Gỡ 'rối' cho giáo viên khi dạy trực tuyến để không làm khó học trò

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
27/09/2021 16:01 GMT+7

Những phàn nàn về học trực tuyến quá tải do nhà trường và giáo viên “bê” nguyên thời khóa biểu, giáo án dạy trực tiếp sang dạy trực tuyến hy vọng sẽ được chấm dứt sau khi giáo viên được tập huấn về dạy học "cách trở".

Giảm “thời gian chết” trong dạy học trực tuyến

Từ ngày 21 - 30.9, Bộ GD-ĐT tổ chức 5 khoá tập huấn trực tuyến về tổ chức dạy học trực tuyến cho gần 9.000 cán bộ, giáo viên cấp THCS và THPT của 63 tỉnh, thành phố.
Đợt tập huấn dành cho giáo viên dạy tất cả các môn học, hoạt động giáo dục cấp THCS, THPT. Mỗi khoá tập huấn diễn ra trong 2 ngày, cung cấp cho người học những hiểu biết chung về dạy học trực tuyến; các yêu cầu, điều kiện để dạy học theo hình thức này.
Đặc biệt, phần lớn thời gian trong khoá học được dành để hướng dẫn những phương pháp, kỹ năng chuẩn bị - tổ chức - kiểm tra, đánh giá, ôn tập trực tuyến. Hoạt động này được thực hiện theo từng môn học, hoạt động giáo dục.
Một trong những vấn đề khiến dư luận phàn nàn hiện nay về học trực tuyến là học sinh phải ngồi học quá lâu trước máy do thời khóa biểu dày đặc; giáo án được giáo viên áp dụng như học trực tiếp khiến người học rất căng thẳng, mệt mỏi.
Trao đổi với phóng viên Thanh Niên, PGS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), cho biết giáo viên tham gia tập huấn được định hướng xây dựng kế hoạch bài (giáo án) dạy trực tuyến, cách thức chuyển thể từ giáo án dạy trực tiếp sang trực tuyến đảm bảo hiệu quả, phù hợp với điều kiện cụ thể.
Một số bước cơ bản trong tổ chức dạy học theo hình thức này đối với mỗi bài học được báo cáo viên hướng dẫn kỹ cho học viên, cùng với nội dung giúp tăng cường năng lực tự lựa chọn và sử dụng một số công cụ, nền tảng công nghệ thông tin để dạy học và xử lý các tình huống phát sinh khi tổ chức dạy học trực tuyến.
Khi dạy học trực tuyến, Bộ GD-ĐT lưu ý giáo án cần xây dựng theo hướng tăng thời lượng làm việc chủ động của học sinh, để khoảng thời gian kết nối trực tuyến tập trung vào việc tương tác giữa giáo viên - học sinh, từ đó giúp các em tiếp thu được những kiến thức trọng tâm của bài học lại không mệt mỏi vì những khoảng “thời gian chết” trước màn hình.
Lý giải thêm về điều này, ông Nguyễn Xuân Thành cho rằng, thực tế thời gian qua ở đâu đó vẫn phàn nàn về việc giờ học trực tuyến kéo dài từ sáng tới chiều như học trực tiếp là do giáo viên vẫn quen với dạy trực tiếp, vào giờ học mới bắt đầu giao nhiệm vụ cho học sinh làm bài tập hoặc giảng lại phần lý thuyết trong sách giáo khoa kéo dài cả tiếng, khiến học sinh rất mệt mỏi và không hứng thú với giờ học.
Chính vì vậy, theo ông Thành, khi tập huấn cho giáo viên dạy trực tuyến, Bộ chủ trương dùng chính phương pháp mà khi dạy trực tuyến giáo viên phải thay đổi, đó là: giao nhiệm vụ cho giáo viên chủ động thực hiện trước mỗi giờ tập huấn, và khi đã kết nối trực tuyến thì chủ yếu là dành thời gian thảo luận, trao đổi từ đó rút ra các giải pháp, kinh nghiệm.
“Giáo viên được trải nghiệm cách làm đó, thấy hiệu quả thì mới có động lực áp dụng chính “cách” đó để tổ chức dạy học cho học sinh của mình”, ông Thành nói.

Giáo viên được tập huấn để điều chỉnh cách dạy trực tuyến so vói dạy trực tiếp

ĐÀO NGỌC THẠCH

Những khác biệt giữa dạy học trực tuyến và trực tiếp

Trong bộ tài liệu hướng dẫn giáo viên dạy trực tuyến, Bộ GD-ĐT cũng chỉ ra sự khác nhau giữa dạy học trực tiếp và trực tuyến. Cụ thể, nếu dạy học trực tiếp thì giáo viên giảng bài, giao nhiệm vụ; học sinh nghe giảng, đọc sách giáo khoa, thực hiện nhiệm vụ trong giờ học trên lớp (thời lượng khoảng 15 - 20 phút).
Với dạy học trực tuyến, học sinh cần được giao nhiệm vụ tự thực hiện bằng cách nghe giảng qua video bài giảng; đọc sách giáo khoa, trả lời câu hỏi,… trước khi kết nối vào lớp học trực tuyến theo thời gian thực; nộp kết quả học tập theo yêu cầu của giáo viên (qua nền tảng LMS hoặc các công cụ thay thế). Nhờ đó, hoc sinh được chủ động về việc chọn thời điểm thực hiện.
Tương tự, ở phần yêu cầu học sinh báo cáo, thảo luận về kết quả học tập, nếu dạy học trực tiếp giáo viên tổ chức thực hiện ngay trong không gian lớp học. Tuy nhiên, khi dạy học trực tuyến, giáo viên tổ chức lớp học kết nối trực tiếp để thực hiện trong không gian "lớp học ảo" thì giáo viên có thể tổng hợp kết quả học tập do học sinh gửi trước đó, vào giờ học chỉ tổ chức cho học sinh báo cáo, thảo luận; nhận xét, đánh giá, "chốt" kiến thức, kỹ năng; hướng dẫn học sinh vận dụng, giao nhiệm vụ học tập cho bài học tiếp theo.
Bộ GD-ĐT gợi ý cách làm: sau khi báo cáo, thảo luận về kết quả thực hiện nhiệm vụ đã giao, giáo viên có thể dành một khoảng thời gian (không quá dài) của đầu buổi học để giảng bài, nhấn mạnh nội dung cốt lõi, hướng dẫn học sinh xem video và sử dụng sách giáo khoa, ... để thực hiện nhiệm vụ tiếp theo.
Ông Nguyễn Hùng Chính, giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, một trong những báo cáo viên của khóa tập huấn, cho rằng cách tốt nhất khi giao nhiệm vụ cho học sinh là giáo viên tự ghi hình để học sinh được nghe tiếng của thầy cô thay vì tự đọc. Trong phần này, giáo viên cần nói thật từ từ, ngắn gọn, dễ hiểu để học sinh dễ nắm bắt được yêu cầu.
Tuy nhiên, trước thắc mắc của giáo viên tham gia tập huấn có phải bài nào cũng bắt buộc giáo viên phải quay video hay không, ông Chính cho rằng, có 3 hình thức giao nhiệm vụ cho học sinh tự làm là phiếu bài tập, ghi hình hoặc ghi âm. Bộ GD-ĐT không áp đặt phải chọn hình thức nào mà muốn thúc đẩy giáo viên ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện đa dạng hình thức phù hợp với từng điều kiện thực tế của học sinh cũng như yêu cầu bài học.
Hiệu quả tính bằng “3 chữ làm”
Ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, chia sẻ khóa tập huấn này là một giải pháp để phát triển năng lực dạy học trực tuyến cho giáo viên, từ đó nâng cao được chất lượng dạy học theo hình thức này.
Nếu lực lượng y tế đang "căng mình" ở tuyến đầu chống dịch, thì ngành giáo dục cũng nỗ lực hết sức để giúp học trò dù không thể đến trường vẫn không ngừng việc học và được học một cách tử tế, chất lượng.
"Hiệu quả của một công việc được tính bằng tích của 3 chữ làm: biết làm - có năng lực sự phạm để dạy học trực tuyến; có điều kiện để làm - có đủ trang thiết bị, đường truyền cần thiết để giáo viên, học sinh học tập; và có động lực để làm. Nếu một trong 3 thừa số bằng 0 thì tích cũng bằng 0”, ông Độ nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.