Tài xế, tiếp viên xe buýt xoay xở mùa Covid-19 giúp đồng nghiệp F0, quyết bám trụ

Lê Hồng Hạnh
Lê Hồng Hạnh
23/10/2021 13:43 GMT+7

'Bà con xa không bằng láng giềng gần mà', chị Hồng vừa đi vừa nói, tay bê mâm cơm vừa nấu đến cho hai tiếp viên xe buýt số 8 khác là F0 đang cách ly tại phòng điều hành của bến xe buýt.

Từ ngày 20.6, xe buýt TP.HCM tạm ngưng hoạt động hoàn toàn để phòng dịch Covid-19. Nhiều tháng nay, gần 50 tài xế, tiếp viên xe buýt kẹt lại bến xe buýt Đại học Quốc gia TP.HCM. Sống trong cảnh thiếu thốn đủ thứ, các tiếp viên tài xế vẫn đùm bọc lẫn nhau, chăm sóc các F0 để cùng nhau vượt qua mùa dịch.

Nghĩa tình bên những chiếc xe buýt ngày “đóng băng” vì dịch Covid-19

Người mua thuốc, người nấu cơm

Một mình rời quê lên TP.HCM làm tiếp viên xe buýt số 8 hơn một năm nay, để tiết kiệm chi phí, anh Võ Văn Thành (28 tuổi) xin phép hợp tác xã ở lại trên xe buýt số 8. Xe buýt dừng hoạt động hoàn toàn khiến anh cũng như các tài xế, tiếp viên khác kẹt lại tại bến xe buýt Đại học Quốc gia. Ngoài anh Thành, còn một tiếp viên khác cũng chung hoàn cảnh. Mùa dịch khó khăn, anh Thành cùng đồng nghiệp ở chung trên xe buýt số 8.

Dù cũng phải ở trên xe buýt vì không đủ tiền thuê phòng trọ nhưng chị Tới vẫn nấu sả, gừng, chanh mang qua cho anh Thành xông

lê hồng hạnh

Sinh hoạt trên xe buýt khá bất tiện, ngoại trừ ngủ nghỉ ra thì anh Thành cùng đồng nghiệp góp nhau lại tầm 5 người để nấu ăn bên trong khu trọ, ngày nào ra ngoài mua được thịt thì phần ăn đầy đủ, không thì ăn mì gói cầm chừng.

Sáng 16.10, khi thấy có triệu chứng anh Thành và đồng nghiệp đi xét nghiệm thì có kết quả dương tính với Covid-19. Những người khác tại bến xe có kết quả âm tính.

Chị Hồng làm tiếp viên xe buýt đã hơn 10 năm

lê hồng hạnh

Vì trên xe buýt không đủ điều kiện để thực hiện cách ly, hai tiếp viên được đưa vào phòng điều hành xe buýt gần dãy trọ để cách ly. “Hai đứa ra lấy cơm nè”, “Hai đứa nhớ xông hơi nha”,... những âm thanh rộn ràng cả dãy trọ khi người dân trong xóm trọ thay nhau gọi vọng vào phòng điều hành.

Người trong xóm trọ thay nhau nấu cơm bưng đến cho hai tiếp viên là F0

lê hồng hạnh

Đội nắng đi từ đầu bến xe đến cuối bến xe, chị Phạm Thị Tới (41 tuổi) hiện đang ở trên xe buýt số 53 cùng chồng. Dù không khá khẩm hơn là bao nhưng chị Tới tâm sự rất đồng cảm với hai tiếp viên xe buýt là F0, sợ đồng nghiệp không biết cách tự chăm sóc bản thân nên mới nấu nước xông hơi chanh, sả, gừng mang qua.

Anh Thành ra bàn nhận thức ăn

lê hồng hạnh

“Tội lắm, tụi nó ở đây một mình không có ba có mẹ, mình giúp được gì thì mình giúp coi như đùm bọc lẫn nhau qua mùa dịch. Hôm nghe tin là đã đi mua thuốc về ngay cho tụi nó”, chị tâm sự.

Không những vậy, những người trong xóm trọ còn phân chia nhau mỗi ngày thay phiên nhau nấu cơm mang qua cho hai tiếp viên. Người nấu bữa sáng, người nấu bữa trưa rồi bữa tối để không phải trùng nhau.

Để giữ khoảng cách an toàn, chị Tới và những người khác chỉ để đồ ăn và thuốc tại bàn để anh Thành đến lấy. Nước sát khuẩn và khẩu trang cũng được chuẩn bị đầy đủ hơn cho những người ở trong khu nhà trọ.

Nhận được sự quan tâm, chăm sóc của người không phải ruột thịt, anh Thành cảm động chia sẻ: “Mình vui lắm, ai giúp mình trong lúc khó khăn thì mình rất biết ơn. Hiện sức khỏe mình khá tốt, nhưng cũng chủ động xông hơi và cách ly tránh tiếp xúc với mọi người để tự bảo vệ mình cũng như những người trong xóm trọ”, anh tâm sự.

Tiếp viên, tài xế “mắc kẹt” trên xe buýt trong dịch Covid-19

“Sẽ trụ lại Sài Gòn đến cùng”

Từ quê lên TP.HCM với hy vọng có thu nhập ổn định hơn để gửi về phụ giúp người thân. Những tài xế, tiếp viên xe buýt sống tại dãy trọ bên trong bến xe là người dưng tứ xứ nhưng “bà con xa không bằng láng giềng gần”, sống gần nhau lâu dần thành quen, ai có gì cũng san sẻ với nhau.

“Trước dịch mọi người cũng đã quan tâm nhau rồi, mùa dịch càng giúp đỡ nhau nhiều hơn, làm nghề này vốn làm dâu trăm họ, nên cũng dễ chịu với nhau”, anh Thành bày tỏ.

Khu nhà trọ bên trong bãi xe

lê hồng hạnh

Phụ trách nấu bữa trưa cho 2 tiếp viên là F0, chị Mai Thị Hồng (41 tuổi, quê ở xã Tam Phước, H.Châu Thành, tỉnh Bến Tre) cùng chồng là anh Lý Quốc Tâm (46 tuổi) lên Sài Gòn làm tiếp viên và tài xế xe buýt hơn 10 năm.

Để tiện cho công việc, gia đình chị thuê nhà trọ ngay trong bến xe buýt, con gái của anh chị hiện đang học đại học năm cuối tại TP.HCM. “Từ nhỏ đến lớn nó ở với bà ngoại, đến khi học đại học thì mới lên ở chung với ba mẹ. Những lúc rảnh rỗi, nó cũng phụ tôi đi bán vé xe buýt để kiếm thêm tiền. Năm sau là nó ra trường rồi, giờ đang học online tại nhà, thôi thì gắng thêm 1 năm nữa”, chị kể lại.

Chị Hồng quyết bám trụ với nghề làm tiếp viên xe buýt

lê hồng hạnh

Những căn nhà trọ ở đây đa phần có mái tôn thấp, hẹp và được tự che chắn thêm để làm chỗ rửa chén bát và sơ chế thực phẩm. Xe buýt ngừng hoạt động, giảm thu nhập nên chị Hồng phải thiếu tiền thuê trọ 3 tháng nay. Chị cùng một số hộ khác trong khu nhà trọ thương lượng với chủ nhà trọ đợi đến khi xe buýt được chạy lại có thu nhập sẽ trả tiền phòng sau.

Một số tài xế trồng rau cải để có thêm rau cho bữa ăn

Lê hồng hạnh

Gắn bó với nghề tiếp viên tài xế xe buýt nhiều năm nay, chị Hồng tâm sự không có ý định về quê dù đã có thể di chuyển bằng xe máy về quê mà đợi xe buýt hoạt động trở lại. “Đã lỡ ở lại rồi thì đợi thêm, gắng làm được thêm bao lâu thì làm, sau này già rồi sẽ về quê. Còn giờ thì tạm thời ở trên này để kiếm tiền đã”, chị tâm sự.

Thất nghiệp lâu ngày, những tài xế, tiếp viên xe buýt trong khu trọ giải khuây bằng cách uống trà, trồng rau, hàn huyên đợi ngày Sài Gòn bình thường trở lại...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.