Mỹ tăng tốc kết thân với Đông Nam Á

26/08/2021 16:30 GMT+7

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang đẩy nhanh chiến lược tập trung vào Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nói chung và khu vực Đông Nam Á nói riêng.

Những ngày qua, chuyến công du của Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris đến 2 nước Đông Nam Á là Singapore và Việt Nam đã thu hút sự quan tâm của giới quan sát quốc tế.

Cấp tập công du, chuẩn bị kỹ lưỡng

Thực tế trong 3 tháng qua, ngay trước chuyến đi của bà Harris, Washington đã tổ chức các đợt “ngoại giao tiền trạm” đến Đông Nam Á.

Cụ thể, cuối tháng 5 và đầu tháng 6, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman đã công du 3 nước Indonesia, Campuchia và Thái Lan. Đến tháng 7, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thăm Việt Nam, Philippines và Singapore.

Phát biểu với báo chí ngày 19.7, người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby khẳng định: “Chuyến thăm của Bộ trưởng Austin sẽ thể hiện tầm quan trọng được chính quyền Biden-Harris đặt lên Đông Nam Á và ASEAN như một phần cốt yếu của cấu trúc Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific). Chuyến đi này sẽ đánh dấu cam kết bền vững của Mỹ đối với khu vực, và lợi ích của chúng tôi trong việc duy trì trật tự quốc tế dựa trên quy tắc tại khu vực và thúc đẩy tính trung tâm của ASEAN”.

Mới nhất chính là chuyến thăm của Phó tổng thống Harris đến Singapore và Việt Nam. Bên cạnh đó, trong vài tháng qua, Ngoại trưởng Mỹ Antony J.Blinken liên tục có nhiều cuộc hội đàm trực tuyến với các đồng cấp của Đông Nam Á. Điển hình, từ ngày 2-6.8 vừa qua, ông Blinken tham gia 5 cuộc họp trực tuyến cấp bộ trưởng với ASEAN: Hội nghị Mỹ - ASEAN, Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị đối tác Mê Kông - Mỹ và những người bạn Mê Kông.

Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris gặp Thủ tướng Lý Hiển Long của Singapore

REUTERS

Trước khi tiến hành các hoạt động ngoại giao với Đông Nam Á, vào tháng 3, Bộ trưởng Austin và Ngoại trưởng Blinken công du Nhật Bản, Hàn Quốc, đồng thời Bộ trưởng Austin cũng đã thăm Ấn Độ. Trong đó, Tokyo và Seoul đóng vai trò là các đồng minh then chốt của Washington.

Không những vậy, Tokyo và New Delhi còn là 2 thành viên của “bộ tứ kim cương” (Mỹ - Nhật Bản - Úc - Ấn Độ) vốn là nền tảng trong chiến lược Indo-Pacific mà Washington theo đuổi. Xa hơn, “bộ tứ kim cương” cũng đang muốn tăng cường hợp tác và đề cao vai trò trọng tâm của ASEAN.

Chính vì thế, việc các bộ trưởng Mỹ đến Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ còn nhằm củng cố “bộ tứ” cho các chiến lược tăng cường ngoại giao, trong đó có ASEAN. Trước đó, vào đầu tháng 3, hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên của “bộ tứ” đã diễn ra với hình thức trực tuyến. Hội nghị này được giới chuyên gia quốc tế đánh giá đã giúp nhóm 4 nước hoàn thành bộ khung chiến lược để giải quyết các thách thức ở Indo-Pacific vốn bao hàm khu vực Đông Nam Á.

Phó Tổng thống Harris thông báo Mỹ hỗ trợ cho Việt Nam thêm 1 triệu liều vắc xin Pfizer

Bối cảnh thuận lợi

Dưới thời Tổng thống Donald Trump, nước Mỹ có sự phân hóa quan điểm giữa 2 đảng phái chính trị là Cộng hòa và Dân chủ trong nhiều vấn đề. Nhưng điểm chung lớn nhất giữa 2 bên vẫn là phải ứng phó các thách thức nổi lên ở Indo-Pacific, mà trong đó có các động thái của Trung Quốc.

Chính vì thế, việc Tổng thống Biden tiếp tục đẩy mạnh chiến lược Indo-Pacific và tăng cường hợp tác với ASEAN gặp khá nhiều thuận lợi trong nội bộ nước Mỹ, đồng thời giữ vững tính liên tục các chính sách của người tiền nhiệm về vấn đề này.

Bên cạnh đó, Mỹ đã rút lui khỏi Afghanistan giúp Washington có thể tái cơ cấu nguồn lực để có thêm điều kiện tập trung vào khu vực Indo-Pacific nói chung, Đông Nam Á nói riêng.

Trả lời Thanh Niên, GS Yoichiro Sato (chuyên về quan hệ quốc tế, Đại học Ritsumeikan Asia Pacific, Nhật Bản) chỉ ra: “Chính sách tái cân bằng châu Á của Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama đã bị chỉ trích vì thiếu phân bổ nguồn lực hữu hình cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhưng việc phân bổ lại nguồn lực đòi hỏi phải hoàn thành 2 thách thức lớn của Washington từ thời người tiền nhiệm của ông Obama là Tổng thống George Bush: Afghanistan và Iraq”.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin vào cuối tháng 7

REUTERS

Tương tự, ông Carl O.Schuster (cựu Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp - Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của hải quân Mỹ và đang giảng dạy ở Đại học Hawaii về quan hệ quốc tế, lịch sử) cũng đánh giá: “Việc rút khỏi Afghanistan giúp Mỹ giải phóng nguồn lực cho các hoạt động ở nơi khác”.

Bên cạnh đó, theo PGS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế, Nhật Bản, học giả tại Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Nhật), Mỹ giờ đây không còn đặt các vấn đề về sự khác biệt về quan điểm dân chủ khi tiếp cận các nước Đông Nam Á. Điều đó giúp các bên dễ dàng tìm được sự đồng thuận nhiều hơn.

Chính vì thế, việc Mỹ tăng cường quan hệ với các nước Đông Nam Á có thể đạt nhiều bước tiến.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.