THANH KHƯƠNG |
Vừa hết giãn cách, khách xếp hàng dài trước tiệm bánh mì Huỳnh Hoa (trên đường Lê Thị Riêng, P.Phạm Ngũ Lão, Q.1, TP.HCM) |
Pate, bơ thơm ngon khó cưỡng
Vừa nhận 3 ổ bánh mì từ nhân viên tiệm Huỳnh Hoa (đường Lê Thị Riêng, P.Phạm Ngũ Lão, Q.1, TP.HCM), Gia Hào (24 tuổi, ngụ Q.5) hớn hở nói: “Nhà mình ăn ở đây đã được 20 năm. Thích nhất là pate, bơ. Mấy tháng qua mình thử đặt hàng nhưng giao, nhận khó khăn nên cố ngăn cơn thèm. Mình bắt đầu cảm nhận được nhịp sống nhộn nhịp đã dần trở lại”. Được biết, đây là lần thứ 2 sau ngày 1.10 gia đình anh chọn món này làm bữa chính.
Rồng rắn xếp hàng dưới mưa chờ mua bánh mì ‘đắt nhất Sài Gòn’ |
THANH KHƯƠNG |
Giờ cao điểm có thể đợi từ 10-20 phút |
Gần trưa, bà Huỳnh Thị Ngọc Thu (61 tuổi, ngụ Q.7, TP.HCM) đứng xếp hàng ngay ngắn chờ tới lượt. Thấy chúng tôi, bà bắt chuyện: “Giờ này ít khách, đợi không lâu lắm. Ăn nửa ổ là no cành hông nên một ổ cứ phải chia 2 bữa”.
Đến 15 giờ, tiệm bắt đầu đông khách, gồm khách lẻ và shipper. Giờ cao điểm có thể đón tới 50 lượt khách, xếp thành 2 hàng nối dài cả trăm mét. Ở trong, gần 10 nhân viên mỗi người một việc không lúc nào nghỉ tay.
THANH KHƯƠNG |
Nhân viên của tiệm đang phải đảm nhiệm nhiều việc hơn |
THANH KHƯƠNG |
Trong số các thành phần chính của 1 ổ bánh mì, khách ưa thích nhất là pate và bơ |
Một ổ bánh mì đầy đủ gồm 12 thành phần được đặt sản xuất theo công thức riêng: pate, dăm bông tròn và vuông, giò thủ trắng và đỏ, xúc xích tỏi và tỏi xông khói, chả lụa, chả bò, thịt heo xá xíu, chà bông và bơ tươi, ăn kèm với rau các loại như dưa leo, hành ngò, đồ chua, ớt.
THANH KHƯƠNG |
Một ổ bánh mì Huynh Hoa hiện có giá 58.000 đồng, nặng 350 gam chưa gồm rau các loại |
Cho xe chạy chầm chậm để quan sát, ông Nguyễn Đăng Đồng (61 tuổi, ngụ Q.7) quyết định dừng lại sau một hồi lưỡng lự. Cứ 3 lần/tuần, ông đều trực tiếp đến mua 5 phần về cho cả nhà. Một ngày sau 1.10, ông đến mà thấy đông nghịt nên về. Ngày 3.10 quay lại vẫn đông nhưng vì quá thèm nên ráng đợi. Còn lúc này, dù phải xếp hàng dài nhưng tâm trạng người đàn ông này đã thoải mái hơn nhiều.
“Gia đình tôi ăn ở đây từ lúc giá mới có 25.000 đồng/ổ, giờ ghiền rồi thì giá nào cũng ăn. Mua mang về nhưng bánh vẫn giữ được độ giòn của vỏ và mùi thơm của ruột. Các loại thịt nguội, chả, xúc xích được cắt lát dày. Bơ và pate thì thơm mịn không giống tiệm nào. Rau dưa ăn kèm lúc nào cũng tươi. Hương vị rất riêng nên ăn hết ổ này lại thèm muốn ăn ổ kia”, ông Đồng cho hay.
THANH KHƯƠNG |
Một thực khách (ngụ Q.12) phấn khởi cầm trên tay 2 ổ bánh mì vừa mua được |
Hơn 18 giờ, ông Đồng Văn Chiều (80 tuổi, ngụ Q.10) kiên nhẫn đứng xếp hàng sau cả chục khách. Người đàn ông lớn tuổi tính mua 2 hộp pate về nhà ăn với bánh mì không. “Một hộp ăn được 3 lần, pate hợp khẩu vị nên cứ phải ghé đây mua mới được”, ông Chiều chia sẻ.
Bí quyết giữ chân thực khách suốt 30 năm
Trước cửa tiệm, từng sọt bánh mì nóng hổi liên tục được người giao hàng mang tới. Tất cả đều được nướng lại bằng than để đảm bảo độ nóng và giòn trước khi thêm nhân vào.
THANH KHƯƠNG |
Bánh mì được nướng lại ở tiệm trước khi thêm nhân |
“Tiệm liên tục trong tình trạng quá tải. Được mọi người yêu quý, quay lại và chờ đợi nhiều như vậy, tôi rất vui và tự hào”, đó là cảm xúc đầu tiên của anh Nguyễn Quang Huy (37 tuổi, chủ tiệm bánh mì Huỳnh Hoa) trong những ngày đầu bình thường mới.
THANH KHƯƠNG |
Một thực khách lớn tuổi đợi khoảng 10 phút để mua 3 ổ bánh mì |
Chia sẻ với Thanh Niên, anh Huy cho biết ngày 1.10 tiệm chính thức mở cửa lại từ 9 - 19 giờ mỗi ngày thay vì là 13 - 23 giờ như trước. Tuy nhiên, thiếu hụt nhân sự dẫn tới việc một nhân viên phải đảm nhiệm khối lượng công việc nhiều hơn. Hay khâu chuẩn bị nguyên vật liệu cũng là một thách thức lớn lúc này.
Giá cả đã có thay đổi, hiện tiệm chỉ bán một loại bánh mì duy nhất với giá là 58.000 đồng/ổ. Theo đó, trọng lượng một ổ tăng từ 300 gam lên 350 gam chưa tính rau dưa.
THANH KHƯƠNG |
Hơn 16 giờ, "rồng rắn" xếp hàng dưới trời mưa lất phất chờ mua bánh mì |
Thời gian qua, tiệm bánh mì này đóng cửa đúng 1 tháng. Có nhân viên trở thành F1, có người là F0, may mắn là mọi người đều đã khỏe mạnh. Đến giữa tháng 8, tiệm bán lại bánh mì không và các sản phẩm đồ nguội để khách mua về tự trải nghiệm.
Theo anh Huy, ra đời năm 1989, tiệm bánh mì tên là Huynh Hoa phát triển từ những chiếc bánh tiêu, bánh quẩy và bánh mì không. Còn Huynh Hoa là tên của 2 người chị gắn bó thân thiết và đặc biệt quan trọng trong cuộc đời anh Huy. Thế nhưng không hiểu sao, bà con, thực khách từ lâu đã gọi luôn là bánh mì Huỳnh Hoa.
THANH KHƯƠNG |
Tiệm bánh mì đón lượng lớn shipper vào các khung giờ trong ngày |
“Bánh mì Huỳnh Hoa là một phần quen thuộc của người dân Sài Gòn xưa. Có vài thứ buộc phải thay đổi theo thời gian nhưng chúng tôi luôn cố gắng giữ lại “cái hồn” trong từng ổ bánh mì. Nghĩa là vừa đảm bảo chất lượng các loại nhân, vừa giữ được hương vị riêng của mình”, anh chủ bật mí về cách giữ chân thực khách.
THANH KHƯƠNG |
Shipper Định Anh (27 tuổi) xếp hàng 20 phút để mua 5 ổ bánh mì, anh không cảm thấy khó chịu vì đó là công việc của mình |
THANH KHƯƠNG |
Ngô Lê Hoài Bảo (27 tuổi, ngụ Q.7) mua 2 phần cho mình và vợ. "Mình cảm thấy vui và phấn khởi khi cầm trên tay món ăn yêu thích sau nhiều ngày liền giãn cách xã hội. Một tuần mình ghé đây 1 lần, đến nay đã được 8 năm" |
Sắp tới, tiệm bánh mì của anh Quang Huy dự định mở thêm một điểm bán mới. Anh hy vọng điểm bán này sẽ mang tới cho thực khách trải nghiệm mới với nhiều cung bậc cảm xúc hơn.
Bình luận (0)