Người lao động nghèo giảm gánh nặng nhờ "nhà trọ 0 đồng'
Nằm sâu trong đường số 44, P.Phú Hữu (TP.Thủ Đức, TP.HCM) là nơi cư ngụ của hơn chục hộ dân lao động nghèo. Đã 2 tháng nay, chị Đặng Thị Hồng (38 tuổi, quê Nghệ An), thuê trọ tại số 1 đường 44, không thể đi bán hàng rong vì dịch Covid-19 và phải tuân theo quy định giãn cách xã hội.
Trong căn gác nhỏ chỉ khoảng 25 m2, hai mẹ con chị Hồng suốt 2 tháng qua tự “an ủi” nhau. Những ngày thiếu thốn nhu yếu phẩm, chị Hồng thi thoảng lại “ới” khu phố để được hỗ trợ vài túi gạo cầm cự qua ngày.
Cố gắng trụ lại ở TP.HCM trong khi khoản dành dụm ít ỏi đã xài đến đồng tiền cuối cùng từ giữa tháng 7, cảnh thiếu thốn trăm bề nơi đất khách quê người khiến chị Hồng dù lạc quan mấy cũng luôn lo lắng.
Chia sẻ với chúng tôi, chị Hồng cho biết khi chưa có dịch Covid-19, đều đặn cứ 4 giờ rưỡi sáng hằng ngày, chị đánh thức con gái dậy cùng đẩy xe đi bán. “Hồi đó tuy có vất vả nhưng chịu khó là có tiền xài. Bây giờ ở nhà rỗng túi rồi không biết sống sao”, chị Hồng nói.
|
Khu trọ nơi chị Hồng tá túc có khoảng 5 phòng với giá 2 triệu/phòng. Người thuê trọ chủ yếu từ nơi khác đến, làm đủ thứ nghề, nhiều nhất là thợ hồ và công nhân may. Hiện do ảnh hưởng của dịch Covid-19, người lao động mất việc, chủ trọ giảm 100% tiền nhà cũng giúp nhiều người ấm lòng.
“Lúc không có tiền, 50.000 đồng kiếm cũng khó. Nhờ chủ nhà trọ thương nên hỗ trợ tiền trọ, tôi chỉ đóng tiền điện nước nên mừng lắm. Hồi đó định kiếm ít tiền để gửi con đi nhà trẻ, chứ dắt theo mẹ đi bán nắng noi quá. Hai tháng nay nghỉ ở nhà nên số tiền dành dụm cũng xài cạn”, chị Hồng tâm sự.
Tương tự, chị Đào Cẩm Tú (32 tuổi, quê TP.HCM) cũng lâm vào cảnh thất nghiệp và đang bám trụ lại TP.HCM cùng hai người bạn cùng phòng. Chị Tú gần sinh nên càng lo lắng hơn: “Chưa biết tính thế nào nhưng chắc tôi phải đi mượn tiền để sinh em bé, chứ bây giờ cũng không biết còn cách nào”.
|
Cách đó vài căn là nơi trọ của vợ chồng ông Phan Thanh Hùng (51 tuổi, quê Đồng Tháp). Ông Hùng cho biết thời gian qua nhờ chính quyền địa phương, chủ nhà trọ hỗ trợ thực phẩm nên đỡ gánh nặng “cơm - áo - gạo - tiền”.
Hai vợ chồng ông Hùng lên TP.HCM lập nghiệp đã 20 năm, từng lăn lộn kiếm sống bằng đủ thứ nghề nhưng chưa bao giờ ông bà thấy cuộc sống lại chật vật như lúc này.
Ông Hùng tâm sự: “Bà con hàng xóm dưới quê nhắn kêu thôi hai ông bà dắt cháu về quê sống đi, có rau ăn rau, có cháo ăn cháo. Bữa giờ thất nghiệp cả nhà 3 người có khi phải ăn cháo cả tuần. Sắp tới chắc vợ chồng tôi tính toán thêm có nên về quê không”.
Tiếp chúng tôi, chị Lan Anh (35 tuổi, chủ nhà trọ) cho biết đã giảm 100% tiền nhà cho 5 phòng trọ trên đường 44 (P.Phú Hữu, TP.Thủ Đức) khi hiểu được hoàn cảnh của người thuê. “Tôi thấy thương người dân lao động khó khăn nên hỗ trợ, mình cũng mua gạo tặng, động viên tinh thần để họ trụ lại TP.HCM”, chị Lan Anh chia sẻ.
'San sẻ lúc này là cần thiết'
Còn tại hẻm 46 đường số 49 (P.Hiệp Bình Chánh, TP.Thủ Đức), những ngày này, hàng chục hộ thuê trọ nghèo âm vào cảnh khốn đốn khi tiền bạc không còn nhưng dịch vẫn kéo dài. Căn phòng trọ chỉ hơn 20 m2 (tính cả gác lửng - PV) là nơi anh Lê Thanh Tư (44 tuổi, quê Quảng Ngãi) cùng vợ và 2 con nhỏ trọ nhiều năm nay. Trước đây anh Tư chạy xe ôm, vợ ở nhà nội trợ và làm thêm đan giỏ kiếm thêm chút thu nhập.
|
Rồi dịch Covid-19 ập tới, mọi công việc của 2 hai vợ chồng đều ngưng, thu nhập đứt đoạn. Suốt 2 tháng nay, cả gia đình chỉ quanh quẩn trong khu trọ và nhờ sự trợ cấp từ phía chính quyền địa phương. Chia sẻ với Thanh Niên, anh Tư nói, buồn vì không thể đi làm kiếm tiền để lo cho 2 con nhỏ.
“Ở đây có gì ăn nấy, khổ lắm. Cũng may anh chủ trọ thương nên miễn tiền phòng nếu không chẳng biết xoay đâu. Tiền phòng miễn rồi, giờ tiền điện nước tôi cũng không có để đóng”, anh Tư nói.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Ngô Tiến Sơn (62 tuổi, chủ dãy trọ) cho biết đã giảm 100% tiền phòng từ 2 tháng nay cho 10 phòng trọ. Theo ông Sơn, với giá 1,3 triệu/tháng, 10 phòng trọ là nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình ông. “Họ không đi làm lấy gì đóng tiền trọ, san sẻ cho họ lúc này là cần thiết và tôi sẽ miễn tiếp nếu còn dịch”, ông Sơn nói.
Cách dãy trọ nhà ông Sơn tầm 20 m là dãy trọ 5 phòng của một người bà con ông Sơn, thấy ông Sơn miễn 100% tiền nhà, gia đình này cũng chung tay miễn luôn tiền trọ cho người thuê trọ khi dịch Covid-19 kéo dài.
“Mình giúp được gì giúp, trước kia tôi là cán bộ và đã về hưu nên công tác chăm lo cho người dân tôi cũng nắm rõ. Cũng mong sau này nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền thuế cho những người giảm tiền thuê trọ cho dân”, ông Sơn nói thêm.
Cũng trên địa bàn P.Hiệp Bình Chánh, chúng tôi đến dãy 12 phòng trọ của bà Nguyễn Thị Thu Dung (68 tuổi) tại khu phố 1, đây là một trong những nơi được áp dụng mô hình “nhà trọ 0 đồng” do Ủy ban MTTQ VN TP.Thủ Đức triển khai nhằm hỗ trợ người lao động gặp khó khăn trong đợt dịch.
Đây là khu trọ nghèo nên giá phòng trọ thấp, chỉ dao động từ 600.000 - 700.000 đồng/phòng. Trước đó, bà Dung đã giảm 50% vào tháng 6 và 7 cho người thuê. Khi tình hình dịch Covid-19 vào tháng 8 căng thẳng, bà Dung quyết định miễn tiền trọ cho 12 phòng để mọi người an tâm bám trụ lại TP.HCM.
Một ngày giữa tháng 8 khi khu trọ nhận được quà hỗ trợ từ phía MTTQ VN TP.Thủ Đức, bà Dung cũng có phần vì hưởng ứng mô hình “nhà trọ 0 đồng”. Quà vừa tới tay, bà Dung mở phần quà của mình đầu tiên rồi… chia đều cho 12 phòng trọ. “Tôi muốn họ (người thuê trọ) an tâm sinh hoạt cho đến khi hết dịch, thiếu gạo thì qua tôi lấy, cần nhu yếu phẩm tôi sẽ liên hệ chính quyền. Kinh doanh nhà trọ lâu nên tôi rất hiểu hoàn cảnh của họ”, bà Dung chia sẻ.
Bình luận (0)