>> Vụ máy bay quân sự rơi: Thương vợ con nó còn nhỏ quá!
>> Trực thăng rơi ở khu vực Hòa Lạc (Hà Nội), có thương vong
>> Vụ rơi máy bay quân sự: Hộp đen cũng có trục trặc
>> Chủ tịch nước thăm các chiến sĩ gặp nạn trong vụ máy bay quân sự bị rơi
>> Vụ rơi máy bay quân sự: Thêm 1 chiến sĩ hy sinh
Cuộc thăm hỏi gia đình đại uý Nguyễn Đào Hồng Tâm, trưởng bộ môn nhảy dù thuộc Trung tâm Huấn luyện Cứu hộ đường không, Bộ Tư lệnh Phòng không Không quân vừa hy sinh anh dũng cùng 17 cán bộ, chiến sĩ khác ngày 7.7 vừa qua trong một chuyến huấn luyện nhảy dù sát hạch lần cuối trên vùng trời Thạch Thất, thuộc địa phận Thủ đô khiến chúng tôi đau xót và day dứt khôn nguôi.
|
Trưa 8.7, chúng tôi được Tòa soạn cử đi gấp để cùng đoàn lãnh đạo Cục Tìm kiếm Cứu nạn Cứu hộ, Bộ Tổng Tham mưu, do thiếu tướng Phạm Hoài Giang, Cục trưởng dẫn đầu sang thăm và chia buồn với gia đình đại uý Hồng Tâm, hiện đang ở thuê nhà trọ tại tổ 15, phường Phúc Đồng, quận Long Biên, Hà Nội. Nhìn căn nhà trọ chỉ khoảng trên chục mét vuông, tôi mới hiểu và xót thương bội phần về những người lính của thời bình, tưởng bình yên là vậy, nhưng họ còn biết bao bộn bề, lo toan. Chị Vũ Thị Phượng, vợ anh, là giáo viên trường THCS Gia Thụy, Long Biên. Con đầu anh chị đang học lớp 3, con thứ hai, cháu Hà Ngân mới 15 tháng tuổi, nhìn cháu vẫn đang bi bô như chẳng có chuyện gì xảy ra lại càng khiến chúng tôi không cầm được nước mắt. Điều mà gia đình đang quá đau buồn trước mất mát to lớn là vậy, nhưng còn nghẹn lòng hơn khi mấy ngày tới, gia đình chưa biết lập ban thờ cho đại uý Tâm ở đâu vì đây là nhà trọ, vì lý do tế nhị nên gia chủ chưa chịu để gia quyến làm việc đó. Rồi tiếp theo nữa, không biết rồi chị sẽ chèo chống thế nào cho cái gia đình neo đơn này khi vắng anh, người trụ cột của cả nhà đã ra đi? Được biết, chị Phượng là con gái của một liệt sĩ. Rồi bên anh Tâm, bố anh cũng là một quân nhân nhưng bị bệnh, nay đã qua đời. Bác ruột của anh cũng là một liệt sĩ. Nay sẽ trông đợi vào đâu khi tới đây, tiền lương giáo viên ở một trường ven đô sao đủ trả tiền thuê trọ mỗi tháng?
Tôi không có dịp được tới thăm các gia đình khác trong số các anh đã hy sinh và bị trọng thương trong chuyến bay huấn luyện nói trên nhưng được biết cũng còn nhiều cảnh ngộ thương tâm không kém như thiếu tá, cơ phó Lê Thanh Việt. Anh còn rất sung sức và tương lai rộng mở vì mới 36 tuổi, anh để lại người vợ trẻ và con thơ, người cha già bệnh. Nay sẽ có biết bao khó khăn ở phía trước với người thân của anh. Được biết, những phi công của chuyến bay định mệnh trên đều là phi công giỏi của Sư đoàn 371, họ đã tham gia nhiều chuyến bay quan trọng.
Ngay sau sự cố, theo nhận định của những người có kinh nghiệm và cả người dân mục sở thị khi nghe tiếng nổ trên trời thì chắc chắn rằng các anh phi công đã xử lý đặc biệt khôn khéo để lách ra ngoài vùng dân cư, có cả khu chợ đang đông người họp nhất trong ngày. Họ đã cố vượt để ra được tới men bìa làng, giảm thiểu tổn thất cho người dân. Nếu không, chắc sẽ là một thảm họa cho cái xã mang tên Bình Yên này. Và hôm nay, nó vẫn được yên bình là bởi nhờ có các anh. Các anh rất xứng đáng được Tổ quốc lưu danh công trạng.
Hành động của người dân thôn Hoà Lạc khi đó cũng rất đáng khâm phục và khen thưởng kịp thời bởi họ đã tức tốc lao vào đám cháy, kịp đưa các chiến sĩ ra khỏi đống sắt thép đang đỏ lửa, đặc khói độc và thật may, khi họ đưa người ra xong thì chiếc trực thăng lại nổ tiếp.
Hình ảnh người lính với khuôn mặt cháy xém, tay bị gãy, thều thào: "Chú ơi, đồng đội cháu trong kia còn nhiều lắm, hãy cứu lấy anh em!", như dân làng kể lại như thế là đủ thấy tình đồng chí của họ ra sao. Tổn thất này thật to lớn đối với lực lượng cứu nạn, cứu hộ nói riêng, với Quân chủng Phòng không Không quân nói chung. Song sự hy sinh của các anh, của người lính Cụ Hồ cũng là để góp phần bảo vệ sự bình yên cho nhân dân. Ngay cả lúc lâm nguy, họ cũng rất tỉnh táo chọn cách giảm thiểu thiệt hại nhất cho nhân dân chúng ta, thật đáng khâm phục!
Việc giải quyết chế độ, chính sách cho những người lính đã hy sinh hoặc đã bị trọng thương vì đất nước, chắc chắn Nhà nước ta cũng sẽ quan tâm. Nhưng sẽ chẳng bao giờ là đủ. Nó sẽ thật đáng quý nếu cả xã hội cùng có những tấm lòng sẻ chia giúp đỡ thì chắc sẽ còn ấm áp hơn ngàn lần, cho cả người đã nằm xuống lẫn người thân của họ.
18 chiến sĩ đã hy sinh 1. Thượng tá Hoàng Lại Long, sinh năm 1961, phi công lái chính của máy bay Mi171. Phó tham mưu trưởng Trung đoàn không quân 916. 2. Thiếu tá Đặng Thành Chung, sinh năm 1966. Giáo viên dù Trung tâm Huấn luyện tìm kiếm cứu nạn đường không. 3. Thiếu tá Lê Thanh Việt, sinh năm 1978, cơ phó. 4. Đại úy Nguyễn Văn Thanh, sinh năm 1976, cơ giới trên không. 5. Đại úy Nguyễn Đào Hồng Tâm, sinh năm 1980. Giáo viên dù Trung tâm Huấn luyện tìm kiếm cứu nạn đường không. 6. Thượng sĩ Nguyễn Văn Bình, sinh năm 1992, học viên sĩ quan dù. 7. Thượng sĩ Đỗ Văn Minh, sinh năm 1992, học viên sĩ quan dù. 8. Thượng sĩ Nguyễn Văn Thịnh, sinh năm 1991, học viên sĩ quan dù. 9. Thượng sĩ Nguyễn Đình Bình, sinh năm 1991, học viên sĩ quan dù. 10. Trung sĩ Lê Việt Hùng, sinh năm 1992, học viên sĩ quan dù. 11. Trung sĩ Nguyễn Phúc Nhơn, sinh năm 1991, học viên sĩ quan dù. 12. Trung úy quân nhân chuyên nghiệp Đỗ Mạnh Uy, chiến đấu viên Tiểu đoàn 18 đặc công. 13. Trung úy quân nhân chuyên nghiệp Đỗ Văn Năm, chiến đấu viên Tiểu đoàn 18 đặc công. 14. Trung úy quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Ngọc Thắng, chiến đấu viên Tiểu đoàn 18 đặc công. 15. Trung úy quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Văn Hưng, chiến đấu viên Tiểu đoàn 18 đặc công. 16. Trung úy quân nhân chuyên nghiệp Đặng Hồng Quang, chiến đấu viên Tiểu đoàn 18 đặc công. 17. Thiếu úy quân nhân chuyên nghiệp Chử Văn Minh, chiến đấu viên Tiểu đoàn 18 đặc công. 18. Thiếu úy quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Công Hợi, Tổ trưởng Tiểu đoàn 18 đặc công. Ngoài ra, có 3 người bị thương vẫn đang nằm trong bệnh viện điều trị là Nguyễn Hoàng Anh (sinh năm 1982), Nguyễn Văn Tuấn (sinh năm 1982), Đinh Văn Dương (sinh năm 1983). Cả 3 anh đều là Trung úy quân nhân chuyên nghiệp, chiến đấu viên Tiểu đoàn 18 đặc công. P.Hậu – Đ.Hạ |
Quốc Phong
Bình luận (0)