Tới 2030 có 5.000 km cao tốc
Sáng 28.3, giới thiệu, quán triệt chuyên đề về Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và Phương hướng, nhiệm vụ 5 năm tới (2021 - 2025) tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt văn kiện Đại hội XIII, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh nhiệm vụ, giải pháp về phát triển kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế vùng, kinh tế biển, đô thị nông thông.
Theo Thủ tướng, đây là những nội hàm quan trọng, lĩnh vực mà chúng ta còn rất nhiều tiềm năng, thế mạnh và cũng là lĩnh vực tạo đột phá trong tăng trưởng.
Về phát triển kết cấu hạ tầng, Thủ tướng cho biết kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025, tổng mức đầu tư công là 2,75 triệu tỉ, cao hơn, 15%. Chúng ta có 336 dự án hợp tác đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) ký hợp đồng, huy động trên 1,8 triệu tỉ.
"Chúng ta tiếp tục thúc đẩy PPP", ông Phúc nói.
Ông Phúc cũng cho biết, trong giai đoạn tới, sẽ tập trung đầu tư các dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia, nhất là giao thông, năng lượng và hạ tầng số.
"Phấn đấu đến năm 2030, có 5.000 km cao tốc, các sân bay trọng điểm lớn đều đầu tư hiện đại", Thủ tướng nói và cho biết, trong cuộc làm việc giữa Đảng đoàn Quốc hội và Ban Cán sự Đảng Chính phủ mới đây đã thống nhất làm tuyến đường cao tốc ven biển Bắc - Nam, bao gồm cả miền Đông, miền Tây Nam bộ.
Tốn tiền cũng phải làm
Về phát triển kinh tế vùng, Thủ tướng cho biết, sẽ xây dựng quy hoạch tổ chức không gian hợp lý, phát huy lợi thế mỗi vùng, địa phương. Bên cạnh đó, xây dựng cơ chế chính sách đặc thù, thúc đẩy liên kết phát triển vùng.
Theo Thủ tướng, chúng ta sẽ lựa chọn một số địa điểm đô thị vùng có lợi thế đặc biệt là xây dựng trung tâm kinh tế, tài chính có lợi thế để có cơ chế chính sách đặc thù, tạo ra những đột phá cạnh tranh quốc tế.
"Nhân đây, tôi nói rộng hơn. Chính phủ đã trình Quốc hội luật Đặc khu, nhưng hồi đó nhận thức còn nhiều vấn đề. Chúng ta chưa làm tốt công tác hướng dẫn dư luận cho nên chúng ta chưa thành công. Chúng ta phải tiếp tục nghiên cứu vấn đề này", ông nói.
"Cũng như đường sắt Bắc - Nam, đường sắt Hồ Chí Minh - Cần Thơ... Tất cả những vấn đề đó tốn tiền cũng phải làm, phải có nghiên cứu để làm", Thủ tướng cho biết thêm.
|
Về phát triển kinh tế biển, Thủ tướng cho biết, phấn đấu 2030, quy mô kinh tế của 28 tỉnh có biển 65 - 70% GDP cả nước.
"Riêng Côn Đảo phấn đấu 5 năm tới phải có điện lưới quốc gia. Đây là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng của đất nước ta. 5.000 tỉ là lớn nhưng không phải là lớn so với lịch sử", Thủ tướng nói.
Cũng theo Thủ tướng, vấn đề phát triển đô thị và xây dựng nông thôn mới là 2 vấn đề đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của đất nước. Chỉ thực hiện hiệu quả nhiệm vụ này thì chúng ta mới có thể phát triển bền vững.
"Vừa qua, chúng tôi đã đề nghị nên đổi tên Bộ Xây dựng thành Bộ Xây dựng phát triển đô thị và nhà ở. Đây là vấn đề lớn", ông nói.
Không thể hết đông đến xuân không có sản phẩm gì
Cho rằng tổ chức thực hiện là quan trọng nhưng luôn là khâu yếu lâu nay, Thủ tướng cũng nhấn mạnh không chỉ chính quyền, nhà nước mà cấp ủy cũng phải tổ chức thực hiện; phải tập trung làm tốt hơn khâu này để sớm đưa Nghị quyết và chiến lược vào cuộc sống.
Thủ tướng lưu ý cần có kế hoạch cụ thể về kiểm tra, giám sát và đánh giá thực hiện để thúc đẩy đồng thời chú trọng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nút thắt trong quá trình thực hiện.
"Thể chế không thể bao phủ hết, ông phải lên rừng xuống biển để tháo gỡ trực tiếp những khó khăn của đất nước, của cơ sở, của người dân, tiếp dân, xử lý các kiến nghị. Mọi việc không có sẵn thể chế đâu", Thủ tướng lưu ý.
Thủ tướng cũng cho rằng cần có cơ chế đánh giá, năm thứ nhất, năm thứ 2, giữa kỳ 5 năm làm được cái gì.
"Theo khái niệm của tổ chức nói là phải có sản phẩm mới đánh giá được cán bộ tốt hay không, chứ không phải là hết mùa đông đến mùa xuân, nước chảy bèo trôi, không có sản phẩm gì cả", Thủ tướng nhắc nhở.
Bình luận (0)