Trường ĐH Kinh tế TP.HCM thành ĐH UEH: Tuyển sinh và bằng cấp có thay đổi?

Hà Ánh
Hà Ánh
21/10/2021 13:37 GMT+7

Từ tháng 11 năm nay, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM bắt đầu vận hành theo mô hình trường trong trường ĐH để tiến tới phát triển thành ĐH UEH. Vậy việc tuyển sinh và bằng cấp thời gian tới sẽ thay đổi ra sao?

Sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM tại thư viện

H.A.

Sáng 21.10, nhân kỷ niệm 45 năm thành lập, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM có buổi họp báo thông tin chính thức về chiến lược tái cấu trúc trường ĐH này thành ĐH UEH thời gian tới.

Thành lập 3 trường thành viên

Tại buổi họp báo, GS-TS Nguyễn Đông Phong, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho biết vào ngày 27.10, trường sẽ chính thức công bố thành lập 3 trường thành viên thuộc Trường ĐH Kinh tế TP.HCM. Cụ thể, 3 trường thành viên là Trường Kinh doanh UEH; Trường Kinh tế, luật và quản lý nhà nước UEH; Trường Công nghệ và thiết kế UEH.

“Với việc ra mắt 3 trường này, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM sẽ bắt đầu mô hình trường trong trường ĐH và sau đó tiếp tục các công việc thực hiện đề án tái cấu trúc. Theo lộ trình hướng đến ĐH tương lai, giai đoạn 2022-2025 trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án thành lập ĐH UEH. Tiếp theo, giai đoạn 2026-2030 là thành lập Trường Quốc tế, nâng cấp Phân hiệu Vĩnh Long thành trường ĐH của khu vực ĐBSCL”, GS Phong thông tin.

Về việc thành lập 3 trường thành viên thuộc Trường ĐH Kinh tế TP.HCM trong năm nay, GS Phong cho biết đã đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định tại Nghị định 99 của Chính phủ/ 2019 (Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục ĐH). Theo Nghị định này, trường thành viên được thành lập có tối thiểu 5 ngành thuộc cùng một lĩnh vực đào tạo từ trình độ ĐH trở lên, trong đó có ít nhất 3 ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, ít nhất 1 ngành đào tạo đến trình độ tiến sĩ. Riêng về số lượng sinh viên, mỗi trường cần quy mô đào tạo chính quy từ 2.000 người học trở lên.

Trường thành viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM được thành lập trên cơ sở hợp nhất các khoa cùng lĩnh vực. Cụ thể, Trường Kinh doanh UEH được tạo nên từ các khoa: kinh doanh, marketing, quản trị chuỗi cung ứng, tài chính-ngân hàng- bảo hiểm, kế toán-kiểm toán, du lịch- khách sạn.

Trường Kinh tế, luật và quản lý nhà nước UEH được tạo nên từ các khoa: kinh tế và hành vi, tài chính công, quản lý nhà nước, pháp luật, môi trường, chính sách nông nghiệp và sức khoẻ.

Trường Công nghệ và thiết kế UEH hình thành từ các lĩnh vực gồm: toán-thống kê, hệ thống thông tin kinh tế, công nghệ-máy tính, đổi mới sáng tạo, kiến trúc-quy hoạch thông minh, thiết kế đa phương tiện.

Lãnh đạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM trong cuộc họp

H.A.

Tuyển sinh và đào tạo ra sao?

Trong tiến trình phát triển Trường ĐH Kinh tế TP.HCM thành ĐH UEH, vấn đề được người học quan tâm nhất là tuyển sinh, đào tạo và văn bằng tốt nghiệp.

Chia sẻ về việc này, GS-TS Nguyễn Đông Phong cho hay dù Trường ĐH Kinh tế TP.HCM có thêm 3 trường thành viên trong năm nay nhưng việc cấp bằng tốt nghiệp vẫn do Trường ĐH Kinh tế TP.HCM thực hiện.

Còn tiến sĩ Bùi Quang Hùng, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Sau ngày 27.10, với việc công bố thành lập 3 trường thành viên thì Trường ĐH Kinh tế TP.HCM bắt đầu vận hành theo mô hình trường trong trường ĐH. Quy mô đội ngũ nhân lực và quy mô tuyển sinh sẽ không có thay đổi nhiều trong những năm đầu”.

Bên cạnh đó, PGS-TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng phòng Đào tạo trường này, lưu ý các hoạt động tuyển sinh, đặc biệt là phương thức và chỉ tiêu tuyển sinh, sẽ không thay đổi trong thời gian tới. Cách thức tuyển lựa người học cơ bản ổn định như hiện nay để thu hút học sinh giỏi vào trường THPT trong cả nước. Tuy nhiên, một số ngành mới sẽ được bổ sung vào danh mục mã ngành đào tạo của trường trong thời gian tới, theo ông Bảo.

Về việc đảm bảo chất lượng trong lộ trình tái cấu trúc trường, GS-TS Sử Đình Thành, Hiệu trưởng nhà trường, cho rằng trường có lộ trình từng bước để phát triển chất lượng, không chỉ đào tạo mà nghiên cứu khoa học. Ông Thành nhấn mạnh chất lượng là điều quan tâm nhất của trường, dù tái cấu trúc nhưng chất lượng luôn đảm bảo đúng như cam kết với thị trường và xã hội.

Hiện Trường ĐH Kinh tế TP.HCM đang thực hiện đánh giá đầu vào theo nhiều phương thức khác nhau. Năm 2021, các phương thức tuyển sinh được trường sử dụng gồm: xét tuyển đối với thí sinh tốt nghiệp chương trình THPT nước ngoài và có chứng chỉ quốc tế; xét tuyển học sinh giỏi; xét tuyển quá trình học tập theo tổ hợp môn; xét tuyển dựa vào kết quả thi đánh giá năng lực; xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD-ĐT; xét điểm thi tốt nghiệp THPT.

Thành lập từ năm 1976, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM hiện có quy mô đào tạo hàng năm trên 30.000 người học. Trường đã đào tạo trên 240.000 cử nhân kinh tế, hơn 14.000 thạc sĩ và hơn 500 tiến sĩ. Trường hiện có khoảng 60% đội ngũ đạt chuẩn trình độ tiến sĩ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.