Khi Mỹ liên tục 'lấy lòng' ASEAN

03/08/2021 08:00 GMT+7

Việc Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tham dự một loạt cuộc hội đàm trực tuyến với các đối tác ASEAN trong tuần này là nỗ lực tiếp theo của Washington nhằm tranh thủ sự ủng hộ của các thành viên trong khối để theo đuổi chính sách lâu dài đối với khu vực.

Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ, Ngoại trưởng nước này Antony J.Blinken tham gia 5 cuộc họp trực tuyến cấp bộ trưởng với ASEAN từ ngày 2 - 6.8.

Cấp tập nghị sự

Đó sẽ là các cuộc họp như Hội nghị Mỹ - ASEAN, Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị đối tác Mê Kông - Mỹ và những người bạn Mê Kông. Ngoài ra, theo Reuters, ông Blinken sẽ còn tham dự các cuộc họp riêng biệt của các nước tiểu vùng hạ lưu sông Mê Kông như Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar và Thái Lan.

ASEAN khẩn trương tự cường vắc xin ngừa Covid-19

Sáng 2.8, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 54 (AMM-54) đã khai mạc bằng hình thức trực tuyến. Đây là hội nghị mở đầu cho chuỗi hơn 20 hội nghị cấp bộ trưởng ngoại giao của ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác từ ngày 2 - 6.8.
Tại hội nghị, các bộ trưởng nhấn mạnh, cần đẩy mạnh hợp tác ứng phó, đặc biệt là về vắc xin. Theo đó, ASEAN cần tăng cường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với các đối tác trong nghiên cứu, phát triển, sản xuất và phân phối vắc xin. Các nước đề nghị khẩn trương triển khai kế hoạch hành động ASEAN về an ninh và tự cường vắc xin, kho dự phòng vật tư y tế ASEAN về ứng phó các tình huống y tế công cộng khẩn cấp cũng như Khung phục hồi tổng thể ASEAN.
Trước các diễn biến phức tạp tại Biển Đông, các bộ trưởng tái khẳng định tầm quan trọng của duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông; bày tỏ quan ngại về tình trạng bồi đắp và các sự việc nghiêm trọng, trong đó có vấn đề gây tổn hại đến môi trường biển.
Các bộ trưởng khẳng định lập trường nhất quán về giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982, kêu gọi kiềm chế, không quân sự hóa, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.
Lê Hiệp
Trong các cuộc hội đàm này, Ngoại trưởng Blinken sẽ thảo luận với các đồng cấp từ khắp khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific) về các vấn đề cấp bách của khu vực và quốc tế. Ông sẽ tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với vai trò trung tâm của ASEAN và hợp tác với ASEAN cùng các đối tác quốc tế để chống lại đại dịch Covid-19 và hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Theo thông cáo Bộ Ngoại giao Mỹ, Ngoại trưởng Blinken sẽ tái khẳng định Washington sát cánh cùng cộng đồng quốc tế để bảo vệ quyền tự do trên biển và luật pháp quốc tế, bao gồm cả Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS) 1982. Bên cạnh đó là các vấn đề về tình hình Myanmar.
Gần đây, Mỹ liên tục tiến hành nhiều cuộc hội đàm với các nước trong khu vực. Giữa tháng 7, ông Blinken cũng vừa có cuộc hội đàm trực tuyến với các bộ trưởng ngoại giao ASEAN.
Tiếp đến, cuối tháng 7, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã công du 3 nước Singapore, Việt Nam và Philippines. Trước đó, cuối tháng 5 và đầu tháng 6, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman đã thăm Indonesia, Campuchia và Thái Lan.

Lắng nghe các đối tác

Trả lời Thanh Niên ngày 2.8, PGS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế - Nhật Bản, học giả tại Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Nhật) nhận xét: “Các hoạt động ngoại giao liên tục của Mỹ chứng minh chính quyền Tổng thống Joe Biden đang nỗ lực tạo niềm tin đối với khu vực. Qua đó, Washington khẳng định các cam kết và đầu tư cho các mối quan hệ, ngoại giao và cả thương mại. Rõ ràng, các nước Đông Nam Á không muốn phải lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc khi Washington và Bắc Kinh đang cạnh tranh mạnh mẽ. Đồng thời, các nước Đông Nam Á cũng muốn Mỹ tham gia nhiều hơn vào khu vực chứ không chỉ các hoạt động quân sự”.

Ngoại trưởng Mỹ: trật tự dựa trên luật lệ đang bị Trung Quốc thách thức

“ASEAN muốn Mỹ công nhận vai trò trung tâm của ASEAN và tham gia vào khu vực để hiểu rõ các ưu tiên của ASEAN như thương mại, phát triển và khôi phục sau đại dịch Covid-19”, PGS Nagy nhận xét.
Tương tự, ông Carl O.Schuster (cựu Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp - Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của hải quân Mỹ và đang giảng dạy ở Đại học Hawaii về quan hệ quốc tế, lịch sử) cho rằng Washington đang hướng đến tập trung nhiều hơn vào châu Á.
“Tổng thống Biden đang tiếp tục các chính sách của người tiền nhiệm Donald Trump. Nhưng Tổng thống Biden muốn xây dựng sự đồng thuận cho các chính sách và hành động của Mỹ trước khi thực hiện chúng và ông ủy thác cho các cấp dưới chủ chốt thiết lập các quan hệ và liên lạc cần thiết để xây dựng và duy trì sự đồng thuận đó”, cựu đại tá Schuster phân tích và đánh giá: “Là một phần của quá trình vừa nêu, theo tôi, chính quyền của Tổng thống Biden sẽ lắng nghe lời khuyên và mối quan tâm của các đồng minh và đối tác của Mỹ ở châu Á trước khi đưa ra bất kỳ quyết định cuối cùng trong các vấn đề quan trọng”.
Nhận định về nội dung của các hội đàm giữa Ngoại trưởng Blinken với các đối tác ASEAN lần này, ông Schuster cho rằng: “Tôi tin rằng 3 chủ đề nổi bật sẽ được đặt ra trong các cuộc hội đàm trực tuyến của Ngoại trưởng Blinken. Một là quy trình hành động thống nhất để ứng phó Covid-19 cũng như cách thức và mục tiêu mà Mỹ có thể trợ giúp. Hai là xác định các lợi ích an ninh chung cũng như biện pháp mà Mỹ có thể hỗ trợ. Ba là tìm kiếm sự đồng thuận cho các hành động ngoại giao tích hợp nhằm duy trì hòa bình và ổn định đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”.
“Trong 6 tháng tới, chúng ta có thể thấy kết quả của sự đồng thuận mà Washington tìm kiếm đối với quan hệ hợp tác cùng ASEAN”, ông Schuster dự báo.

Gặt hái các kết quả rõ ràng

Cũng trả lời Thanh Niên, GS Yoichiro Sato (chuyên về quan hệ quốc tế, Đại học Ritsumeikan Asia Pacific, Nhật Bản) đánh giá: “Trong thời gian ngắn gần đây, chính sách ngoại giao của Mỹ đối với Đông Nam Á gặt hái một số kết quả rõ ràng”.
“Việc ông Rodrigo Duterte, Tổng thống Philippines, khôi phục lại Hiệp định thăm viếng quân sự song phương (VFA) với Mỹ là một kết quả chính trong chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Austin đến Đông Nam Á vừa qua. Bên cạnh đó, các chương trình viện trợ vắc xin của Mỹ đối với khu vực cũng giúp giải quyết hoài nghi về việc Washington bỏ lơ, suy giảm ảnh hưởng tại Đông Nam Á”, GS Sato chỉ ra và cho rằng: “Giữa bối cảnh đại dịch dẫn đến các biến động ở Đông Nam Á, việc Mỹ viện trợ khẩn cấp bất kể sự khác biệt về chính trị giúp các nước trong khu vực tiếp nhận một cách tích cực hơn đối với cam kết của Washington”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.