PISA và niềm tin

07/12/2013 02:10 GMT+7

Một điều gì đó có vẻ ngược đời khi vừa mới có thông tin học sinh VN được xếp trên nhiều nước tiên tiến, kể cả Mỹ, Anh, Úc... trong kỳ thi khảo sát đánh giá kiến thức và kỹ năng của học sinh lứa tuổi 15 trên thế giới ( PISA ), dư luận có người đã tỏ vẻ không tin về kết quả khảo sát, ít nhiều có thái độ phê phán giáo dục VN.

>> Vượt Mỹ' không có nghĩa là thành công
>> Vì sao học sinh Việt Nam lại xếp hạng cao hơn Anh, Mỹ?

Nghĩa là khi lãnh đạo Bộ GD-ĐT chưa kịp vui mừng báo công trước xã hội kết quả mà chính lãnh đạo Bộ này thừa nhận là “cũng bất ngờ” thì đã đón hàng loạt sự phê phán, thái độ thiếu tin tưởng. Càng thấy rõ sự mâu thuẫn này nếu biết rằng PISA là chương trình đánh giá học sinh quốc tế quy mô lớn, có tính toàn cầu do Hiệp hội Các nước phát triển (OECD) khởi xướng và đến nay là cuộc khảo sát giáo dục duy nhất  trên thế giới chỉ chuyên đánh giá về năng lực phổ thông của học sinh ở độ tuổi 15.

Vì sao như vậy? Người ta phân tích, phê bình những yếu kém chính là mong muốn lãnh đạo ngành giáo dục đừng tự mãn, chủ quan xem kết quả như thế là biểu hiện của chất lượng. Thế nhưng, trong sâu thẳm có thể nói không ít người dân vẫn thiếu tin vào chất lượng thực sự của giáo dục nước nhà cho dù kết quả là khách quan, chính xác của một khảo sát ít nhiều uy tín trên thế giới.

Điều này có thể gây đau lòng nhưng đó là sự thật.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn về khó khăn của giáo dục VN, lãnh đạo một trường ĐH ngoài công lập ngậm ngùi cho rằng khó khăn nghiêm trọng và chung của toàn hệ thống là phụ huynh, thiếu tin tưởng với nền giáo dục hiện tại. Thử nhìn vào thực tế sẽ thấy nhận định này không võ đoán. Bởi vẫn ngày càng nhiều người VN chưa giàu nhưng cho con đi học nước ngoài, kể cả từ tuổi rất nhỏ. Thử hỏi xem những phụ huynh có ít nhiều điều kiện mong ước gì cho tương lai của con cái, ngoài việc con mình có cơ hội ra nước ngoài học tập? Thử khảo sát xem bao nhiêu người làm giáo dục ở VN đưa con ra nước ngoài học tập? Con số này chắc chắn không nhỏ.

Xây dựng niềm tin là khó, nhưng đây là điều cần phải làm đối với ngành giáo dục nước nhà. Với kết quả khảo sát PISA, ở khía cạnh nào đó, chúng ta có quyền tự hào nhưng như nhiều ý kiến, điều này lại là một áp lực lớn. Sẽ có ý nghĩa hơn nếu nhân cơ hội này, từ nền tảng này, ngành giáo dục nhìn nhận vào thực tế để thay đổi, khắc phục những yếu kém giúp người dân củng cố niềm tin.

Giá trị lớn nhất từ kết quả cuộc khảo sát PISA đối với VN, có thể là điều đó. 

Thùy Ngân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.