Từ đơn thư bạn đọc: Rừng ngập mặn chết trắng sau khi trồng

Bùi Ngọc Long
Bùi Ngọc Long
20/02/2021 08:46 GMT+7

Hàng chục héc ta rừng ngập mặn tại Thừa Thiên -Huế sau khi trồng đã chết trắng, trong khi chủ đầu tư cho rằng tỷ lệ cây chết là “trong mức độ cho phép” và chết thì trồng lại.

Dự án đầu tư phát triển rừng ven biển, đầm phá tỉnh Thừa Thiên-Huế với tổng mức đầu tư 110,5 tỉ đồng do Chi cục Kiểm lâm, thuộc Sở NN-PTNT tỉnh Thừa Thiên -Huế làm chủ đầu tư. Dự án có mục đích bảo vệ, trồng mới, phục hồi các hệ sinh thái ven biển và đầm phá nhằm hạn chế cát bay, cát nhảy, xói lở, xâm nhập mặn, phòng chống thiên tai, bảo đảm an toàn cho vùng dân cư, giảm thiểu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Dự án có 4 lần điều chỉnh, kéo dài đến năm 2024 và đầu tư thực hiện tại 5 huyện, thị xã ven biển và đầm phá, gồm Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc và Hương Trà.
Số diện tích rừng ngập mặn sau khi trồng bị chết tập trung chủ yếu tại vùng Cửa Lác, hạ lưu sông Ô Lâu, thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tam Giang - Cầu Hai (Thừa Thiên-Huế).
Theo đó, tại địa bàn xã Quảng Thái (H.Quảng Điền), rừng ngập mặn được trồng từ năm 2018 đến nay với 3 loại cây là tràm Úc, dừa nước và cây bần. Tuy nhiên, đến nay, trong số 19,7 ha rừng được trồng, chỉ một số ít cây bần nằm dọc các tuyến đê còn sống và phát triển, cùng một số ít diện tích tràm Úc, còn lại hầu hết diện tích trồng trên các ô, đầm… đều bị chết. Cùng với đó, tại địa bàn xã Điền Hòa (H.Phong Điền), tổng diện tích rừng đã trồng là 9,7 ha (trong diện tích quy hoạch 16,3 ha), đến nay cũng chết trắng.
Làm việc với PV, ông Phạm Ngọc Dũng, Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên-Huế, người trực tiếp phụ trách dự án, cho biết số diện tích rừng ngập mặn đã trồng ở xã Điền Hòa bị chết khoảng hơn 50%, còn ở Quảng Thái, ông có nghe phản ánh và đang cho cán bộ về kiểm tra, khảo sát.
Từ đơn thư bạn đọc: Rừng ngập mặn chết trắng sau khi trồng1

Số cây giống chưa trồng còn để trên đê

Theo ông Dũng, nguyên nhân cây trồng chết là do thiên tai đột biến kéo dài từ tháng 10 - 11.2020, khiến cây trồng bị ngập sâu trong nước (ngập hơn 3 m, và kéo dài hơn 100 ngày). Đơn vị trúng thầu dự án này là Công ty Thiên Chấn Hưng. “Hiện vẫn chưa nghiệm thu, bàn giao nên cây chết thì nhà thầu có trách nhiệm trồng lại”, ông Dũng khẳng định. Nhưng khi được hỏi cụ thể thời gian nghiệm thu bàn giao của dự án và trách nhiệm nếu cây chết xảy ra sau đó, ông Dũng cho biết ngay sau khi trồng xong sẽ tiến hành kiểm tra, nghiệm thu. “Tôi cam đoan cây trồng lại đợt này, từ tháng 1.2021 cho đến mùa lũ trở lại đảm bảo sẽ sống hơn 90%. Vì cây trồng sau 6 tháng sẽ cao hơn 1,5 m và sẽ không chết. Nếu chết, tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm”, ông Dũng cam kết. Ông Dũng cũng cho hay theo quy trình kỹ thuật của Bộ NN-PTNT thì trồng rừng ngập mặn, nếu trong 100 cây, được trồng dặm 50 cây và tỷ lệ sống 65 cây thì được nghiệm thu.

Thanh tra phát hiện nhiều khuyết điểm

Tuy nhiên, theo kết luận Thanh tra tỉnh Thừa Thiên-Huế về thanh tra công tác quản lý các dự án, đầu tư xây dựng tại Sở NN-PTNT và các đơn vị trực thuộc, quá trình triển khai thực hiện dự án, đơn vị chủ đầu tư là Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên-Huế đã để xảy ra nhiều bất cập, sai sót.
Cụ thể, kết luận thanh tra đã chỉ ra 11 khuyết điểm, tồn tại của dự án này. Trong đó có sai phạm về công tác lập, thẩm định và tham mưu đề xuất phê duyệt dự án đầu tư; một số hạng mục được đầu tư chưa phù hợp với mục tiêu của dự án; quy hoạch dự án trồng rừng tại thời điểm lập dự án ngoài diện tích quy hoạch của tỉnh; không thu thập thông tin một cách chính xác dẫn đến diện tích trùng với dự án khác, trùng diện tích đã giao cho hộ gia đình, cá nhân hoặc tổ chức; lập dự án trồng rừng trên cát tại xã Hải Dương là không phù hợp quy định; chọn đơn vị tư vấn lập dự án đầu tư không đáp ứng năng lực, kinh nghiệm; đề xuất hình thức quản lý dự án đối với công trình lâm sinh không đúng quy định; Chủ đầu tư thành lập ban quản lý dự án, tổ công tác để quản lý dự án không đúng quy định của luật Xây dựng; Về tham mưu phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu trồng rừng của dự án được phê duyệt hình thức lựa chọn nhà thầu là “đặt hàng” với loại hợp đồng “trọn gói” không đúng quy định; Sở NN-PTNT quyết định phê duyệt thiết kế, dự toán các gói thầu không đúng thẩm quyền quy định; bản vẽ thiết kế thi công không đầy đủ thông tin; phê duyệt dự toán không đúng hồ sơ thiết kế, định mức đơn giá quy định dẫn đến tăng giá trị xây lắp với số tiền 655,6 triệu đồng cần phải giảm trừ khi quyết toán.
Về lựa chọn nhà thầu, gồm các sai phạm: lựa chọn nhà thầu thi công trồng rừng không đảm bảo điều kiện về năng lực chuyên môn, kinh nghiệm theo quy định; thiết kế trồng rừng với diện tích, công thức trồng không đúng với thiết kế cơ sở của dự án được duyệt; nghiệm thu trồng rừng và chăm sóc rừng khi chưa đủ thời gian; thực hiện không đúng với quyết định, kế hoạch lựa chọn nhà thầu được duyệt; chậm triển khai trồng rừng ngập mặn dẫn đến thiếu thời gian chăm sóc theo hồ sơ thiết kế được duyệt…
Đối với trồng rừng ngập ngọt, ngập mặn: công trình trồng rừng ngập ngọt tại xã Quảng Thái, hạng mục đê bao, công việc làm kè, phên khại mặt trong không được thực hiện đầy đủ; các công trình ngập mặn với mật độ, chiều dài cọc kè không đúng với hồ sơ thiết kế… Theo kết luận thanh tra, trách nhiệm sai sót này thuộc về đơn vị thi công, đơn vị tư vấn giám sát, đơn vị quản lý dự án và trực tiếp là chủ đầu tư.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.