Lợi dụng người nổi tiếng bị nạn để kêu gọi quyên góp bị xử lý thế nào?

11/09/2021 06:45 GMT+7

Việc kẻ xấu lợi dụng trường hợp người nổi tiếng bị nạn để giả mạo người thân kêu gọi quyên góp khiến cư dân mạng không khỏi bức xúc.

 

Lợi dụng người nổi tiếng để... trục lợi

Thời gian qua, thông tin ca sĩ Phi Nhung điều trị Covid-19 tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) khiến người hâm mộ không khỏi lo lắng. Lợi dụng trường hợp này, một kẻ xấu đã dùng tài khoản của một ca sĩ bị hack để đăng tải thông tin kêu gọi ủng hộ cho giọng ca Phải lòng con gái Bến Tre. Thậm chí, người này còn làm giả hình ảnh đã chuyển tiền mọi người ủng hộ vào tài khoản quản lý ca sĩ Phi Nhung để tạo niềm tin, hòng trục lợi cho bản thân.

Xôn xao thông tin Phi Nhung trở nặng, phải can thiệp ECMO, đại diện nói gì?

Sự việc sau đó được người thân của Phi Nhung phát hiện và lên tiếng cảnh báo. Đại diện nữ ca sĩ khẳng định không kêu gọi quyên góp trong quá trình cô điều trị Covid-19 nên thông tin trên là lừa đảo. Liên quan đến vụ việc này, siêu mẫu Xuân Lan tỏ thái độ bức xúc: “Ca sĩ Phi Nhung cũng như fanpage chính thức không yêu cầu quyên góp tiền cho Phi Nhung. Tất cả mọi kêu gọi là lừa đảo. Có tài khoản làm giả hẳn cả fanpage Phi Nhung để chat kêu gọi giúp đỡ. Mọi người báo cáo lừa đảo giúp tụi em với, đồ ác độc". 

Siêu mẫu Xuân Lan bức xúc lên tiếng cảnh báo khi xuất hiện hành vi lừa đảo kêu gọi quyên góp cho Phi Nhung

Ảnh: TL

Trước đó, nhiều sao Việt cũng bị kẻ xấu lợi dụng để trục lợi cho bản thân. Điển hình là khi nghệ sĩ Chí Tài mất, một người đã mạo danh ca sĩ Phương Loan đề nghị chuyển tiền về Việt Nam để lo liệu tang lễ. Sự việc khiến Việt Hương phải lên tiếng. Cô cho biết thông tin này là giả mạo đồng thời chia sẻ thêm: “Đừng ai có ý đồ lừa gạt gì ở đây, với một số tiền không nhỏ đâu. Đi lừa gạt như vậy là không được. Tôi xin nhắc lại là không có tin nhắn nào của chị Phương Loan, tất cả thông tin đó là tin giả”.
Hay khi người mẫu Đức Long qua đời, cũng có người đứng ra kêu gọi hỗ trợ. Sau đó, bạn thân của anh là Cao Thái Hà lên tiếng: “Hà xin đính chính, Hà và gia đình Long không kêu gọi quyên góp gì cho Long. Gia đình Long cũng không quá khó khăn, cuộc sống ổn định. Mọi thông tin khác đều là sai lệch”. Bên cạnh đó, từng xuất hiện những tài khoản giả mạo tên nhiều nghệ sĩ kêu gọi giúp đỡ nghệ sĩ Lê Bình và Mai Phương trị bệnh ung thư.

Thời gian qua, nhiều kẻ xấu đã mạo danh người thân nghệ sĩ đã qua đời để lừa tiền phúng điếu

Ảnh: TL

Phía gia đình nhà thiết kế Nhật Dũng cũng từng không hài lòng vì có người giả mạo kêu gọi quyên góp lúc anh qua đời. Người này giả làm anh trai của Nhật Dũng đăng tải thông tin giả mạo về tang lễ, đồng thời để số tài khoản của mình để mọi người chuyển tiền phúng điếu. Trước sự việc, ca sĩ Nguyễn Phương Anh  - người em thân thiết với nhà thiết kế đã lên tiếng phân trần: “Tại sao lại có những con người dã man vậy, người mất rồi cũng không yên, mang danh người nhà để đi lừa đảo tiền. Anh Nhật Dũng không có anh trai và không phải họ Nguyễn nhé mọi người, hãy cùng nhau chia sẻ để chặn ngay những thành phần lừa đảo này nhé".

Luật sư nói gì về chuyện giả mạo người thân nghệ sĩ để kêu gọi quyên góp?

Câu chuyện các nghệ sĩ bị kẻ xấu mạo danh kêu gọi quyên góp khi đang gặp nạn dần phổ biến và khiến dư luận không khỏi bức xúc. Điều đáng nói là những người này thậm chí còn bất chấp luật pháp, công khai số tài khoản nhận tiền hỗ trợ. Nhiều khán giả tỏ thái độ không hài lòng, cho rằng việc mượn vấn đề sức khỏe của người nổi tiếng để trục lợi cho bản thân là hành vi “vô nhân tính". Bên cạnh đó, cũng có nhiều người cho rằng cần đưa việc làm này ra pháp luật giải quyết triệt để và cũng để làm gương.
Trao đổi với luật sư Trần Minh Hùng, Trưởng Văn phòng luật sư Gia Đình (Đoàn Luật sư TP.HCM), ông cho biết hiện nay liên tục xuất hiện hành vi lừa đảo qua mạng xã hội, tội phạm sử dụng công nghệ cao. Theo ông Hùng, những người này có thể ở nước ngoài, câu kết với đối tượng tại Việt Nam, hoặc họ ăn cắp thông tin cá nhân để lừa đảo. Vì vậy, người có tên trong thông tin tài khoản chưa hẳn đã đúng hoặc chưa biết việc có người ăn cắp thông tin của mình để lừa đảo. Hơn nữa, khi các đối tượng lừa đảo chỉ nhằm đạt được mục đích của mình nên dù biết để lộ thông tin họ vẫn lừa, miễn họ đạt được mục đích là chiếm đoạt được tài sản.
Luật sư Hùng nhận định hành vi giả danh người thân, bạn bè để quyên góp, kêu gọi ủng hộ các nghệ sĩ gặp nạn, bệnh tật... với những thông tin giả dối, nhằm mục đích lừa đảo đã đủ yếu tố cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tùy theo mức độ, tính chất, hậu quả mà sẽ bị xử lý khác nhau.

Việt Hương cảnh báo có người giả mạo vợ cố nghệ sĩ Chí Tài lừa 5.000 USD

Cụ thể, theo Điều 174 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 thì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản có chế tài như sau: Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.
Cũng theo ông Hùng, trong luật quy định rõ phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm: Có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng; Tái phạm nguy hiểm; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; Dùng thủ đoạn xảo quyệt.
Với những trường hợp chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200 triệu đồng đến 500 triệu đồng hoặc lợi dụng thiên tai, dịch bệnh thì bị xử phạt tù từ 7 đến 15 năm. Đối tượng phạm tội bị phạt từ 12 đến 20 năm hoặc tù chung thân khi thuộc các trường hợp: Chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên; Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp. “Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản", luật sư Hùng nói.
Luật sư Hùng nhấn mạnh, việc lừa đảo này không những vi phạm pháp luật mà còn là hành vi phản cảm, phi nhân văn, phi nhân tính đáng lên án. Ông cho rằng sau những vụ việc lừa đảo, niềm tin về lòng tốt trong xã hội chẳng những không được bồi đắp mà còn bị xói mòn. "Người Việt Nam có truyền thống lá lành đùm lá rách, thế nhưng đây cũng là mảnh đất màu mỡ để bọn tội phạm lợi dụng, “đánh” vào lòng trắc ẩn của người dân, thu về số tiền không hề nhỏ. Việc nhiều người lợi dụng sự thương cảm của cộng đồng để trục lợi trên nỗi thương cảm là tàn nhẫn..., cần bị xử lý nghiêm", luật sư Hùng ý kiến.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.