Nga cáo buộc công ty Mỹ can thiệp bầu cử, đã triệu tập đại sứ

11/09/2021 17:23 GMT+7

Bộ ngoại giao Nga ngày 10.9 triệu tập đại sứ Mỹ tại Moscow, ông John Sullivan, để khiếu nại về việc "các công ty công nghệ khổng lồ của Mỹ" can thiệp vào cuộc bầu cử quốc hội sắp tới của Nga.

The Guardian dẫn lại tuyên bố ngày 10.9 của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết Nga “sở hữu bằng chứng không thể chối cãi về việc những công ty công nghệ Mỹ khổng lồ vi phạm luật pháp Nga trong bối cảnh chúng tôi đang chuẩn bị và tiến hành cuộc bầu cử Duma quốc gia (tức Hạ viện Nga)”.

Theo tuyên bố, ông Ryabkov đã bày tỏ rằng Moscow “không thể chấp nhận được việc các vấn đề nội bộ của Nga bị can thiệp” trong cuộc gặp với Đại sứ Sullivan.

Tuyên bố không nêu chi tiết về khiếu nại của Nga. Tuy nhiên, Moscow đã gây sức ép buộc Google và Apple phải gỡ bỏ các ứng dụng thuộc sáng kiến Bỏ phiếu thông minh do nhóm của nhà hoạt động đối lập Alexei Navalny thiết kế.

Chương trình được tạo ra để tư vấn cho cử tri về ứng viên có lợi thế nhất trong việc đánh bại ứng viên từ đảng Nước Nga Thống nhất, đảng đang chiếm đa số ghế trong quốc hội, trong cuộc bầu cử ngày 19.9 tới.

Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ Jalina Porter cho biết trong cuộc gặp, ông Sullivan và các quan chức Bộ Ngoại giao Nga nói về "một loạt các vấn đề song phương" nhằm củng cố "mong muốn của Tổng thống Biden về một mối quan hệ ổn định và có thể đoán trước được với Nga".

Tuy nhiên, nghi vấn về việc can thiệp bầu cử không được nhắc đến. Điều này khiến người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova lên tiếng.

“Cuộc gặp đó diễn ra vì một lý do - vấn đề can thiệp vào bầu cử ở Nga. Chúng tôi hy vọng các nhà ngoại giao Mỹ sẽ báo cáo điều này với Washington”, bà Zakharova cho biết qua ứng dụng nhắn tin Telegram.

Các công ty công nghệ Mỹ gồm Facebook, Twitter và Google, gần đây phải đối mặt với một loạt khoản phạt vì không xóa nội dung theo yêu cầu của cơ quan giám sát truyền thông Nga và vì không lưu trữ dữ liệu của người dùng Nga trên các máy chủ trong nước.

Sau khi các cuộc biểu tình ủng hộ ông Navalny diễn ra vào tháng 1, nhà chức trách Nga cáo buộc các công ty công nghệ này can thiệp vào công việc nội bộ của Nga vì không xóa các bài đăng kêu gọi trẻ vị thành niên tham gia biểu tình.

Hầu hết nhà hoạt động đối lập ở Nga, bao gồm cả các đồng minh của ông Navalny, đều bị cấm tham gia cuộc bầu cử quốc hội tháng này.

Ông Navalny (45 tuổi) đang bị phạt tù. Nhiều nhà lãnh đạo phương Tây, bao gồm cả Tổng thống Joe Biden, đã yêu cầu trả tự do cho ông Navalny. Washington cũng cho rằng Nga can thiệp vào các cuộc bầu cử Mỹ và gây ra các cuộc tấn công mạng quy mô lớn.

Đáp lại, Moscow cáo buộc phương Tây can thiệp vào các vấn đề nội bộ và phân biệt đối xử với truyền thông Nga.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.