Xe

Big Tech 'bít cửa' vào thiên đường thuế vì thỏa thuận của G7

28/06/2021 12:00 GMT+7

Thỏa thuận mang tính bước ngoặc về thuế của nhóm G7 được xem là thành tựu đầu tiên trong công cuộc bịt lỗ hổng về thuế doanh nghiệp trên toàn cầu và dự kiến sắp có bước tiến mới trong những ngày tới.

Ngày 30.6-1.7, 140 quốc gia sẽ nhóm họp để thông qua một thỏa thuận về thuế doanh nghiệp toàn cầu trong cuộc họp trực tuyến do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) chủ trì.

Các quốc gia này nằm trong Diễn đàn hợp tác chung thực hiện các giải pháp chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận do OECD thành lập.

Nội dung cuộc họp của OECD sẽ được chuyển cho bộ trưởng tài chính trong nhóm các nền kinh tế lớn (G20) trước khi họ gặp nhau tại Venice vào ngày 9-10.7 để thảo luận về thỏa thuận. Các chuyên gia tư vấn về thuế cho biết dù được G20 thông qua, quá trình đưa thỏa thuận đi vào hiệu lực có thể mất đến 5 năm.

Trước đó, thỏa thuận trên đã được Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) gồm Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Anh và Mỹ thông qua ngày 5.6. Đây là thỏa thuận mang tính lịch sử về thuế doanh nghiệp toàn cầu và được cho là sẽ giúp đối phó với tình trạng tránh thuế của các tập đoàn đa quốc gia.

Vấn đề gây nhức nhối

Từ lâu, việc các tập đoàn tránh thuế là một vấn đề lớn gây đau đầu cho các nước. Các công ty thường chuyển giá để làm điều này. Theo đó, công ty mẹ sẽ đặt ra mức giá giao dịch giữa các công ty con tại những nước khác nhau sao cho lợi nhuận được ghi nhận ở quốc gia có thuế thấp nhất.  

Nhóm G7 trước thỏa thuận lịch sử để chặn doanh nghiệp lách thuế

Tránh thuế bằng cách chuyển giá diễn ra ở mọi ngành nghề kinh doanh, nhưng các tập đoàn công nghệ toàn cầu (Big Tech) đang tận dụng tốt nhất kẽ hở này. Tại các công ty đó, những tài sản vô hình như nhãn hiệu, phần mềm và các tài sản trí tuệ khác là vật được trao đổi trong các giao dịch. Nhờ đó, họ chỉ phải trả mức thuế rất thấp ở những nước như Ireland trong khi không đóng thuế tại những nước mang lại lợi nhuận cho mình.

Theo báo cáo công bố tháng 5 của Fair Tax Foundation, số tiền thuế 6 ông lớn công nghệ Mỹ - bao gồm Facebook, Alphabet (công ty mẹ của Google), Amazon, Netflix, Apple và Microsoft - đã tránh được trên toàn cầu giai đoạn 2011-2020 là 149 tỉ USD. Trước đó, vào năm 2020, tổ chức ActionAid nói rằng Google, Facebook và Microsoft đã làm các nước đang phát triển thất thu 2,8 tỉ USD tiền thuế.

Một số quốc gia đã có biện pháp để đảm bảo lợi nhuận của Big Tech bị đánh thuế tại nơi giá trị kinh tế được tạo ra. Khoảng một nửa các quốc gia nằm trong OECD ở Châu Âu đã công bố, đề xuất hoặc áp dụng thuế dịch vụ kỹ thuật số (DST).

Đây là loại thuế đánh vào một phần tổng doanh thu của các công ty công nghệ lớn. Cách tính DST của mỗi quốc gia là khác nhau. Chẳng hạn, Áo và Hungary đánh thuế doanh thu từ quảng cáo trực tuyến. Trong khi đó, Pháp áp thuế trên nhiều loại doanh thu khác nhau, bao gồm doanh thu từ việc cung cấp giao diện kỹ thuật số, quảng cáo và việc truyền dữ liệu cho mục đích quảng cáo, theo Tax Foundation.

Cuộc đua giữa các quốc gia trong việc đưa mức thuế xuống đáy để thu hút đầu tư đã khiến các nhà lãnh đạo không thể đồng lòng có giải pháp chung về để giải quyết trong thời gian dài. Song, thỏa thuận G7 đạt được sẽ đặt nền móng cho việc “bít cửa” vào thiên đường thuế trên toàn cầu của các tập đoàn công nghệ.

Các bộ trưởng tài chính của nhóm G7 đã thông qua thỏa thuận lịch sử về thuế doanh nghiệp toàn cầu vào ngày 5.6 tại London, Anh

Reuters

Thỏa thuận G7 vừa đạt được có 2 nội dung chính. Đầu tiên, các công ty đa quốc gia sẽ phải đóng thuế ở nơi họ cung cấp dịch vụ chứ không chỉ tại quốc gia đặt trụ sở chính. Thuế này sẽ áp dụng cho các công ty đa quốc gia có biên lợi nhuận ít nhất 10%. Điều này nghĩa là khoảng 100 công ty lớn nhất trên thế giới sẽ bị ảnh hưởng. Nội dung thứ hai của thỏa thuận là các chính phủ G7 có thể đặt ra thuế doanh nghiệp ở mức tùy thích, nhưng mức thuế tối thiểu là 15%.

Tuyên bố chung của G7 không nhắc đến liệu DST ở từng quốc gia sẽ được giải quyết như thế nào. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nói việc DST ở các quốc gia bị hủy bỏ và thay bằng thỏa thuận mới là điều được ngầm hiểu. Vì DST chủ yếu tác động đến các công ty Mỹ, loại thuế này từ lâu bị Washington xem là phân biệt đối xử và luôn kêu gọi dẹp bỏ.

Thuyết phục G20

Thỏa thuận thuế G7 là một bước tiến lớn trong việc bịt lỗ hổng về thuế trên toàn cầu. Tuy nhiên, kế hoạch này phải đối diện với nhiều thách thức. Vào tháng tới tại Ý, G7 phải thuyết phục bộ trưởng tài chính của nhóm G20. Nếu thành công, các quan chức hy vọng thỏa thuận sẽ được lãnh đạo của những nước trong nhóm G20 ký kết tại hội nghị thượng đỉnh vào tháng 10.

Đây không phải là điều dễ dàng đạt được, The New York Times nhận định. Ireland, quốc gia được xem là thiên đường thuế doanh nghiệp, đã phản đối việc đặt ra mức thuế tối thiểu toàn cầu theo thỏa thuận G7. Đất nước có mức thuế doanh nghiệp chỉ 12,5% này cho rằng điều đó sẽ gây xáo trộn cho mô hình kinh tế của mình.

Trung Quốc, một quốc gia trong nhóm G20, được cho là đã theo dõi quá trình đàm phán của G7 nhưng khó có khả năng đồng ý với thỏa thuận. Các quan chức tài chính tin rằng nếu nhiều nền kinh tế tiên tiến thông qua, những quốc gia khác sẽ buộc phải làm theo. Họ cũng đang có kế hoạch gây áp lực để Ireland tham gia hiệp định.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.