Pierre Trần Văn Nhung: 'Thần mã' kỳ tài

18/11/2015 07:37 GMT+7

Gần 15 năm thi đấu trong màu áo đội tuyển quốc gia, Pierre Trần Văn Nhung luôn nổi bật với những pha bóng lắt léo gây rối loạn hàng phòng ngự đối phương để ghi bàn.

Gần 15 năm thi đấu trong màu áo đội tuyển quốc gia, Pierre Trần Văn Nhung luôn nổi bật với những pha bóng lắt léo gây rối loạn hàng phòng ngự đối phương để ghi bàn.
Ông Pierre Trần Văn Nhung (trái) và tác giả - Ảnh: C.T.V
Từ chối thi đấu ở Pháp
Môn túc cầu (tên gọi trước đây của bóng đá) đến với nước ta vào khoảng cuối thế kỷ 19, phát triển trước tiên ở Câu lạc bộ Thể thao Sài Gòn (Cercle Sportif Saigonnais - CSS, tên thường gọi là “Cercle”), sân đấu là sân Tao Đàn ở TP.HCM hiện nay. Đến năm 1959 đội tuyển chúng ta với chiến thắng đội chủ nhà Thái Lan 3-1 trong trận chung kết SEAP Games lần 1 mới có chức vô địch đầu tiên ở một giải đấu quốc tế chính thức mà 56 năm qua các thế hệ đàn em vẫn chưa lần nào tái lập được. Năm 1960, VN xếp hạng 4 tại giải vô địch châu Á, VN cũng đoạt hạng 4 tại Á vận hội lần 4 - 1962 ở Indonesia rồi đến tháng 3.1964 thắng Israel 2-0 trong trận đấu lượt về vòng loại Olympic Tokyo 1964. Tất cả những thành tích trên đều có sự góp mặt của ông Pierre Trần Văn Nhung.
Mặc dù sinh tại Hóc Môn (Sài Gòn) vào năm 1933 nhưng ông Nhung có quốc tịch ban đầu là Pháp, khi nhập tịch VN vào cuối thập niên 1950 vẫn mang tên là Pierre Trần Văn Nhung. Ông tham gia đội bóng CSS từ lúc còn rất nhỏ, khi 17 tuổi đã thi đấu cho đội tuyển VN (thời Pháp thuộc) và dự Á vận hội lần 2 tại Manila vào tháng 5.1954 ở Philippines. Sau Hiệp định Genève 1954, lúc ông vẫn chưa nhập tịch VN, người Pháp được lệnh rút về nước và có lời mời ông Pierre sang Pháp để đá bóng nhưng ông đã từ chối và tiếp tục ghi những bàn thắng đẹp tại VN cho đến khi treo giày vào cuối năm 1974.
Ngoài tên gọi ngắn gọn là Pierre, trong thời gian thi đấu đỉnh cao, ông được tặng biệt danh “thần mã” vì dù chỉ cao 1,6 m, lại “đậm người” nhưng ông có khả năng bứt phá rất tốt và xoay xở cực nhanh để ghi bàn trong khu vực 16 m 50. Ông kể: “Trong trận thắng 3-1 của đội AJS với đội vô địch Hương Cảng là Nam Hoa vào năm 1952 có mặt các danh thủ như “Hương Cảng chi bảo” Diêu Trác Nhiên, Mạc Chấn Hoa…, tôi đã góp công 1 bàn. Lúc đó, tôi đã đi bóng rất nhanh từ sân nhà theo hành lang cánh trái, vượt qua hậu vệ số 1 đội bạn là Lưu Nghị rồi “vỗ” bóng 1-2 với đồng đội để xâm nhập khu cấm địa đội bạn và kết thúc thành công”.
Sau trận đấu trên, thấy rõ khả năng tấn công của ông, lãnh đạo đội đã chuyển ông sang thi đấu ở vị trí tiền đạo phải. Ở chiến thắng vang dội 2-0 trên sân khách Tel Aviv với các cầu thủ cao to hơn hẳn của Israel trong lượt về vòng loại Olympic 1964, Pierre tự tin phát huy năng lực của mình để đi bóng lắt léo loại các hậu vệ Israel, chuyền bóng rất tốt để đồng đội ghi bàn. Ông nói: “VN lúc đó có rất nhiều cầu thủ hay nên ngay sau trận thắng quan trọng này, tôi quyết định giã từ đội tuyển quốc gia để nhường chỗ cho các cầu thủ trẻ”. Sau đó ông tập trung thi đấu cho đội AJS thêm 10 năm nữa mới nghỉ hẳn.
Tuổi già khó khăn
Sau 1975, Pierre Trần Văn Nhung làm HLV cho đội Đá mỹ nghệ đến năm 1982 thì dứt hẳn mọi công việc tập luyện và huấn luyện, chỉ còn tham gia các trận đấu trong lứa tuổi lão tướng. Mỗi sáng, ông vẫn ra công viên 23.9 gần nhà tập thể dục, nhưng cũng không tránh khỏi căn bệnh huyết áp cao và nhiều biến chứng khác. Ba tháng gần đây, sức khỏe của ông Pierre sút giảm rõ rệt. Anh Philippe Trần Văn Nhung - con trai trưởng và là người chăm lo chính cho ông, cho biết: “Dạo này cụ hay ho có nhiều đàm, tim yếu và hay rối loạn nên không thể tự lo những việc cá nhân. Cách đây khoảng một tháng, khi đi thăm một người bạn cụ lại bị té xe nên bệnh tình càng xấu đi”. Tiếp xúc với chúng tôi trong căn nhà nhỏ tại đường Lê Thị Riêng (Q.1, TP.HCM) vào trung tuần tháng 9.2015, ông Pierre khó khăn lắm mới ngồi dậy, nói chuyện không rõ được lời nên phải nhờ anh Philippe “phiên dịch”. Trước hoàn cảnh khó khăn của ông, Chi hội Cựu cầu thủ bóng đá TP.HCM đã tổ chức một giải bóng đá cúp tứ hùng vào hai ngày 12 và 20.9.2015 (trên sân Thống Nhất) để gây quỹ giúp đỡ ông, nhưng chi phí chữa bệnh quá lớn, hoàn cảnh gia đình ông đang rất khó khăn nên vẫn chờ đợi tấm lòng của các nhà hảo tâm và những người yêu mến tài năng của ông.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.