Nhớ tết thời bao cấp

14/02/2021 12:12 GMT+7

Ngồi khề khà với nhau bên ly rượu đầu năm, đề tài xem chừng đã cạn thì ông bạn thế hệ 5X nhắc tới chuyện tết thời bao cấp. Cánh cửa ký ức bật mở...

‘Thời ấy, cơ chế bao cấp “phủ sóng” cả nước. Ba Tơ (Quảng Ngãi) là huyện miền núi nên khó khăn chồng chất khó khăn. Mà cũng lạ! Những năm “mở cửa mơ tem, buông rèm mộng phiếu” không thiếu những câu chuyện buồn nhưng nhắc lại là thấy vui. Có lẽ đất nước vừa bước ra khỏi cuộc chiến tranh tàn khốc, ai cũng nghe “vết thương đang lành trên thân người” nên dù thiếu thốn mọi bề, dân mình vẫn nhìn hiện thực một cách vừa nghiêm khắc, vừa hóm hỉnh.
Các mặt hàng thiết yếu bỗng dưng khan hiếm, trong đó có dép. Mang nhiều sợ mòn, người quê hay cất vào góc nhà. Chỉ đi dép vào những dịp giỗ chạp, lễ nghĩa, hội hè. Còn thì cứ... trường ca chân đất nên hai bàn chân lấm lem. Sau khi “ăn khoai đi ngủ để sáng ăn củ đi làm”, dân quê ai cũng “ba xoa hai đập” trước khi đặt lưng xuống giường.
Lớp trẻ ngẩn người, không hiểu “ba xoa hai đập” là gì. Khi nghe giải thích thì mới ngã ngửa. Thì ra trước khi nằm, phải vệ sinh bằng cách xoa hai bàn chân vào nhau ba cái cho đất rớt xuống. Còn hai bàn chân đập đập vào nhau sau cùng là để đánh bay chút đất nào đó còn ngoan cố bám lại. Về sau, cụm từ trên được cập nhật thành “ba xoa hai đập chách tùm lum”. Nghe như ai chơi... ghi ta điệu bolero văng vẳng giữa đêm khuya.
Như những trường miền núi khác, giáo viên dạy ở đây đói triền miên. Nhưng nghe đài hát “em ơi mùa xuân đến rồi đó” là lòng rộn lên nhiều cảm xúc. Anh em vô rừng chọn chặt nhành cây dáng đẹp cắm giữa nhà tập thể, giăng ngang câu khẩu hiệu “Vui xuân mới không quên nhiệm vụ”. Tuần sau lá rụng trơ cành, nhìn thật lãng mạn. Cứ để vậy chứ hoa giấy có đâu mà đính lên. Già làng ghé chơi, nói mai trễ tết rồi mấy thầy ơi. Bọn mình dạ, lạnh quá mà, chơi tết sau vậy!
Chuyện vui buồn tết Ba Tơ nhiều như lá rừng. Chiều cuối năm. Thùy, một giáo viên nữ khá xinh, khóc sưng mắt vì nhớ nhà. Phòng giáo dục cho về nhưng mấy con suối sâu ngăn lại. Anh em họp chọn người cõng Thùy ra đường lớn. Ai cũng đòi làm “phu cõng” để... lấy điểm của người đẹp nhưng ai cũng ốm yếu xanh xao vì thiếu ăn nên phòng giáo dục không cho.
Cuối cùng cuộc họp chọn Linh, một giáo viên vừa lên nhận công tác, cơ bắp chưa bị lấy đi bởi đói và sốt. Linh cõng người đẹp qua suối an toàn. Về, anh em xúm lại hỏi han. Linh thở hổn hển kể có những đoạn suối sâu, tao ướt tới ngực, nàng ướt tới mông. Tội nghiệp, nàng một tay ôm cổ tao, tay kia giơ cao cái bị ni lông đựng tem phiếu. Thùy nói ướt gì cũng được, nhưng ướt tem phiếu là mất tết. Mà mất tết thì em về để làm gì? Cô ấy tặng tao 10 điểm. Nhưng tao đã có Hạnh rồi, sang năm cưới. Đứa nào muốn tán Thùy thì thật thà khai báo, tao sang điểm cho.
Ngày cận tết. Khu tập thể vắng thêm một nữ giáo viên nữa. Lan vừa rời điểm trường xã, xuống thị trấn Ba Tơ ăn tết với vợ chồng ông cậu. Cả nhóm loay hoay cho cuộc rượu đón giao thừa thì phát hiện có ai đó treo thơ lên “cành mai”. Thơ như vầy: “Thu đi để lại lá vàng/Lan đi để lại muôn ngàng nhớ thương”.
Sáng mùng một tết, có thêm hai câu nữa bên cạnh câu trước nhưng nét chữ khác: “Thu đi để lại lá vàng/Lan đi để lại muôn ngàng có rê” (“Rê” là cách phát âm cũ của phụ âm g: gờ).
Tác giả đầu tiên trách tác giả thứ hai, nói người say hay làm sai. Tui say, viết sai chính tả chút xíu mà ông nhạo báng. Rồi anh ta phủi mông đứng dậy, đi uống rượu với “đồng bào”. Lại say! Về nhà tập thể anh quát lên: “Nghe đây! Tình yêu của tao không cần chính tả. Mày biết chưa?”.
Anh chàng “họa thơ” lật đật vuốt ve: “Đúng đúng! Tình yêu là... tình yêu. Chính tả chả cần tính”.
Kể lại để nhớ cái tết đói nhưng cười no! 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.