Ổn định vị trí trên chuyến xe về Trà Vinh, chị Nguyễn Thị Hồng Hạnh (31 tuổi) tay ẵm con, miệng liên tục nhắc nhở con trai 5 tuổi ngồi yên một chỗ. Chị Hạnh kể 2 vợ chồng lên Sài Gòn thuê phòng trọ làm công nhân ngành may nhiều năm nay. Chị Hạnh sinh em bé vào tháng 5, vừa sinh con xong thì dịch bệnh tại TP.HCM bùng phát mạnh nên không thể về quê.
Niềm vui ngày về quê đi học của những trẻ em mắc kẹt ở TP.HCM vì Covid-19 |
Gần 800 người dân được hỗ trợ về quê trong ngày 21.10 |
lê hồng hạnh |
Thời gian TP.HCM giãn cách xã hội, chị và chồng thất nghiệp ở nhà. Không có thu nhập, xoay xở tiền nhà trọ, còn lo lắng tã, sữa và ở cữ khiến chị Hạnh gặp nhiều khó khăn. Nhớ lại khoảng thời gian chăm con trong dịch Covid-19, chị rơi nước mắt: “Thời gian đó chỉ có hai vợ chồng với nhau. Mình thì không sao nhưng lo lắng cho hai đứa nhỏ lắm, giờ về được là may rồi”.
Bộ Tư lệnh TP hướng dẫn người dân lên xe khách |
lê hồng hạnh |
Chị Hạnh đăng ký thông qua UBND phường để về quê, chị tâm sự lần này về sẽ cho cháu lớn đăng ký đi học ở quê, chị ở nhà chăm con nhỏ. Tạm thời chồng chị sẽ ở lại TP để làm việc một thời gian nhưng hết năm cũng sẽ dọn về quê ở luôn. “Về quê có gì thì ăn nấy, khó khăn vẫn sống được đỡ hơn là ở thành phố”, chị tâm sự.
Phần lớn hành khách là trẻ em được đưa về quê để đi học |
Lê hồng hạnh |
Đưa vợ ra bến xe miền Tây, anh Ngô Quê Dũng (37 tuổi) cho biết anh làm shipper, vợ làm công nhân nhưng đã nghỉ từ lúc dịch bệnh bùng phát vì lúc đó cũng đang mang thai. Vợ anh Dũng vừa mới sinh được 1 tháng, em bé được quấn khăn để che nắng gió.
Bị bệnh hở van tim 3 lá và huyết áp cao, lại sinh non và sinh mổ nên vợ anh Dũng khá yếu, nghe được thông tin có thể đăng ký về quê thì anh đăng ký về ngay thông qua chủ nhà trọ.
Chị Hạnh vui mừng vì sắp được về quê |
Lê hồng hạnh |
“Mùa dịch mình vay mượn người quen để sống lay lắt qua ngày, cũng còn vài triệu tiền tiết kiệm và tiền hỗ trợ nên cũng trụ lại được đến giờ. Sinh con trong mùa dịch khổ lắm, mỗi lần chở vợ đi khám là phải xét nghiệm, lúc vợ sinh cũng không lên được mà mấy ngày sau mới vào được. Thương vợ lắm mà không biết làm sao”, anh Dũng bày tỏ.
Con nhỏ hơn 1 tháng tuổi được vợ chồng anh Dũng che nắng bằng chiếc khăn |
lê hồng hạnh |
Một bé gái theo mẹ về quê |
lê hồng hạnh |
Ngồi đợi lên xe về Sóc Trăng, bà Thạch Thị Phan (65 tuổi) chia sẻ lên Sài Gòn một mình vào tháng 4 để phụ giúp tại quán nhậu. Bà Phan phụ việc rửa chén và quét dọn, ở ngay tại quán và được trả lương 5 triệu đồng/tháng.
Làm được nửa tháng thì dịch Covid-19 bùng phát, quán đóng cửa bà Phan thất nghiệp và phải sống tạm tại quán ăn suốt 6 tháng trời. Bà Phan cho biết con cái đã lớn hết nhưng ai cũng khó khăn nên bà lên Sài Gòn làm việc để tự nuôi bản thân và gửi tiền về nuôi chồng ở quê.
“Cũng may là được tiêm đủ 2 mũi vắc xin Covid rồi, trước khi về cũng đi xét nghiệm Covid-19 rồi. Lần này về chắc ở quê luôn không quay lại Sài Gòn nữa, cũng già rồi, trước đây còn lên lên, về về làm kiếm ít tiền nhưng đợt dịch xong thì sợ lắm rồi”, bà nói. Toàn bộ các chuyến xe đưa bà con về miền Tây lần này được tập đoàn Phương Trang hỗ trợ.
Thượng tá Nguyễn Thanh Phong (Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tư lệnh Thành phố - đơn vị đứng ra thực hiện chương trình) cho biết trong ngày 21.10 sẽ có gần 800 người dân được hỗ trợ về quê. Trong đó chia ra làm hai nhóm, một nhóm di chuyển tập trung và một nhóm di chuyển bằng xe cá nhân.
Người dân tỉnh nào sẽ được bàn giao cho công an tỉnh đó sau đó sẽ được cách ly tập trung. Mỗi người dân sẽ được hỗ trợ phần quà gồm có sữa, nước ngọt, xúc xích, khẩu trang trị giá 100.000 đồng .
Thượng tá cũng cho biết thêm nếu người đăng ký về là thanh niên sẽ vận động họ ở lại để làm việc, ưu tiên các cháu về quê đi học, những người già về quê nghỉ ngơi và chị em phụ nữ mang thai để giúp người ở lại an tâm hơn và nếu gặp khó khăn thì sẽ được tiếp tục hỗ trợ gói an sinh.
Bình luận (0)