Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ngày 24.8 cho rằng nếu không có Covid-19, tỷ lệ người nghèo cùng cực - những người có mức sống dưới 1,9 USD mỗi ngày (khoảng 43.000 đồng), đáng ra phải giảm xuống còn 2,6% trong năm 2020 từ mức 5,2% vào năm 2017.
Tuy nhiên, đại dịch được dự báo sẽ đẩy tỷ lệ nói trên tăng thêm khoảng 2 điểm phần trăm. Theo báo cáo của ADB, tỷ lệ này có thể còn cao hơn vì sự bất cân bằng trong các lĩnh vực y tế, giáo dục và việc làm ngày càng tồi tệ hơn do tác động của Covid-19.
Trong số các nền kinh tế tại châu Á và Thái Bình Dương là thành viên của ADB, gồm 46 nền kinh tế đang phát triển và 3 nền kinh tế đã phát triển, chỉ có khoảng 25% là đạt tăng trưởng kinh tế trong năm 2020.
Tỷ lệ thất nghiệp tại khu vực gia tăng và số giờ làm cũng giảm 8%, ảnh hưởng đến bộ phận lao động nghèo trong lĩnh vực kinh tế phi chính thức.
Thiệt hại kinh tế của đại dịch Covid-19 đã gia tăng thách thức cho thế giới trong việc đạt được các mục tiêu phát triển toàn cầu, được Liên Hiệp Quốc thông qua hồi năm 2015 với hạn chót là năm 2030. Theo đó, một trong những nhiệm vụ được các nước nhất trí là xóa đói, chấm dứt bất bình đẳng giới tính để mở rộng tiếp cận với giáo dục và chăm sóc y tế.
Trưởng kinh tế gia của ADB, ông Yasuyuki Sawada bình luận rằng châu Á và Thái Bình Dương đã có những bước tiến ấn tượng nhưng Covid-19 đã phơi bày những rạn nứt kinh tế, xã hội, có thể làm suy yếu sự phát triển bền vững và bao quát của khu vực.
Bình luận (0)