Vụ xô xát với nhân viên lấy mẫu: Xin hãy hợp tác để đảm bảo an toàn

27/09/2021 07:35 GMT+7

Vụ xô xát giữa người dân với nhân viên lấy mẫu xét nghiệm tại Q.8, TP.HCM mới đây đang gây xôn xao. Những nhân viên y tế, tình nguyện viên thực hiện lấy mẫu chỉ mong người dân hãy hợp tác để đảm bảo an toàn cho nhau.

Sau vụ xô xát giữa người dân và nhân viên lấy mẫu, chia sẻ với phóng viên Thanh Niên, nhiều tình nguyện viên (TNV), nhân viên y tế đã và đang tham gia lấy mẫu tại nhà cho người dân rất mong mọi người hãy cùng hợp tác, vì nhân viên lấy mẫu lúc nào cũng cố gắng để thực hiện đúng và tránh việc lây nhiễm nhất có thể cho người dân.

Xôn xao đoạn phim người dân đánh nhân viên lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 ở quận 8

Họ cũng đã rất vất vả trong bộ đồ bảo hộ cồng kềnh để hàng ngày, hàng giờ đến tận nhà lấy mẫu cho người dân, họ cũng đã không màng nguy hiểm. Chính vì thế, họ mong nhận được sự hợp tác để vừa tăng độ an toàn cho người dân vừa đảm bảo sức khỏe cho nhân viên y tế có thể tham gia chống dịch được lâu dài.

Nhân viên lấy mẫu thay găng tay và sát khuẩn cẩn thận trước khi lấy mẫu cho từng người dân tại huyện Nhà Bè

HOA NỮ

Mấy ai hiểu được cảm giác đằng sau bộ đồ bảo hộ nóng nực

Như Thanh Niên đã đưa tin, vào khoảng 10 giờ 35 ngày 24.9, tại trước nhà số 618/18 Phạm Thế Hiển (P.4, Q.8), tổ nhân viên y tế đang lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cộng đồng. Khi tổ nhân viên y tế đã lấy mẫu xét nghiệm gần hết người dân thuộc Tổ dân phố 9, Khu phố 1 thì ông Liêu Tuấn Trọng (50 tuổi, ngụ Q.8) từ bên trong nhà đi ra điểm lấy mẫu xét nghiệm và yêu cầu được phát que xét nghiệm để về nhà tự lấy mẫu.
Nhân viên lấy mẫu không đồng ý phát que cho ông Trọng (nhằm tránh việc lấy mẫu không đảm bảo quy trình sẽ cho kết quả không chính xác). Còn ông Trọng không đồng ý lấy mẫu tại chỗ vì cho rằng có nguy cơ bị lây nhiễm chéo. Nên xảy ra mâu thuẫn dẫn đến xô xát.
Lúc này, Liêu Thanh Thảo (23 tuổi, là con của ông Trọng) và Huỳnh Thị Cẩm Hương (47 tuổi, là vợ của ông Trọng ) chạy đến địa điểm trên, dùng ghế nhựa, bảng nhựa ném vào nhân viên lấy mẫu rồi bỏ đi. Những người này còn xé khẩu trang, đồ bảo hộ của các tình nguyện viên và khẩu trang của tổ trưởng Tổ dân phố 9.
 
Nguyễn Thị Phương Thảo (TNV hỗ trợ chống dịch thuộc Quận đoàn Tân Bình) chia sẻ: “Khi chứng kiến video TNV bị hành hung, mình thực sự chạnh lòng và thương cho các bạn. Đáng lẽ ra các bạn có thể lựa chọn ở nhà, để đảm bảo sức khoẻ và an toàn cho bản thân, có thể dành thời gian cho nhiều công việc khác nhưng các bạn vẫn lựa chọn tham gia vào công tác phòng, chống dịch và đồng hành cùng người dân cùng nhau vượt qua đại dịch. Các bạn không đáng để bị đối xử như vậy”.

Đội hình lấy mẫu cho người dân làm việc bất chấp thời tiết và đêm khuya

PHƯƠNG THẢO

Thảo kể: “Tham gia chống dịch từ tháng 6 đến tận bây giờ, mình đã chứng kiến rất nhiều trường hợp người dân to tiếng, nặng lời hay xúc phạm TNV, họ cứ muốn tụi mình phải làm nhanh chỉ vì không muốn chờ lâu. Hay có nhiều gia đình không cho trẻ em ra lấy mẫu chỉ vì sợ con mình đau. Thậm chí đòi que test tự lấy mẫu để nhẹ tay hơn… Mấy ai hiểu được cảm giác đằng sau lớp áo bảo hộ giữa thời tiết khá oi bức của TP.HCM nhưng để đảm bảo an toàn cho người dân, TNV phải đi bộ đẩy xe dụng cụ di chuyển đến từng nhà, từng khu phố để thực hiện lấy mẫu”.
Nguyễn Minh Hà (TNV chống dịch thuộc Q. Bình Tân), trực tiếp thực hiện lấy mẫu cộng đồng cho người dân thời gian qua, cho biết khi đi lấy mẫu cũng đã gặp nhiều trường hợp người dân không hợp tác.
“Có người nói nhẹ nhàng 'thay bao tay đi em', cũng có người quát nạt 'chưa thay mà lấy mẫu à, lại lây lan vi rút rồi sao'. Có người chọn cách đem cả bao tay hay bịch ni lông của họ ra, bắt mình thay. Có người cầm theo chai cồn xịt ướt cả bao tay, ướt cả que test mình vừa xé, khiến phải bỏ cả que đó lấy que khác để làm”, Hà kể.

Minh Hà trong lần lấy mẫu cho người dân

NVCC

Hà cũng cho biết trước khi thực hiện đi lấy mẫu cho người dân thì tất cả các tình nguyện viên đều đã được hướng dẫn, tập huấn rất kỹ lưỡng.
“Trước khi lấy mẫu tụi mình đều phải canh hướng gió, đặt bàn lấy mẫu sao cho phù hợp. Tránh trường hợp F0 hắt xì, ho...làm ảnh hưởng đến những người đang đứng xếp hàng. Ngoài ra, cứ 4 người tụi mình sẽ thay bao tay 1 lần nếu test mẫu đơn (vùng cận xanh, vùng cam); 6 người nếu test mẫu gộp 3 (vùng xanh). Vùng đỏ sau 1 người thay 1 lần. Tất nhiên sau 1 người tụi mình đều phải sát khuẩn kỹ bằng cồn trước khi tiếp tục lấy mẫu, để đảm bảo an toàn cho người lấy mẫu. Ngoài ra nếu người dân có lỡ ho, hắt hơi hoặc thở mạnh vào bao tay (bản thân cảm nhận được hơi nóng) thì phải thay bao tay ngay và luôn”, Hà cặn kẽ kể về quy trình lấy mẫu để đảm bảo an toàn cho người dân.

Tâm sự nữ điều dưỡng Hà Nội xa con, vào “điểm nóng” Covid-19 ở TP.HCM

Làm gì để đảm bảo được an toàn khi đi lấy mẫu?

Bác sĩ Bùi Thanh Hiếu, đang điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến thu dung 3, cũng đã từng tham gia lấy mẫu cộng đồng cho người dân tại nhiều phường ở TP. Thủ Đức, cho biết để đảm bảo an toàn, nhân viên y tế luôn phải mặc những bộ đồ bảo hộ đạt chuẩn rất kín và nóng nực.
“Trời nắng thì tụi mình kiệt sức nếu làm liên tục trên 4 tiếng đồng hồ do mất nước. Nếu quá trình lấy mẫu được sự hợp tác của người dân thì có thể kết thúc trong vòng 1 buổi sáng hay 1 buổi chiều (nếu đông người dân thì có thể làm 2 buổi sáng chiều, có thay đồ bảo hộ giữa 2 ca). Nên tụi mình luôn mong mọi người hợp tác, vừa tăng độ an toàn cho người dân vừa đảm bảo sức khỏe cho nhân viên y tế làm việc lâu dài”, bác sĩ Hiếu gửi gắm.

Bác sĩ Hiếu trong một lần lấy mẫu cộng đồng cho người dân tại TP. Thủ Đức

NVCC

 Bác sĩ Hiếu khuyên: “Khi tới lượt lấy mẫu, mọi người nhớ theo hiệu lệnh của nhân viên y tế và nên quan sát người đi trước mình thực hiện ra sao. Khi ngồi ghế lấy mẫu, mọi người nên kéo khẩu trang, để hở mũi, che miệng. Sau khi lấy mẫu mọi người nhớ kéo khẩu trang lên che kín mũi miệng ngay, rồi nhanh chóng ra về hoặc ra khu vực chờ được hướng dẫn. Khi ra về, mọi người có thể thay đồ, tắm rửa, rửa tay để đảm bảo sạch sẽ, hạn chế lây nhiễm qua bề mặt”.

Đội lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng tại Tân Bình tự chế xe để tiện đẩy dụng cụ vào từng hẻm, từng nhà lấy mẫu cho người dân

PHƯƠNG THẢO

Bác sĩ Hiếu cũng cho biết, nhân viên y tế sẽ luôn thay găng tay mới hoặc sát khuẩn tay bằng dung dịch rửa tay nhanh giữa mỗi lần lấy mẫu. Nhân viên y tế cũng có một khoảng cách nhất định với mặt của người dân lấy mẫu, không tiếp xúc chính diện. Như vậy, nguy cơ lây nhiễm được giảm bằng nhiều biện pháp khác nhau, và có thể đảm bảo nếu có sự điều phối hợp lý từ nhân viên y tế và sự hợp tác của người dân.
“ Việc phát xét nghiệm về nhà cho người dân tự lấy nên có sự trao đổi phù hợp. Nếu được hướng dẫn vừa đầy đủ, người dân có thể lấy mẫu tại nhà được. Tuy nhiên, khi xảy ra sự bất đồng, nên trao đổi một cách hòa nhã, tránh xô xát không cần thiết giữa người dân với nhân viên lấy mẫu vừa tăng nguy cơ lây nhiễm vừa gây khó dễ cho đôi bên”, bác sĩ Hiếu bày tỏ.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.