Khoa học cảnh báo về siêu vi khuẩn kháng thuốc gây bệnh dịch hạch

Ngọc Quý
Ngọc Quý
22/08/2021 08:09 GMT+7

Các nhà khoa học mới đây phát hiện một chủng vi khuẩn Yersinia pestis kháng kháng sinh mới có thể lây từ người sang người. Đây là loại vi khuẩn gây bệnh dịch hạch từng khiến hàng chục triệu người chết.

Thế giới đang tập trung kiểm soát dịch Covid-19. Các nhà khoa học cho rằng ngoài virus SARS-CoV-2 ra thì còn nhiều loại vi khuẩn, virus nguy hiểm khác có thể bùng phát thành dịch.

Một trong những loại vi khuẩn này là Yersinia pestis. Vi khuẩn Yersinia pestis, gọi tắt Y. pestis, là nguyên nhân gây bệnh dịch hạch. Vào thế kỷ 14, căn bệnh này đã gây ra trận đại dịch "cái chết đen", giết chết hàng chục triệu người ở châu Âu, theo Nature World News.

Ở thế giới hiện đại, bệnh dịch hạch đã không thể bùng phát thành dịch. Tuy nhiên, một số nơi vẫn có người bị nhiễm. Mỗi năm, thế giới ghi nhận hàng trăm người chết vì dịch hạch.

Tuy nhiên, trong một nghiên cứu mới đây, các nhà khoa học phát hiện vi khuẩn Y. pestis đã kháng lại thuốc streptomycin. Đây là loại kháng sinh sử dụng rộng rãi và được xem là loại thuốc ưu tiên hàng đầu để điều trị bệnh dịch hạch.

Nghiên cứu do các nhà khoa học tại Đại học Bắc Arizona (Mỹ) và Viện Pasteur de Madagascar ở quốc đảo Madagascar thực hiện. Kết quả nghiên cứu vừa được công bố trên chuyên san Clinical Infectious Diseases.

Chủng vi khuẩn Y. pestis kháng thuốc lần đầu tiên xuất hiện vào năm 2013, trong một đợt bùng phát bệnh dịch hạch thể phổi ở vùng Faratsiho của Madagascar.

Nghiên cứu cũng cho thấy chủng vi khuẩn gây bệnh dịch hạch kháng thuốc có thể lây từ người sang người. Bằng chứng là trong đợt bùng phát ở vùng Faratsiho thì có 22 ca bệnh, trong đó có 3 người chết và 19 người sống sót. Nhiều trường hợp trong số 19 người này đã bị nhiễm bệnh khi đến dự đám tan của 3 người chết vì dịch hạch.

“Đây là lần đầu tiên chúng tôi xác định chủng vi khuẩn Y. pestis có thể lây truyền từ người sang người”, giáo sư Dave Wagner, chuyên gia vi sinh vật và mầm bệnh tại Đại học Bắc Arizona, tiết lộ.

Vi khuẩn Y. pestis dù kháng lại kháng streptomycin nhưng vẫn dễ bị tổn thương khi điều trị bằng các loại kháng sinh khác, trong đó có kháng sinh co-trimoxazole. 19 bệnh nhân nhiễm dịch hạch sống sót được là nhờ điều trị bằng co-trimoxazole.

Vì không có vắc xin phòng ngừa nên người mắc dịch hạch cần được chẩn đoán nhanh và điều trị kịp thời bằng kháng sinh, theo Nature World News.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.