TP.HCM làm gì khi nhận định không thể zero Covid-19?

Duy Tính
Duy Tính
22/10/2021 12:27 GMT+7

TP.HCM lập 3 bệnh viện 3 tầng để điều trị bệnh nhân Covid-19 từ nhẹ đến nặng, các bệnh viện khác đều phải có khoa điều trị Covid-19.

Sáng 22.10, đoàn công tác của Bộ Y tế làm việc với Sở Y tế TP.HCM về công tác thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 trên địa bàn thành phố đến cuối năm. Buổi làm việc có sự tham dự của Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức.

Nhân viên y tế làm việc tại Bệnh viện dã chiến số 2

DUY TÍNH

Trung ương rút nhân lực từ từ

Trước tình hình số ca mắc và tử vong giảm sâu, 2 Trung tâm hồi sức bệnh nhân Covid-19 do bệnh viện tuyến Trung ương phụ trách (BV Việt Đức và Bạch Mai) rút về, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn chỉ đạo việc tổ chức bàn giao, rút quân trên nguyên tắc có kế hoạch giao nhận rõ ràng. Thời hạn rút quân không tuyệt đối là mốc thời gian 15.10, khi TP.HCM có yêu cầu thì lực lượng tuyến Trung ương vẫn tiếp tục hỗ trợ, quân đội vẫn ở lại tại Bệnh viện dã chiến 5G, Bệnh viện Trung ương Huế vẫn tiếp tục ở lại đến giữa tháng 12.

“Về trang thiết bị, những gì bệnh viện Trung ương mang vào TP.HCM thì mang về, còn những gì hỗ trợ cho thành phố thì bàn giao lại để tiếp tục điều trị cho người dân. Không để thiếu hụt nhân lực và trang thiết bị. Không để công tác bàn giao ảnh hưởng đến điều trị, bàn giao đảm bảo quy định pháp luật”, Thứ trưởng Bộ Y tế căn dặn.

Mặt khác, tùy vào số lượng bệnh nhân Covid-19, các trung tâm có kế hoạch, chỉ tiêu về giường bệnh, nhân lực để thành phố và Bộ Y tế điều phối. Nếu số bệnh nhân giảm thì các bệnh viện phụ trách có kế hoạch rút nhân lực từ từ để thực hiện khám chữa bệnh khác.

“Mặc dù bình thường mới nhưng số ca mắc vẫn còn cao, các cơ sở điều trị dù số lượng giảm nhưng tái cơ cấu bệnh viện dã chiến và tăng cường F0 điều trị tại nhà. Bên cạnh tái cơ cấu hệ thống y tế phù hợp với tình hình mới, còn phải nâng cao chất lượng y tế cơ sở; phát hiện dịch, xử lý và khoanh vùng. Xây dựng đánh giá mức độ dịch ở đơn vị nhỏ nhất có thể, cấp phường xã, tổ dân phố. Xây dựng kế hoạch thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19. Bộ Y tế cần xây dựng đề án tăng cường năng lực cho tuyến cơ sở”, Thứ trưởng Bộ Y tế nêu ý kiến.

Bộ LĐ-TB-XH lập 12 đoàn kiểm tra việc thực hiện hỗ trợ Covid-19

Xác định dịch bệnh Covid-19 là lâu dài

Tại cuộc làm việc, PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết thêm, để đáp ứng tình hình mới, Sở Y tế đang xây dựng bệnh viện dã chiến 3 tầng điều trị F0 có triệu chứng trung bình, nặng và nguy kịch, với 1 ban giám đốc điều hành toàn bộ hoạt động. Như vậy, bệnh nhân Covid-19 sẽ ở 1 chỗ không cần chuyển viện. “Xác định Covid-19 là lâu dài, không thể gọi là bệnh viện sạch Covid-19 nên các bệnh viện khác ngoài bệnh viện 3 tầng phải có khoa Covid-19”, PGS-TS Thượng nói.

Đồng quan điểm, PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho rằng, tất cả các tỉnh vẫn phải chuẩn bị trong tình huống dịch Covid-19 cao nhất, từ cơ sở hạ tầng, ô xy, hồi sức cấp cứu. Không phải là zero Covid-19 mà là chủ động đón bệnh nhân; khoanh vùng, cách ly. Mô hình bệnh viện 3 tầng là phù hợp với tình hình thực tế.

Liên quan F0 điều trị tại nhà, theo PGS-TS Lương Ngọc Khuê, khi bệnh nhân tăng thì giải pháp pháp điều trị F0 tại nhà có trạm y tế lưu động phụ trách, cung ô xy, thuốc, túi an sinh… giúp giảm tải cho các tầng điều trị. F0 điều trị tại nhà là chiến lược để các tỉnh học.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cũng đồng ý mô hình bệnh viện 3 tầng theo đề xuất của TP.HCM. Theo thứ trưởng, dịch Covid-19 để lại nhiều bài học kinh nghiệm không chỉ cho ngành y tế mà còn trong quản lý, hậu cần. Hiện tại vẫn phải tiếp tục phát huy kinh nghiệm đã đạt được, nhưng không được lơ là, chủ quan trong tình hình mới theo Nghị quyết 128 của Chính phủ và quyết định 4800 của Bộ Y tế.

“Tất cả đơn vị sẵn sàng bố trí địa điểm thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19, không thể zero Covid-19 vì vẫn còn bệnh nhân có triệu chứng đi khám bệnh”, Thứ trưởng Bộ Y tế nói.

Bao giờ mới xác định thời gian tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho học sinh?

Chuẩn bị kế hoạch để có vắc xin sẽ tiêm ngay cho học sinh

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, đây là thời điểm TP.HCM tập trung vắc xin, hiện đạt 99% mũi 1 và trên 75% mũi 2. TP.HCM cố gắng tiêm phủ hết và chuẩn bị tiêm vắc xin cho trẻ em. Lưu ý ưu tiên tiêm cho trẻ từ 16 đến dưới 18 tuổi trước.

“Bộ Y tế ưu tiên vắc xin cho các tỉnh để bố trí học sinh trở lại trường, do đó các tỉnh cần có kế hoạch để khi có vắc xin thì tiêm liền. Vắc xin có từ nguồn ngoại giao, cơ chế Covax, sự hỗ trợ của các nước. Nhưng có một số nguồn vắc xin hạn sử dụng rất ngắn, nên nếu vắc xin về chỉ tập trung tiêm ở 1 địa phương”, ông Nguyễn Trường Sơn cho biết.

Tại buổi làm việc, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho rằng, để TP.HCM có ngày hôm nay là nhờ có sự hỗ trợ rất lớn từ Trung ương, Bộ Y tế và lực lượng y tế từ khắp các tỉnh thành. Điều đáng mừng là các lực lượng có sự phối hợp hết sức nhịp nhàng, trong thời gian ngắn nhất đã lập nên những trung tâm hồi sức trình độ cao, hiệu quả. Nếu không có các trung tâm này, tình hình dịch Covid-19 khó khăn hơn nhiều. Điều đó khẳng định trình độ y bác sĩ của thành phố và Trung ương rất tốt. Dù là bệnh viện dã chiến nhưng chất lượng dịch vụ cung cấp cho bệnh nhân được đánh giá cao. Lãnh đạo và người dân TP.HCM trân trọng cảm ơn sự đồng hành, chia sẻ, hy sinh của toàn bộ lực lượng y tế. TP.HCM ấm lòng khi có sự khó khăn thì cả nước vì thành phố, trước đó là TP.HCM vì cả nước.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.