Sống an toàn trong đại dịch

16/10/2021 13:21 GMT+7

Đại dịch Covid-19 là phép thử khả năng thích ứng của loài người trước những mối đe dọa sức khỏe . Trước đại dịch, rất nhiều người từng ngây thơ nghĩ rằng, những đại dịch như “Dịch Hạch” (Albert Camus, 1913 - 1960, nhà văn người Pháp) chỉ là kịch bản của văn học hay phim ảnh…

Vậy mà thực tế của thế giới những ngày tháng qua, từ Vũ Hán (hơn 10 triệu dân) đến cả thế giới (gần 8 tỉ dân) đều trải qua những ngày giãn cách gắt gao. Tuy vậy số lượng nạn nhân của đại dịch vẫn chưa có xu hướng giảm.

Điều này chứng tỏ đại dịch là hiểm họa có sức hủy diệt. Nguy hiểm hơn, dịch bệnh không phân biệt tôn giáo hay đường biên, nó có mặt ở khắp nơi trên trái đất.

Câu hỏi đặt ra: Lối thoát nào dành cho loài người?

Đeo khẩu trang trên khán đài

Trí nhớ ngắn hạn

Trí nhớ con người là một bộ máy phức tạp nhất có thể ghi nhớ tất cả những chuyện diễn ra hàng ngày dù nhỏ nhặt, nó chính là điểm mạnh tuyệt đối của con người. Tuy nhiên, đó là một bộ máy có chọn lọc và khá ngắn hạn.

Rất nhiều sự kiện quan trọng được ghi lại nhưng lập tức bị xóa ngay sau khi hậu quả của các sự kiện đó trở nên xa vời. Điều đó giải thích cho nguyên nhân tồn tại dai dẳng của các cuộc chiến từ thời tiền sử cho đến ngày hôm nay, giết chết hàng triệu mạng người qua các thời kỳ lịch sử.

Giả sử nếu trí nhớ hoạt động chính xác, con người đã có thể cùng nhau rút ra bài học và tránh được hàng trăm, hàng vạn các cuộc xung đột sắc tộc và tôn giáo. Nhưng trí nhớ ngắn hạn đã xóa sạch những đớn đau gây ra bởi các cuộc chiến khiến họ trở nên hỗn loạn.

Thật hạnh phúc cho trí nhớ đã có thể nhanh chóng quên đi những đau buồn, nhưng cũng thật xót xa cho nhân loại vì phải sống trong những vòng luẩn quẩn của sự hối tiếc cho những sai lầm lặp lại.

Cuộc chiến Covid-19 rồi đây cũng sẽ đến hồi kết, những vết thương rồi sẽ được hàn gắn, trí nhớ sẽ ghi lại được những gì sau đó? Có thể là nhiều điều mà cũng có thể rất ít. Hãy thử nhìn qua các cuộc giãn cách để đoán biết được thái độ của con người với dịch bệnh.

Paris, Pháp, tháng 6.2020, cuộc đại phong tỏa toàn quốc Pháp lần thứ nhất kết thúc, người Pháp hồ hởi lao ra đường, la cà trong các quán bar, tập trung trong các khu mua sắm như thể Covid-19 chưa hề tồn tại và bỏ thói quen khẩu trang cùng sát khuẩn. Hậu quả của một trí nhớ ngắn hạn thật nặng nề. Ngày 7.11.2020, Pháp đạt con số kỷ lục về số người chết là 2.281.

New Delhi, Ấn Độ, là một điển hình của sự chết chóc vì đại dịch Covid-19 trong những tháng qua. Mặc cho các nước trên thế giới thực hiện giãn cách, một số người dân Ấn Độ dửng dưng. Thần thánh sẽ bảo vệ họ khỏi vi rút. Nhưng thần thánh ở đâu? Câu trả lời chưa có lời giải đáp thì New Delhi đã phải trả giá bằng con số hàng trăm nghìn người chết...

Kiểm tra QR code lối vào một khu vực tham quan

Một sự thật nghiệt ngã, thần thánh không thể giúp chúng ta chống lại vi rút mà chỉ có chúng ta cùng với ý thức cá nhân mới có thể giúp loài người thoát khỏi đại dịch.

Tạo thói quen cho trí nhớ

Có một thực tế khả quan trong cuộc đại dịch lần này được các nhà khoa học và toàn bộ các chính phủ đồng lòng thực hiện, đó là những biện pháp chống dịch cơ bản. Ở những thành phố dù lớn dù nhỏ, dù hiện đại hay khó khăn về kinh tế, chính phủ cũng làm hết khả năng để thực hiện việc giãn cách. Một tháng, 2 tháng và có nơi lên tới 6 tháng rồi gần 1 năm, không nơi nào có mặt của vi rút mà cuộc sống vẫn bình thản diễn ra một cách sôi động.

Ở nhiều nơi, cuộc giãn cách được tuyên bố là một bất ngờ với người dân khiến không ít người rơi vào khó khăn vì không kịp trở tay ứng phó. Tuy nhiên cho đến ngày hôm nay chưa có nơi nào trên thế giới xảy ra tình trạng chống đối quyết định của chính phủ. Đó là biện pháp có quy mô tập thể mang tính chiến lược.

Ở quy mô ý thức cá nhân, cuộc sống của mỗi người cũng bất ngờ thay đổi. Từ thuở lập thiên, con người có thói quen để lộ ra khuôn mặt của mình. Đó là một thói quen rất dễ chịu giúp chúng ta thở và giao tiếp không vật cản. Thế rồi bỗng nhiên đại dịch buộc chúng ta phải bịt khuôn mặt của mình lại bằng chiếc khẩu trang. Còn đâu những nụ cười, còn đâu những hơi thở tự do. Nhưng liệu chúng ta có sự lựa chọn thứ hai ngoài chiếc khẩu trang?

Việc tập trung đông người cũng là nét văn hóa đặc trưng của loài người. Chúng ta vốn là loài sống tập thể. Rất ít cá nhân có thể sống cô lập bởi mỗi cá nhân là một mắt xích của chuỗi dây chuyền xã hội. Nếu một trong số những mắt xích ấy bung ra và đứng độc lập, chuỗi dây chuyền sẽ bị rối loạn và gặp khó khăn.

Tuy nhiên, thói quen đó cũng cần phải thay đổi để ứng phó với đại dịch. Điều đó không có nghĩa đòi hỏi xã hội phải cá nhân hóa lâu dài. Đó chỉ là biện pháp cấp bách trong những ngày bùng dịch nhằm hạn chế sự lây lan. Biện pháp này cũng dần phải trở thành một thói quen trong xã hội mỗi khi có nguy cơ bùng phát của dịch bệnh, dù công cuộc tiêm vắc xin đang được thực hiện đại trà trong dân chúng.

Sống an toàn trong đại dịch

Ở châu Âu những ngày tháng 8.2021, một hiện tượng xã hội mới xuất hiện lần đầu tiên, việc kiểm tra “chứng nhận thông hành Covid-19” ở những địa điểm công cộng.

Về hình thức, nó giống như một trò chơi giải trí hơn là một sự rắc rối. Ở mỗi lối vào của địa điểm công cộng (tàu xe, nhà hàng, khu vui chơi…), người tham gia phải chứng minh được mình không nhiễm bệnh tại thời điểm có mặt, tức là họ phải chứng nhận đã tiêm đủ liều vắc xin bằng một QR code (mã số được cơ quan chức năng có thẩm quyền cung cấp khi người tiêm hoàn thành chế độ tiêm chủng), hoặc một chứng nhận vừa nhiễm Covid-19 có giá trị 6 tháng, hoặc một test PCR có hiệu lực 48 giờ.

Kiểm tra QR code ở quán nước

Một cuộc chơi đọ máy điện thoại bắt đầu. Mỗi người kiểm tra được trang bị một máy điện thoại có ứng dụng đọc QR code. Mỗi người tham gia chụp lại và lưu giữ trên điện thoại cá nhân trong một ứng dụng cảnh báo Covid-19 QR code cá nhân. Khi người kiểm tra yêu cầu xuất trình QR code, 2 chiếc điện thoại được áp sát vào nhau và một câu trả lời “được” hay “không được” lập tức xuất hiện. Chỉ khi màn hình của người kiểm tra báo hiệu “được”, thì người tham gia mới được vào nơi cần đến.

Những ngày đầu mới áp dụng “chứng nhận thông hành Covid-19”, rất nhiều người lúng túng lục tung túi xách để tìm tờ giấy chứng nhận, cũng có người phản đối. Nhưng một tuần sau khi mọi thủ tục đi vào quỹ đạo, họ tự giác rút điện thoại tìm QR code và trình ra trước khi người kiểm tra yêu cầu. Họ làm việc đó một cách tự nhiên như thể đó là hành động phản xạ không điều kiện.

Một thói quen dù mới hình thành nhưng đang trở thành một nét văn hóa mới, dù đối với những người thi hành nhiệm vụ kiểm tra, một việc làm không hề đơn giản và mất nhiều năng lượng cũng như hậu quả kinh tế do phải từ chối khách chưa có “chứng nhận thông hành Covid-19”. Nhưng cũng như người tham gia, ai cũng hiểu đó là biện pháp duy nhất giúp chúng ta thoát khỏi đại dịch.

Có thể nói tại thời điểm hiện tại, ngoài vắc xin thì các biện pháp phòng dịch cơ bản vẫn là phương pháp hữu hiệu nhất lúc này, giúp mỗi cá nhân tự bảo vệ mình và bảo vệ cộng đồng.

Đó là lý do nên tạo cho mỗi biện pháp phòng dịch trở thành một thói quen, một hành động phản xạ không điều kiện, một nét văn hóa mới. Mỗi người phải là một mắt xích hoàn hảo của xã hội giúp ngăn sự trở lại và có thể là ngăn một đại dịch khác xuất hiện.

* Tác giả bài viết Quyen Gavoye là Chuyên viên văn hóa, công tác tại Ủy ban thành phố Besançon, Pháp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.