Sáng nay, 5.9, TP.Hải Phòng lại có mưa lớn. Theo Công ty TNHH MTV Thoát nước Hải Phòng, lượng mưa đo được là khoảng 160 mm. Cơn mưa lớn đã gây ngập lụt nhiều điểm ở TP.Hải Phòng.
Các tuyến đường như Lê Lai, Lê Lợi, Võ Thị Sáu, Đình Đông (Q.Ngô Quyền), đường Hùng Vương (Q.Hồng Bàng), đường Hai Bà Trưng (Q.Lê Chân) có những đoạn ngập sâu, gây khó khăn cho người dân khi di chuyển.
Trước đó, ngày 27.8, trận mưa lớn đến 200 mm cũng đã khiến TP.Hải Phòng ngập lụt trên diện rộng.
|
Theo ghi nhận của Thanh Niên, trong những năm gần đây, TP.Hải Phòng thường bị ngập lụt sau những cơn mưa lớn.
Lý giải điều này, ông Nguyễn Đức Thọ, Phó chủ tịch UBND TP.Hải Phòng, cho biết hệ thống thoát nước của thành phố hiện có công suất thoát nước ứng phó được mưa 80 - 90 mm nên mưa to trên 100 mm là xảy ra ngập. Cũng theo ông Thọ, nhiều khu vực có nhiều ao hồ ở TP.Hải Phòng bị lấp nên không còn điểm để thoát nước. Trong các ngõ nhỏ, hệ thống thoát nước không được đấu nối với hệ thống thoát nước chung nên dễ xảy ra ngập lụt cục bộ tại khu dân cư.
Ngoài ra, ở nhiều khu vực, các kênh thoát nước tự nhiên bị lấp bỏ hoặc thay bằng hệ thống cống bê tông nhỏ hơn và kín. Điều này khiến việc thoát nước mặt gặp khó khăn, không nhanh bằng mương mở.
Tuy nhiên, theo ông Quỳnh, TP.Hải Phòng hiện có 3 hệ thống máy bơm (tại cống Ba Tổng, cống Máy Đèn và cống Vĩnh Niệm) thì chỉ có máy bơm ở cống Ba Tổng là có công suất lớn. "TP.Hải Phòng cần nâng cấp 2 hệ thống máy bơm khác lên như cống Ba Tổng và xây dựng thêm hệ thống máy bơm nữa ở cống Đông Nam phía Q.Hải An. Hiện nay, nước từ trung tâm TP.Hải Phòng ra cống Đông Nam theo hệ thống mương An Kim Hải dài 7 km, khoảng cách quá xa, không có máy bơm nên rất chậm".
Bên cạnh đó, ông Quỳnh cũng đề nghị TP.Hải Phòng sớm đầu tư hệ thống bơm tại khu vực đường Tam Bạc để chủ động điều phối nước từ nội đô ra sông Tam Bạc.
"Khu vực Q.Hải An cũng cần sớm xây dựng hệ thống tiêu thoát nước đồng bộ, vì từ khi thành lập quận đến nay, địa phương này chưa có xây dựng hệ thống tiêu thoát nước. Nhiều ao hồ đã biến thành nhà cửa nên các khu dân cư ở Hải An rất dễ bị ngập khi trời mưa", ông Quỳnh phân tích.
Trong khi đó, cống Phi Trường A ở cuối đường Ngô Gia Tự (Q.Hải An) thi công chậm nên ảnh hưởng lớn đến việc tiêu thoát nước ở Q.Hải An.
|
Về lưu lượng hồ chứa, ông Phạm Quang Quỳnh khẳng định, hiện nay TP.Hải Phòng có quá ít hồ điều hòa để chứa nước mưa.
"Theo quy hoạch thì TP.Hải Phòng cần đến 200 ha hồ điều hòa. Trong khi đó, hiện tại mới chỉ có 7 ha. Mưa lớn, nước nhiều nhưng không có chỗ chứa thì sẽ ngập", ông Quỳnh nói.
Ông Quỳnh cũng cho biết, một số công trình khi xây mới đã lấp mương tưới tiêu, hoặc thay mương hở bằng mương hộp kín làm bằng cống bê tông không đủ to. "Cống kín khiến nước mặt thoát chậm hơn. Nếu cống không đủ to (đường kính cống từ 1.500 - 2.000 mm) thì nước sẽ thoát rất chậm", ông Quỳnh thừa nhận.
Các dự án thoát nước mới chỉ phủ được 40% địa bàn
Về lâu dài, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hải Phòng sẽ lên danh sách các điểm đen về ngập lụt để TP.Hải Phòng đầu tư các dự án xây dựng đường cống thoát nước mới. "Sắp tới, chúng tôi sẽ làm cống thoát nước ở đường Đình Đông. Cống thoát nước cần phải có đường kính từ 1.500 - 2.000 mm mới thoát nhanh được. Các "điểm đen" khác cũng sẽ được làm mới để nâng cấp công suất thoát nước của thành phố", ông Quỳnh nói.
Theo Công ty TNHH MTV Thoát nước Hải Phòng, thành phố đang có 3 dự án thoát nước lớn là dự án thoát nước mưa, nước thải và quản lý chất thải rắn; dự án thoát nước và vệ sinh TP.Hải Phòng; dự án cải tạo điều kiện cho người thu nhập thấp. Tuy nhiên, hiện các dự án này mới chỉ phủ được khoảng 40% địa bàn toàn thành phố.
|
|
|
|
|
Bình luận (0)