Dịch bệnh cũng làm gia tăng bất bình đẳng xã hội, bình đẳng giới do đại dịch ảnh hưởng mạnh đến nhóm lao động có trình độ kỹ năng thấp; công việc nhà và công việc không được trả lương của phụ nữ gia tăng do đại dịch.
Covid-19 sáng 19.10: Cả nước 867.221 ca nhiễm, 792.980 ca khỏi | TP.HCM kéo dài chi hỗ trợ đợt 3 |
Theo tìm hiểu của Thanh Niên, tại một số doanh nghiệp, vào thời điểm này, mức lương của công nhân mới bắt đầu làm việc bình quân trên dưới 5 triệu đồng/người/tháng; nếu tăng ca và cộng thêm thâm niên, bình quân trên dưới 8 triệu đồng/người/tháng. Trong khi đó, đa phần công nhân đều ở nhà trọ với chi phí bình quân trên dưới 3 triệu đồng/tháng/phòng trọ, chưa kể chi phí sinh hoạt, con em học hành… Khi phải tạm ngưng công việc do dịch bệnh, thu nhập ảnh hưởng, môi trường sống ở trọ chật hẹp…, thì đa phần công nhân rơi vào tình cảnh khó khăn, dẫn đến làn sóng trở về quê nhà.
Theo TS Phạm Khánh Nam (Trưởng khoa Kinh tế - Trường đại học Kinh tế TP.HCM), trong giai đoạn trước mắt đến 2 năm tới, TP.HCM cần giải quyết cú sốc đứt gãy thị trường lao động và việc làm thông qua đảm bảo an sinh, tạo việc làm mới để chặn đứng vòng lặp khủng hoảng. Trong giai đoạn trung hạn và dài hạn cần ưu tiên các chính sách, chương trình, dự án tạo ra nhiều việc làm; đồng thời tạo việc làm cho các nhóm yếu thế, lao động nhập cư, lao động phi chính thức.
TS Phạm Khánh Nam phân tích khảo sát sơ bộ cho thấy người lao động quyết định quay trở lại thành phố làm việc phụ thuộc nhiều vào các chính sách khuyến khích tăng cường phúc lợi xã hội. Mặt khác, tiền lương và thu nhập thực tế tại TP.HCM luôn cao hơn quê nhà. Do vậy, cơ quan quản lý nhà nước cần xây dựng các gói phúc lợi xã hội, bao gồm giới thiệu việc làm, hỗ trợ nhà trọ và tiêm vắc xin Covid-19 cho người lao động khi trở lại làm việc. Bên cạnh đó, cần có chính sách trợ giúp xã hội bao gồm trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ tiền trực tiếp và các khoản trợ cấp khác như chi phí điện, nước.
Trong khi đó, theo TS Dư Phước Tân, Trưởng phòng Nghiên cứu quản lý đô thị - Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, công nhân làm việc ở các khu chế xuất - khu công nghiệp là nhóm bị ảnh hưởng nặng nề trong đại dịch Covid-19 do điều kiện nhà ở không đảm bảo. TP.HCM có 17 khu chế xuất - khu công nghiệp, 1 khu công nghệ cao, 16 cụm công nghiệp với tổng lao động khoảng 400.000 người, nhu cầu nhà ở khoảng 240.000 người, nhưng nhà lưu trú công nhân mới đáp ứng được 16%; còn lại đa số người lao động ở nhà trọ xuống cấp, chật hẹp.
TS Dư Phước Tân cho rằng cần thay đổi quan điểm “nhà nước lo sở hữu cho người dân về chỗ ở” sang “nhà nước chăm lo chỗ ở cho người dân” trong những căn nhà khang trang, sạch đẹp theo hình thức thuê dài hạn với chi phí hợp lý.
Bình luận (0)