TP.HCM cần tạo điều kiện để lao động trở lại

13/10/2021 05:47 GMT+7

Về bài toán lao động và việc làm tới đây, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh TP.HCM phải tạo mọi điều kiện tốt nhất để đưa người lao động quay trở lại...

Chiều 12.10, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu (ĐB) thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM tổ chức giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển KT-XH trên địa bàn.

Sớm thống nhất cơ chế lưu thông liên tỉnh

Các ĐBQH đã chỉ ra những bất cập bộc lộ rõ trong đợt bùng phát dịch Covid-19 vừa qua tại TP.HCM. Nhất là về nhà ở, lao động (LĐ), an sinh đối với các nhóm yếu thế. ĐB Nguyễn Thiện Nhân cho biết hiện nhiều người dân rời TP.HCM về quê vì khó khăn, còn các doanh nghiệp (DN) rất cần nguồn tiền để duy trì trong các trường hợp khẩn cấp. ĐB này đề nghị xem xét giảm tiền thuê đất cho DN, hỗ trợ chi phí XN cho các DN từ nay đến hết năm 2021.

Các ĐBQH đề nghị cần thống nhất phương án lưu thông giữa TP.HCM và các tỉnh lân cận

SỸ ĐÔNG

ĐB Trương Trọng Nghĩa đề nghị sớm xây dựng và ban hành chiến lược “bình thường mới” tổng thể trên phạm vi cả nước với nhiều chiến lược thành phần ở từng lĩnh vực, từng ngành, từng vùng kinh tế trọng điểm; trong đó tránh tái diễn tình trạng gỡ bỏ các biện pháp giãn cách xã hội rồi áp dụng lại trên phạm vi rộng.

ĐB Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên T.Ư Đảng - Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, đề nghị TP.HCM và tỉnh lân cận sớm thống nhất cơ chế lưu thông về LĐ và hàng hóa một cách thông suốt, tránh gây trở ngại ách tắc. Trước áp lực tập trung dân cư về TP.HCM, ĐB Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh đây là thời điểm phù hợp để tái cấu trúc lại dân cư và LĐ, quy hoạch lại hạ tầng, kết nối vùng với các tỉnh Tây Nam bộ, Tây nguyên, duyên hải nam Trung bộ để phân bố lại dân cư hợp lý hơn.

Bến xe Miền Đông trước ngày chạy liên tỉnh: Khách gọi ‘cháy’ máy

Tại buổi giám sát, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức kiến nghị sớm bổ sung các chính sách, quy định tạo điều kiện cho phát triển nguồn nhân lực y tế cơ sở. TP.HCM kiến nghị Chính phủ ban hành gói kích cầu hỗ trợ DN khôi phục sản xuất, kinh doanh nhằm hỗ trợ kịp thời các DN bị thiệt hại nặng.

Ông Đức kiến nghị Chính phủ xem xét, trình QH điều chỉnh tỷ lệ điều tiết cho ngân sách TP.HCM giai đoạn 2022 - 2025 để góp phần tạo nguồn lực phát triển và chủ động giải quyết được những khó khăn, thách thức cũng như xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, tạo động lực phát triển cho cả Vùng kinh tế trọng điểm phía nam.

Gợi mở 5 nhiệm vụ cho TP.HCM

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM về những tổn thất, mất mát, đau thương trong đại dịch. Đến nay, đỉnh dịch đã qua và TP.HCM đang từng bước hồi phục kinh tế.

Tại buổi giám sát, Chủ tịch nước gợi mở 5 nhiệm vụ trong chiến lược phòng, chống dịch Covid-19 và khôi phục kinh tế của TP.HCM; trong đó ưu tiên hàng đầu là phải đảm bảo huyết mạch nền kinh tế, lưu thông hàng hóa, di chuyển con người, dịch vụ tài chính tín dụng, tính thanh khoản của DN. TP.HCM tiếp tục đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho DN, triển khai nhanh gói hỗ trợ, thu hút đầu tư, đẩy nhanh đầu tư công tạo sự lan tỏa, sớm xây dựng trung tâm tài chính khu vực.

Covid-19 sáng 13.10: Cả nước 846.230 ca nhiễm, 786.095 ca khỏi | Đường sắt mở bán vé tàu Tết

Cảm ơn sự quan tâm, chỉ đạo và những gợi mở của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn ĐBQH TP.HCM, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết TP.HCM đã chuẩn bị rất nhiều chiến lược, trong đó có chiến lược về xã hội, dân cư và nhà ở xã hội cho người LĐ.

Nhấn mạnh đến bài toán LĐ và việc làm, Chủ tịch nước cho biết khi không thực hiện Chỉ thị 16 nữa thì việc đi lại của người dân được tự do. Dù vậy, TP.HCM phải tạo mọi điều kiện tốt nhất để đưa người LĐ trở lại. “Chúng ta tạo mọi điều kiện, nếu như bà con về quê, đến hẹn tiêm vắc xin Covid-19 mũi 2 thì hãy đến thành phố, TP.HCM sẵn sàng tiêm mũi 2 cho bà con”, Chủ tịch nước gợi mở bên cạnh sự chuẩn bị điều kiện về nhà ở, phúc lợi, gói an sinh. Mặt khác, TP.HCM chủ động phối hợp với chính quyền các tỉnh trong vùng để hỗ trợ DN, đào tạo nâng cao tay nghề cho LĐ.

Chủ tịch nước đánh giá sự phát triển kinh tế của TP.HCM cần tính toán đến vị thế trung tâm của Vùng trọng điểm kinh tế phía nam, với vai trò “anh Hai Nam bộ” chủ động đề xuất các cơ chế, chính sách để cùng các địa phương phân bổ LĐ hợp lý, liên kết vùng trên các lĩnh vực giao thông, công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ... Trong chiến lược sắp tới, TP.HCM tập trung tìm ra những động lực tăng trưởng mới, tháo gỡ thể chế pháp luật, tái cấu trúc đô thị, đầu tư mạnh mẽ cho hạ tầng kỹ thuật số, củng cố hệ thống y tế cơ sở.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.