Cuộc thách thức chính quyền quân sự Myanmar của nghị sĩ bị bãi nhiệm

Văn Khoa
Văn Khoa
18/04/2021 07:30 GMT+7

Từ vùng hẻo lánh ở Ấn Độ, một số nghị sĩ Myanmar bị bãi nhiệm vẫn làm việc nhằm thách thức chính quyền quân sự Myanmar nhưng quyết không dựa vào Trung Quốc .

Vào ngày 16.4, CRPH thông báo lập “chính phủ thống nhất quốc gia”, gồm những nghị sĩ của chính phủ dân sự trước chính biến, thành viên các nhóm thiểu số và những nhân vật trong phong trào biểu tình phản đối chính quyền quân sự, theo AFP. CRPH là nhóm những nhà lập pháp Myanmar bị bãi nhiệm được thành lập vào ngày 5.2 nhằm khôi phục chính quyền dân sự và lật đổ chính quyền quân sự.
Trên trang Facebook của mình, CRPH liệt kê danh sách các thành viên của “chính phủ thống nhất quốc gia”, trong đó Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi và Tổng thống Win Myint giữ vai trò lãnh đạo. Hai nhà lãnh đạo này đang bị quản thúc và đối diện nhiều cáo buộc từ chính quyền quân sự.

Phe phản đối quân đội Myanmar thành lập 'chính phủ thống nhất'

Chính quyền quân sự chưa có phản ứng về thông tin trên, nhưng trước đó đã cảnh báo bất kỳ ai làm việc với CRPHl là phản quốc và đã phát lệnh truy nã hàng trăm nhà hoạt động và chính trị gia, trong đó có vài người là thành viên của “chính phủ thống nhất quốc gia”.
Tính đến nay đã có hơn 700 người thiệt mạng và trên 3.000 bị bắt trong các cuộc biểu tình phản đối quân đội Myanmar lên nắm quyền từ cuộc chính biến ngày 1.2, theo Reuters. Trong số người bị bắt có hơn 150 nghị sĩ và thành viên của chính quyền dân sự trước đó.

"Không thể dựa vào Trung Quốc"

Nỗi sợ về nguy cơ bị bắt giam và không có đủ năng lực để lập lại chính quyền dân sự vì không có kết nối internet đã thúc một số nghị sĩ Myanmar bị bãi nhiệm phản đối chính quân sự làm việc từ Ấn Độ, theo Reuters dẫn lời hai nghị sĩ Myanmar tiết lộ. Đã có hơn 10 nghị sĩ Myanmar bị bãi nhiệm đã vượt biên đến vùng đông bắc hẻo lánh của Ấn Độ, tất cả đều có liên quan CRPH.

Nhiều người biểu tình cầm pháo hoa trong lúc tham gia biểu tình ở thành phố Mandalay, Myanmar ngày 13.4

AFP

 
Một trong số nghị sĩ vượt biên sang Ấn Độ mới đây tiết lộ kể từ khi vượt biên cách đây hơn 2 tuần, ông tổ chức các cuộc thảo luận đều đặn qua ứng dụng Zoom với đồng nghiệp nhằm thành lập một chính quyền song song ở bang Chin thuộc miền tây Myanmar theo sự chỉ đạo từ CRPH. Tuy nhiên, quá trình này không đơn giản, liên quan đến việc xây dựng sự đồng thuận giữa các đại biểu được bầu, đảng phái chính trị, các nhóm vũ trang thiểu số, tổ chức dân sự và những thủ lĩnh phong trào bất tuân dân sự, theo hai nghị sĩ và một chính trị gia Myanmar tiết lộ.

[VIDEO] Myanmar không có lễ mừng năm mới vì biểu tình, LHQ lo thảm cảnh Syria lặp lại

CRPH cũng mong muốn mở các cuộc liên lạc với giới chức ở Ấn Độ, nơi có ít nhất 1.800 người từ Myanmar đang lánh nạn, và sẽ tìm kiếm sự hậu thuẫn của chính quyền New Delhi cho việc lập chính quyền song song ở Myanmar, theo chính trị gia nói trên. “Chúng ta không thể dựa vào Trung Quốc, Thái Lan và những quốc gia láng giềng khác.Quốc gia duy nhất hoan nghênh người tị nạn là Ấn Độ”, vị chính trị gia khẳng định.
Gần đây, các lập pháp thuộc đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) của bà Suu Kyi từ vùng Sagaing thuộc phía bắc Myanmar đã tổ chức hội nghị trực tuyến, nhưng chỉ có 26 trong số 49 đại biểu tham dự, theo một nghị sĩ tham dự hội nghị từ Ấn Độ. “Chúng tôi không biết số nghị sĩ còn lại đang ở đâu”, vị nghị sĩ cho hay. Ông cho biết thêm hai quan chức NLD hiện đang cố gắng xác định xem những nghị sĩ còn lại ở đâu.

Lập trường của Ấn Độ

Đối với chính phủ Ấn Độ, sự hiện diện cũng như các hoạt động của những nhà lập pháp Myanmar bị bãi nhiệm dẫn tới tình trạng khó xử về ngoại giao, trong bối cảnh New Delhi có quan hệ gần gũi với quân đội Myanmar.
Tuy nhiên, trong vài tuần gần đây, lập trường của Ấn Độ về tình hình Myanmar dường như có thay đổi một phần nào đó, theo Reuters. Trong cuộc họp ở Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc vào ngày 10.4, nhà ngoại giao Ấn Độ K.Nagaraj Naidu cho hay New Delhi đang thúc đẩy sự khôi phục nền dân chủ ở Myanmar. “Bước đầu tiên và ngay tức thì trong vấn đề này là thả những nhà lãnh đạo bị giam giữ”, ông Naidu nhấn mạnh.
Tuy nhiên, New Delhi quan ngại rằng tình trạng chia rẽ nội bộ trong CRPH có chế hạn chế hoạt động của nhóm, theo Reuters dẫn một nguồn thạo tin. Dù vậy, nhà chính trị liên quan CRPH nói trên cho hay ông vẫn hy vọng New Delhi sẽ tiếp xúc với nhóm này. “Nếu dân chủ thắng ở Myanmar, đó cũng là một chiến thắng đối với Ấn Độ”, vị chính trị gia nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.