất Azot, trong khi lực lượng Nga kiểm soát khu vực dân cư. Một vụ cháy lớn đã xảy ra ở nhà máy Azot ngày 11.6 (theo giờ địa phương) sau khi hàng chục tấn dầu bị rò rỉ trong một cuộc pháo kích, giữa lúc có những lo lắng rằng nhà máy này sẽ biến thành một “pháo đài Azovstal” thứ hai.
Khói bốc lên từ nhà máy Azot ở Severodonetsk hôm 10.6 |
Reuters |
Tỉnh trưởng Luhansk Serhiy Gaidai ngày 12.6 không cho biết liệu ngọn lửa đã được kiểm soát hay chưa, song ông nói việc sơ tán người ở Azot chưa thể diễn ra lúc này. Giới chức Ukraine cho hay khoảng 800 người đang trú ẩn trong các hầm tránh bom tại nhà máy, trong khi đó phe ly khai thân Nga ở Luhansk ước tính khoảng 300 - 400 binh sĩ Ukraine đang bám trụ ở đây.
“Azot vẫn chưa bị phong tỏa, giao tranh đang diễn ra trên các con đường xung quanh nhà máy”, ông Gaidai nói trên truyền hình Ukraine. Trong một bài đăng trên Telegram, ông cho biết: “Mọi người vẫn tiếp tục ở trong các hầm trú ẩn, nhưng Nga đã bắn phá các khu dân cư hàng giờ liền, dùng pháo cỡ lớn. Chắc hẳn bây giờ mọi người đều muốn sơ tán, nhưng cho đến nay việc này không khả thi”.
Xem nhanh: Ngày 109 chiến dịch quân sự Nga, Mỹ dự báo Ukraine có thể mất thêm thành phố |
Theo giới chức tình báo Anh, mục tiêu trước mắt của Nga là cô lập Severodonetsk ở cả hai mặt phía bắc và phía nam. Ông Gaidai nói tình hình vẫn rất khó khăn ở làng Toshkivka ở ngoại ô phía tây bắc thành phố, song lực lượng Ukraine đã ngăn chặn thành công bước tiến của Nga gần thị trấn Popasna ở phía nam, theo Kyiv Independent. Ông dự đoán Nga sẽ sử dụng “toàn lực” để đánh chiếm thành phố trong ngày 12 hoặc 13.6.
Trước đó Nga tuyên bố đã “giải phóng” 97% tỉnh Luhansk, trong khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói kết quả cuộc giằng co giữa hai bên suốt nhiều tháng qua tại Severodonetsk thuộc tỉnh này sẽ định đoạt số phận vùng Donbass. Một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ nói Nga có thể sẽ giành quyền kiểm soát toàn bộ tỉnh Luhansk trong vòng vài tuần tới, theo báo The Washington Post.
Phương Tây mệt mỏi ?
Các quan chức Ukraine và Anh cảnh báo rằng lực lượng Nga đang dựa vào vũ khí có thể gây thương vong hàng loạt giữa lúc Moscow cố gắng tiến nhanh trong việc chiếm miền đông Ukraine và tình hình giao tranh kéo dài làm cạn kiệt nguồn lực của cả 2 bên, theo một bài viết của AP ngày 12.6.
Bộ Quốc phòng Anh cho biết các máy bay ném bom của Nga có thể đã phóng tên lửa chống hạm hạng nặng có từ những năm 1960 ở Ukraine. Đó là tên lửa Kh-22 vốn chủ yếu được thiết kế để tiêu diệt tàu sân bay, mang đầu đạn hạt nhân. Khi được sử dụng trong các cuộc tấn công mặt đất bằng đầu đạn thông thường, chúng “có độ chính xác cao và do đó có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng và thương vong”, giới chức Anh nói.
Những loại vũ khí Mỹ nào đã đến các mặt trận Ukraine? |
Tờ Bild am Sonntag (Đức) ngày 11.6 dẫn các nguồn tin chính phủ Pháp và Ukraine cho hay Thủ tướng Đức Olaf Scholz sẽ đến Kyiv cùng các đồng cấp Pháp và Ý, trước khi hội nghị G7 diễn ra cuối tháng 6. Chưa có lãnh đạo nào của Đức, Pháp và Ý từng đến thủ đô Ukraine kể từ khi chiến sự nổ ra. Cả ba nước đều chưa xác nhận chuyến đi.
Trong khi đó, Kyiv bắt đầu lo lắng về viễn cảnh chiến sự kéo dài có thể làm xói mòn quyết tâm của phương Tây trong việc hỗ trợ Ukraine. Mỹ và các đồng minh đã viện trợ vũ khí trị giá hàng tỉ USD cho Ukraine trong khi châu Âu tiếp nhận hàng triệu người tị nạn từ nước này, song các nhà phân tích cho rằng sự quan tâm của các cường quốc phương Tây đang dần giảm xuống, theo AP.
Một trong những dấu hiệu là việc một số nước phương Tây như Pháp và Ý đã gợi ý chấm dứt xung đột bằng các giải pháp hòa bình. Tổng thống Zelensky đã phản đối những đề xuất nói rằng ông nên chấp nhận thỏa hiệp. “Sự mệt mỏi ngày càng gia tăng, quý vị muốn một kết quả nào đó (có lợi) cho bản thân. Còn chúng tôi muốn một kết quả (khác) cho chính mình”, ông nói.
Ukraine mở tuyến xuất khẩu ngũ cốc qua Ba Lan, Romania |
Bên cạnh đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden mới đây cho biết ông Zelensky “đã không muốn nghe” những cảnh báo về hành động của Nga trước khi chiến sự bùng nổ vào ngày 24.2. Phát biểu của ông Biden sau đó đã bị các quan chức Ukraine phản bác.
Bình luận (0)