Nhà thiết kế Sĩ Hoàng tiết lộ thêm rằng, sau khi vở kịch lịch sử này hoàn thành, anh sẽ “đi tu” 4 năm. Anh vừa đã có cuộc trò chuyện thân tình cùng Thanh Niên Online.
* Nghe nói anh phải hoãn lại lịch phúc khảo trong khi tập tuồng đã hoàn tất. Khóc giữa trời xanh có kịch bản nói về Thái sư Lê Văn Thịnh nổi tiếng trong lịch sử và ông trải qua cuộc đời thăng trầm với nhiều bi kịch. Có lẽ đó là cảm hứng cho anh đầu tư dựng vở?
- Nhà thiết kế Sĩ Hoàng: Dự kiến vở phúc khảo ngày 11.5 và diễn ngày 12, 13.5 tại Nhà hát TP.HCM, nhưng giờ phải dời lại. Nhân vật Lê Văn Thịnh quá hay, rất kịch tính, vừa hấp dẫn lại vừa làm mình ngưỡng mộ. Lịch sử chúng ta có rất nhiều nhân vật hay, tại sao sân khấu không khai thác, mà cứ để lớp trẻ “thuộc” sử nước ngoài. Tuy nhiên làm vở sử khó lắm, dễ bị "soi" nên chúng tôi đã đổi tên nhân vật, coi như đây chỉ là cảm tác từ lịch sử.
|
* Anh cũng đang hướng tới đối tượng khán giả là học sinh, sinh viên?
- Tôi đã tham gia với NSND Hoàng Yến trong những vở Yêu là thoát tội, Thành Thăng Long thuở ấy, Vụ án cậu trời… chủ yếu là diễn cho học sinh, sinh viên xem. Chúng tôi trung thành với chủ trương này, sẽ tiếp tục làm những vở kịch lịch sử và văn học để lớp trẻ được xem với giá vé rất "mềm".
Thậm chí, lần này tôi làm khác đi, không diễn tại hội trường hoặc sân khấu nhỏ, mà suất nào cũng diễn tại Nhà hát TP.HCM. Tôi muốn các em được bước vào một không gian đẹp, một di sản hàng trăm năm của thành phố. Thực sự có những người sống ở Sài Gòn mấy chục năm mà chưa hề biết nhà hát này. Giờ tôi muốn các em được thưởng thức nghệ thuật trong tâm thế đẹp, sẽ tăng thêm tình yêu với thành phố, tình yêu sân khấu, lịch sử. Và chính vì diễn tại nhà hát lớn nên tôi đầu tư cho phù hợp với không gian ấy, từ âm nhạc tới thiết kế, trang phục đều công phu, không sợ tốn kém.
Ban lãnh đạo nhà hát cũng hỗ trợ nhiệt tình, giá thuê nhẹ nhàng. Tôi đã ký hợp đồng 2 năm. Đặc biệt, tôi không diễn ban đêm mà diễn ban ngày, coi như nhà trường sắp xếp cho các em giờ học ngoại khóa vậy thôi.
* Ban đầu nghe anh nói là sẽ đóng vai chính - Thái sư Lê Văn, nhưng rồi lại nghe vai này sẽ do diễn viên Tây Phong đảm nhận?
- Thật sự tôi rất mê vai Lê Văn và tập tuồng nhuần nhuyễn rồi. Nhưng vì tháng 8 tới tôi sẽ “đi tu” nên phải mời Tây Phong về đảm trách cho các suất diễn sau này. Tây Phong là diễn viên đóng vai Trần Thủ Độ (vở Thành Thăng Long thuở ấy) được khen ngợi rất nhiều, tôi yên tâm.
Tuy nhiên, trong Liên hoan Sân khấu kịch toàn quốc diễn ra vào cuối năm nay, tôi vẫn diễn vai Lê Văn, bởi Tây Phong sẽ tham gia 2 vở Thành Thăng Long thuở ấy và Vụ án cậu trời, sợ xuất hiện nhiều quá không nên.
|
* Anh có thể nói rõ hơn về chuyện “đi tu”?
- Thầy Thích Minh Niệm - tác giả của quyển sách Hiểu về trái tim nổi tiếng chuẩn bị mở khóa đào tạo 100 cư sĩ để sau này phụng sự cộng đồng một cách hiệu quả. Khóa tu kéo dài 4 năm, có tên là Thiền tâm lý trị liệu, đặt tại một thiền viện ở Đà Lạt (Lâm Đồng); học viên gồm bác sĩ, luật sư, nhà văn, diễn viên, đạo diễn… nói chung là giới trí thức, có thể làm những việc mà người xuất gia khó làm, như vậy sẽ đem đến nhiều lợi ích cho xã hội.
Trong khóa tu, học viên được học về thiền, Phật học, kỹ năng, kiến thức… Ngay khi tuyển sinh, học viên phải trải qua 3 vòng thi, mà vòng cuối cùng là leo núi được 1.200m. May quá, tôi vừa vượt qua. Tôi vừa ăn kiêng, vừa rèn luyện thể lực, thấy mình khỏe hẳn cả thân lẫn tâm. Dự định tháng 6 nhập học, nhưng vì dịch Covid-19 nên hoãn lại tháng 8. Tôi sẽ biệt tích mấy năm, các vai diễn sẽ nhờ các bạn trẻ thay thế.
* Anh có ngại khi người ta hỏi câu: “Đã nói là đi tu mà sao còn lo làm nghệ thuật?”
- Đi tu đâu phải ngồi im không làm gì hết. Tu là sửa mình cho tốt hơn thôi, rồi ra sức phụng sự cộng đồng. Khóa học 4 năm ấy để chúng tôi “sửa mình”. Với sự hướng dẫn của thầy Minh Niệm và nhiều vị chân tu khác, chúng tôi sẽ định hướng được thân tâm tốt hơn. Và làm nghệ thuật cũng là một cách phụng sự cộng đồng.
* Anh có hướng phụng sự nào sau khi mãn khóa tu?
- Tôi sẽ thành lập Công ty Sử Việt, chuyên dựng kịch lịch sử và văn học. Tôi có gốc nhà giáo nên làm nghệ thuật phải kiêm luôn giáo dục, chú ý khán giả trẻ, học sinh, sinh viên. Và phương án của tôi là mỗi suất diễn sẽ mời một số doanh nhân đi xem, đồng thời tài trợ giá vé cho các em. Làm như vậy mới tồn tại lâu dài.
* Cảm ơn nhà thiết kế Sĩ Hoàng. Chúc anh thành công với những dự án tâm huyết của mình!
Bình luận (0)