Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Kinh tế xanh sẽ là tương lai

Lê Quân
Lê Quân
19/02/2021 17:12 GMT+7

Trò chuyện với báo chí nhân dịp đầu năm, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cho biết, không thể phát triển mà bất chất môi trường; phải lựa chọn kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn hướng tới sự bền vững.

Phát triển kinh tế bất chấp môi trường - bài học đắt giá

Nhiệm kỳ vừa qua Bộ TN-MT đã được kết quả rất tích trên nhiều lĩnh vực, tuy nhiên cũng còn không ít những vấn đề khó khăn, vướng mắc chưa thể giải quyết. Bộ trưởng có thể chia sẻ thêm về bài học và trăn trở của mình?
Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Việc quản lý ngành TN-MT giai đoạn này có nhiều bài học quan trọng. Khi có quan điểm và nhận thức phát triển kinh tế trước rồi xử lý các vấn đề môi trường sau thì bài toán kinh tế phải trả giá rất đắt, chẳng hạn như bài học với Formosa.
Bài học nữa là chính vì sự ủng hộ của người dân, cuối nhiệm kỳ, cơ bản chúng ta thay đổi được các quan điểm, tư duy, phương pháp quản lý, xác định môi trường là lĩnh vực rất quan trọng, lấy môi trường là một trong 3 trụ cột, xác định mối quan hệ hài hoà với kinh tế - xã hội.
Chúng ta cũng xác định được mô hình kinh tế xanh, tăng trưởng xanh, kinh tế carbon thấp và kinh tế tuần hoàn là một nhiệm vụ hết sức chủ đạo để góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế một cách bền vững hơn. Chúng ta xác định thay đổi mô hình kinh tế nâu, năng lượng nâu sang năng lượng xanh, chưa bền vững sang bền vững.
Còn trăn trở thì rất nhiều vì lĩnh vực quản lý ngành TN-MT rất rộng, để thực hiện ngay một sớm một chiều thì rất khó. Công tác quản lý lĩnh vực của chúng tôi phụ thuộc nhiều vào sự tham gia của các lĩnh vực kinh tế khác, vào tư duy, sự phát triển của mô hình phát triển. Đối với các lĩnh vực tài nguyên hiên nay thì quan trọng nhất là cần thực hiện đầy đủ theo nền kinh tế thị trường. 
 

Ngành TN-MT luôn đề cao bài học môi trường sau vụ Formosa gây ra thảm họa biển miền Trung vào năm 2016

Ảnh Nguyễn Dũng

Tài nguyên là tài sản, nguồn lực quốc gia và làm sao lượng hoá, nắm chắc được như tiền bạc lại đòi hỏi công tác điều tra đánh giá. Trong khi đó, nguồn lực đầu tư vào điều tra đất liền mới đánh giá được một phần, biển thì chưa đánh giá được. Nguồn lực này mà chưa đánh giá được thì chúng ta chưa thể hạch toán, phân bổ cho phát triển. Đó là nhiệm vụ.
Lĩnh vực ứng phó biến đổi khí hậu cũng đang đặt ra gánh nặng lớn nên ngành TN-MT. Nâng cao chất lượng dự báo là quan trọng nhưng quan trọng hơn là đánh giá được tình hình để đưa quy hoạch thích ứng chứ không phải hàng năm bị động và ứng phó...

Kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là tương lai

Bộ trưởng có nhắc đến kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Xin ông cho biết thêm về tầm quan trọng và tương lai của loại hình kinh tế này trong sự phát triển của đất nước?
Định nghĩa của kinh tế xanh là dựa trên việc sử dụng các nguồn tài nguyên có thể tái tạo năng lượng hiệu quả. Kinh tế xanh thể hiện đầu tư vào vốn tự nhiên, dựa trên cân bằng con người và tự nhiên, đầu vào dùng năng lượng tái tạo. Còn kinh tế tuần hoàn là nền kinh tế dựa trên tư duy thiết kế ngay từ đầu là làm sao làm các vật tư vật liệu, sảp phẩm sử dụng phải đảm bảo đời sống dài hơi, lâu hơn, hiệu quả hơn.
Nói cách khác, thay vì trước đây quy trình là phát triển bằng đất đai, tài nguyên, sản xuất, sản phẩm tiêu dùng rồi thải bỏ thì bây giờ biến gánh nặng đó thành vòng tròn, mọi vật chất không bị thải bỏ, hướng đến chất thải bằng 0. Kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn là tương lai, rất có tiềm năng.
Vậy chúng ta nên triển khai kinh tế xanh ra sao và những giải pháp nào để giải quyết những khó khăn trong khi thực hiện việc chuyển đổi từ "kinh tế nâu" sang "kinh tế xanh", thưa Bộ trưởng?
Hiện nay, các nghị quyết của Ban Chấp hành T.Ư khóa 12 đã tạo ra nền tảng quan trọng để chuyển đổi phát triển các mô hình kinh tế đi theo chiều sâu và chiều rộng. Ngành TN-MT cũng phải chuyển đổi chủ trương, chính sách.
Về chủ trương, phát triển kinh tế phải tính tới bài toán môi trường, dựa trên việc bảo vệ giữ gìn phát triển hệ sinh thái tự nhiên, hay giải quyết mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên, với môi trường, giữa kinh tế với môi trường.
Thứ hai, phải chuyển đổi quan niệm, thay đổi, sử dụng vật liệu, nguồn tài nguyên tự nhiên, nhiên liệu hoá thạch sang các nguồn tài nguyên có thể tái tạo, thân thiện với môi trường hơn. Đó là định hình với ngành chúng tôi.

Phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, đẩy mạnh tái chế là điều tất yếu cần làm trong tương lai

Ảnh Lê Quân

Trong quá trình phát triển, chuyển đổi quan trọng nhất là kinh tế dựa vào tài nguyên sang kinh tế dựa vào năng lượng tái tạo, chuyển sang kinh tế tuần hoàn, nói cách khác là nền kinh tế mà ở đó các tài nguyên thiên nhiên được sử dụng một cách có tính toán, hiệu quả nhất.
Chúng ta cần một nền kinh tế mà đầu ra cuối cùng tiến tới chất thải ít nhất, sử dụng lâu bền hơn các nguyên vật liệu. Ngay từ thiết kế ý tưởng phát triển trong mỗi doanh nghiệp, khu công nghiệp, nền kinh tế phải tính toán để toàn bộ nguồn lực cần được ứng dụng một cách tiết kiệm và hiệu quả.
Năm 2020 vừa qua, chúng ta phải đối mặt với đại dịch lớn chưa từng có và trong đại dịch, chúng ta đều tìm ra các mối quan hệ hết sức khoa học với môi trường. Dưới góc độ cơ quan về môi trường, chúng tôi xác nhận cho đến giờ không chỉ vấn đề biến đổi khí hậu mới đáng báo động mà việc trái đất mất tính cân bằng, các vấn đề như dịch bệnh cũng cần lưu ý. Do đó, việc cần thực hiện dựa trên kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là việc cần làm.
Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.