Heo chết hàng loạt
Theo anh A Driang (27 tuổi, ở thôn Kon Chốt, TT.Măng Đen, H.Kon Plông), tháng 9.2020, gia đình anh được hỗ trợ 3 con heo. Mặc dù cán bộ xã cho biết sẽ cấp phát giống heo địa phương, nhưng khi anh A Driang nhận về thì lại là giống heo sọc dưa. Cứ ngỡ giống heo này cũng giống heo bản địa, không cần nuôi nhốt nên anh thả ra vườn như cách chăn nuôi của ông cha trước đây, đồng thời cho heo ăn theo hướng dẫn của cán bộ khi giao - nhận heo.
“Mấy ngày đầu đưa về nuôi thì heo ăn rất mạnh. Nhưng sau đó, bầy heo cứ ốm dần rồi chết. Mình không biết là do nguyên nhân gì, nhưng có thể heo chết là do không hợp khí hậu lạnh của địa phương”, anh A Driang nói.
Theo ông A Kha, Trưởng thôn Kon Chốt, trong thôn có 10 hộ được hỗ trợ 30 con heo. Tuy nhiên số heo cứ chết dần, hiện trong thôn chỉ còn vài con sống sót. Ông A Kha cho biết thêm: “Heo bản địa của chúng tôi ăn được mọi thứ, bà con trong làng cứ thả rông cả ngày, chúng muốn ăn gì thì ăn. Còn heo được cấp phát thì không biết đi kiếm ăn, suốt ngày chỉ quanh quẩn ở nhà. Ngay sau khi heo chết, chúng tôi đã báo về xã, nhưng không thấy có biện pháp gì xử lý. Nếu đợt sau được cấp giống thì mong chính quyền cấp giống khác cho bà con”.
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, dự án phát triển heo địa phương thuộc các chương trình 135 và 30A. Theo đó, UBND các xã Đăk Nên, Đăk Ring, Ngok Tem và TT.Măng Đen (H.Kon Plông) là chủ đầu tư. Toàn bộ giống heo đều do Trung tâm nông nghiệp dịch vụ H.Kon Plông cung ứng. 4 xã, thị trấn trên đã mua của trung tâm này 905 con heo với giá trên 3,25 tỉ đồng và cấp phát cho 337 hộ nghèo của địa phương để chăn nuôi, chăm sóc.
Đến nay, xã Đăk Nên có 279/287 con heo chết, TT.Măng Đen có 170/234 con heo chết, xã Ngok Tem có 190/240 con heo chết. Đặc biệt, tại xã Đăk Ring, theo ông Kang Ngọc Nhân, Chủ tịch Hội Nông dân xã, toàn bộ 144 con heo trong dự án đã chết không rõ nguyên nhân.
|
Trách nhiệm của ubnd xã
Để tìm hiểu sự việc, PV đã liên hệ với ông Phan Ngọc Vinh, Giám đốc Trung tâm nông nghiệp dịch vụ H.Kon Plông. Ông Vinh xác nhận, năm 2020, trung tâm ký hợp đồng cung ứng giống heo địa phương cho các xã. Sau đó, đơn vị này đã mua giống heo tại 2 huyện Kon Rẫy, Tu Mơ Rông (Kon Tum) rồi đem về trại giống chăm sóc, theo dõi. Sau 1 tháng chăn nuôi, tiêm vắc xin phòng bệnh, thấy heo khỏe mạnh bình thường, trung tâm mời các xã đến nghiệm thu và mỗi xã tự chọn heo rồi đem về phát cho người dân.
Tại thời điểm bàn giao, mỗi con heo đã nặng trung bình 13 kg. Số heo này theo kế hoạch sau khi người dân chăn nuôi khoảng 6 tháng sẽ bắt đầu sinh sản. Ông Vinh cho biết đã nắm được sự việc heo chết hàng loạt, tuy nhiên do trung tâm chỉ là đơn vị cung ứng nên không nắm được cụ thể số heo chết. Theo ông Vinh, nguyên nhân heo chết hàng loạt là do người dân không đủ điều kiện chăm sóc.
UBND H.Kon Plông cho biết đã nắm được việc dự án nuôi heo bản địa phá sản và đang tiến hành kiểm tra, thanh tra. Sau khi có kết quả, UBND huyện sẽ thông tin đến báo chí.
|
“Đa số người dân được nhận heo đều là hộ nghèo nên không có điều kiện chăn nuôi. Họ nuôi heo mà không cho ăn nên nó ốm nhom. Ngoài ra, đồng bào địa phương cũng không có tay nuôi nên heo chết dần. Chúng tôi đi kiểm tra thì thấy một số hộ không có heo cúng nên bắt heo làm thịt cúng luôn”, ông Vinh nói.
Khi PV đề cập đến việc heo chết gây thất thoát ngân sách trong khi người dân không được hưởng lợi, thì ai sẽ phải chịu trách nhiệm, ông Vinh khẳng định UBND các xã phải chịu trách nhiệm. Theo ông Vinh, các xã là chủ đầu tư nhưng không theo dõi, giám sát việc chăn nuôi của người dân. Khi heo bị bệnh, các xã không báo trung tâm để xác định nguyên nhân, tìm hướng xử lý.
Mặc dù nguyên nhân số heo trong dự án chết hàng loạt vẫn chưa được xác định, hiện tại Trung tâm nông nghiệp dịch vụ H.Kon Plông lại tiếp tục được giao thực hiện dự án cấp phát heo cho người dân. Theo kế hoạch, trung tâm này sẽ thực hiện 16 mô hình phát triển kinh tế với tổng trị giá 912 triệu đồng, bao gồm việc tiếp tục cấp phát 96 con heo cho 16 hộ dân.
Bình luận (0)