Ngày 19.10, tin từ Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau, UBND tỉnh này vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế nêu những vướng mắc khó khăn trong việc triển khai Quyết định 4800 của Bộ Y tế.
Quyết định 4800 của Bộ Y tế chưa phù hợp với thực tế
Văn bản của tỉnh Cà Mau cho rằng Quyết định 4800 của Bộ Y tế chưa phù hợp với thực tế. Cụ thể văn bản nêu: "Thực tế, người dân đi từ địa phương này đến địa phương khác, có khi phải đi qua rất nhiều vùng có cấp độ dịch khác nhau (trong đó có thể đi qua vùng có dịch cấp độ 4); người dân di chuyển tự do (không có quy định kiểm soát trên đường đi), hoàn toàn có thể bị lây nhiễm trong quá trình di chuyển khi đi qua vùng có dịch (thực tế đã có rất nhiều tài xế xe luồng xanh đã bị lây nhiễm khi di chuyển qua nhiều vùng)”.
Ngoài ra, văn bản của UBND tỉnh cũng thể hiện đối tượng cách ly y tế, thời gian cách ly y tế đối với từng đối tượng chưa phù hợp với thực tế là chỉ cách ly y tế đối với người đến từ vùng có dịch cấp độ 4 hoặc từ vùng cách ly y tế. Không thực hiện cách ly y tế đối với người đến từ các vùng có cấp độ dịch còn lại, thời gian cách ly y tế 7 ngày đối với người tiêm 1 mũi, 14 ngày đối với người chưa tiêm vắc xin, theo dõi sức khỏe 7 ngày đối với người tiêm vắc xin 2 mũi hoặc F0 đã khỏi bệnh, còn trong 6 tháng. Thời gian qua, Cà Mau có 75 ca, chiếm tỷ lệ hơn 10% số F0 từ tỉnh ngoài về, đã khỏi bệnh.
Cà Mau cũng nêu thực tế của địa phương có nhiều trường hợp thời gian ủ bệnh rất dài. Đến ngày 1.10, tại tỉnh Cà Mau có 12/51 người, chiếm 23,5% số người đã hoàn thành cách ly tập trung 14 ngày, đang trong thời gian tiếp tục cách ly tại nhà thêm 14 ngày, đã ghi nhận dương tính. Số ngày ủ bệnh bình quân 23,5 ngày. Đồng thời, Cà Mau cũng phát hiện nhiều ca dương tính, lây nhiễm cho người khác sau khi đã tiêm vắc xin 2 mũi.
Ngày 19.10: Cả nước 3.034 ca Covid-19, 1.866 ca khỏi | TP.HCM 907 ca |
Lo ngại F0 bùng phát
Cà Mau chỉ mới được phân bổ 725.261 liều vắc xin và đã tiêm 448.238 mũi cho 381.811 người (trong đó, 381.811 người tiêm 1 mũi, chỉ đạt 33,2% dân số; 66.427 người đã tiêm 2 mũi, đạt 5,8% dân số).
Mặt khác, năng lực thu dung, điều trị bệnh của tỉnh Cà Mau còn hạn chế nhiều mặt, cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn nhân lực; tỉnh đã tổ chức thêm 7 bệnh viện dã chiến, nhưng tổng số giường điều trị tất cả các bệnh viện chỉ đạt 1.740 giường (trong đó chỉ có 130 giường ICD).
Với những khó khăn, hạn chế của tỉnh Cà Mau hiện nay, nếu triển khai thực hiện các quy định xét nghiệm, cách ly y tế theo quy định tại quyết định 4800 của Bộ Y tế, khả năng sẽ có nhiều người dương tính với Covid-19 không được kiểm soát, phát hiện kịp thời, làm lây lan dịch bệnh, khi đó có thể sẽ bùng phát nhiều ổ dịch ngoài cộng đồng, với số lượng F0 vượt khỏi khả năng thu dung, điều trị của tỉnh.
Ngày 19.10: Thông báo 75 ca Covid-19 tử vong tại 10 tỉnh thành |
Kiến nghị xem xét sửa đổi cách ly theo hướng từng bước nới lỏng
Do đó, UBND tỉnh Cà Mau kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Y tế xem xét sửa đổi các quy định xét nghiệm, cách ly theo hướng từng bước nới lỏng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của nhân dân, nhưng phải đảm bảo yêu cầu công tác phòng, chống dịch, phù hợp với tiến độ tiêm vắc xin và khả năng thu dung, điều trị của các tỉnh trong khu vực ĐBSCL.
Ưu tiên, đẩy nhanh hơn nữa tiến độ phân bổ vắc xin cho các tỉnh ĐBSCL, trong đó có tỉnh Cà Mau, để nhanh chóng tiêm vắc xin, đảm bảo tỷ lệ miễn dịch cộng đồng cho nhân dân, nhất là người già, người có bệnh nền, trẻ em.
Xem xét phương án điều chuyển, bổ sung đội ngũ y, bác sĩ, một số máy móc, thiết bị phục vụ điều trị Covid-19 từ những tỉnh, thành đã kiểm soát được dịch và nới lỏng giãn cách đến các địa phương có số lượng người dân về nhiều như các tỉnh ĐBSCL.
Đồng thời, UBND tỉnh Cà Mau cũng kiến nghị, hỗ trợ cho địa phương vật tư y tế, thuốc... để điều trị cho số lượng bệnh nhân Covid-19 có khả năng tăng cao trong những ngày tới....
Bình luận (0)