Tự động phát
Tên lửa đẩy Trường Chinh-2F vừa được phóng lên tại trung tâm phóng vệ tinh của Trung Quốc trên sa mạc Gobi lúc 9:22 giờ Bắc Kinh (tức 8:22 giờ Việt Nam) để đưa tàu Thần Châu-12 lên trạm không gian Thiên Hà, lần đầu tiên sau nhiều năm Trung Quốc đưa con người lên vũ trụ.
Đây là lần phóng thứ 3 trong tổng số 11 chuyến bay - trong đó có 4 chuyến mang theo phi hành đoàn - để thực hiện nhiệm vụ lắp ráp trạm không gian quy mô hoàn thiện đầu tiên của Trung Quốc. Công trình đã bắt đầu từ tháng 4 với việc đưa mô đun Thiên Hà vào quỹ đạo. Đây là mô đun đầu tiên và lớn nhất trong tổng số 3 mô đun.
|
Ba phi hành gia đang bay lên quỹ đạo bao gồm Nie Haisheng, Liu Boming và Tang Hongbo, trong đó ông Haisheng (56 tuổi) sẽ là người Trung Quốc lớn tuổi nhất từng lên vũ trụ. Họ sẽ sống và làm việc trong mô đun Thiên Hà, có kích thước lớn hơn chiếc xe buýt một chút và sẽ là không gian sống của trạm vũ trụ tương lai.
Trong 3 tháng tại đây, 3 phi hành gia sẽ kiểm tra các công nghệ lắp đặt trên mô đun, bao gồm hệ thống hỗ trợ sự sống. Họ cũng sẽ được theo dõi để tìm hiểu khả năng thích ứng về thể chất và tâm lý với việc ở trên vũ trụ trong thời gian dài. Trong tương lai, dự kiến sẽ có phi hành gia ở lại trong 6 tháng.
|
Kể từ năm 2003, Trung Quốc đã có 6 lần đưa tổng cộng 11 phi hành gia vào vũ trụ, trong đó có Trác Chí Cương (Zhai Zhigang), người Trung Quốc đầu tiên đi bộ trong không gian vào năm 2008. Tuy nhiên, cho đến nay các phi hành gia Trung Quốc có thành tích quốc tế tương đối thấp.
Luật pháp Mỹ cấm NASA hợp tác với Trung Quốc, do đó phi hành gia Trung Quốc chưa từng đến Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) trong hơn 20 năm qua. ISS có thể ngừng hoạt động vào năm 2024 nếu dự án không nhận được nguồn vốn mới và Trung Quốc có thể trở thành nhà điều hành trạm vũ trụ duy nhất trên quỹ đạo Trái đất.
Bình luận (0)