Huyền thoại từ thung lũng hoang vắng

Vũ Thơ
Vũ Thơ
02/11/2021 10:20 GMT+7

Đến đỉnh đèo Ô Quý Hồ (TX.Sa Pa, Lào Cai), hỏi Thào A Dê thì ai cũng biết, bởi anh như một “huyền thoại” ở vùng núi rừng Tây Bắc này, với nghị lực vươn lên và giúp quê hương thay da đổi thịt từng ngày.

Một mình chiến đấu với “số phận”

Thào A Dê chính là cậu bé người Mông bỏ học để về nhà đi rừng trong bộ phim Thung lũng hoang vắng của đạo diễn Phạm Nhuệ Giang. Năm 2001, khi đoàn làm phim đến xã Tả Giàng Phình (nay là xã Ngũ Chỉ Sơn, TX.Sa Pa), nơi ở của Thào A Dê, để làm bối cảnh quay bộ phim này, anh được chọn làm một vai diễn phụ.

“Là đóng phim nhưng cũng là cuộc đời thực của mình đấy, vì nhà có đến 13 anh em nên bố mẹ không có điều kiện cho mình học chữ, bảo ở nhà đi rừng, làm nương để có cái ăn”, Thào A Dê nhớ lại.

Khi ấy, Tả Giàng Phình nghèo lắm. Đây là một xã biên giới nằm trên dãy Phanxipan, lọt thỏm giữa bốn bề vách núi. Do đường đi bị chia cắt nên dường như đời sống của người dân bị cô lập với thế giới bên ngoài. Ở đây chủ yếu là đồng bào Mông, còn nhiều tập tục lạc hậu, người dân thiếu đói quanh năm.

Nhà Thào A Dê cực kỳ khó khăn do có tới 13 người con, bố mẹ không biết chữ. Từ khi còn là cậu bé 6 tuổi, Thào A Dê đã phải tự lên rừng kiếm sống, có khi đi cả tuần mới trở về nhà. Ước mơ được đến trường quá xa vời đối với cậu bé này, nhưng khi được tiếp xúc với đoàn làm phim, được khích lệ, Thào A Dê khao khát được đi học. Sau nhiều ngày thuyết phục gia đình, Thào A Dê đã được đến trường và bắt đầu cuộc hành trình một mình chiến đấu với “số phận”, để trở thành người đầu tiên ở Tả Giàng Phình thi đỗ đại học.

Thào A Dê tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19 và phát khẩu trang cho trẻ em

“Hành trình đó không ít gian nan, có lúc tưởng như tuyệt vọng, nhất là khi tôi xuống Hà Nội nhập học thì bị móc túi hết sạch tiền. Lúc đó, tôi tuyệt vọng lắm nhưng nghĩ trải qua khó khăn mới được đến trường và là người đầu tiên thi đỗ đại học, nên dù phải đi ăn xin cũng phải cố gắng học. Vậy là tôi vay mượn thầy cô, bạn bè và vừa học vừa đi làm thuê để sinh sống”, Thào A Dê trải lòng.

Tốt nghiệp Trường đại học Sư phạm Hà Nội, Thào A Dê không ở lại thành phố để tìm cơ hội “đổi đời” mà nung nấu ý định về quê nghèo của mình để làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của lớp trẻ nơi đây, giúp bà con có cuộc sống tốt hơn. Anh nộp hồ sơ và trúng tuyển vào Phòng LĐ-TB-XH TX.Sa Pa. Vừa làm tốt chuyên môn vừa tích cực tham gia hoạt động tình nguyện của tuổi trẻ, hướng về bản làng vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, sau hơn một năm công tác, anh được điều chuyển làm Bí thư Ðoàn P.Ô Quý Hồ, trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân TX.Sa Pa. Từ đó, anh có nhiều cơ hội để thực hiện khát vọng đổi mới quê hương.

Hết mình vì cộng đồng

Từ ngày làm Bí thư Đoàn P.Ô Quý Hồ, Thào A Dê đã lập nên nhiều kỳ tích của lòng nhân ái ở nơi bốn mùa mây phủ này. Đó là các dự án thiện nguyện do anh kêu gọi từ cộng đồng để chăm lo cái ăn, cái mặc cho bà con vùng cao.

Xuất phát từ tuổi thơ gian khó của mình và chứng kiến nhiều người dân, trẻ em cơm không đủ no, áo không đủ ấm, Thào A Dê đã kêu gọi ủng hộ áo ấm, sách vở từ mọi miền Tổ quốc tới những bản làng có nhiều hoàn cảnh khó khăn. Anh đã nhờ các bạn bè, thầy cô và đồng hương đang học tập, sinh sống ở Hà Nội đi xin quần áo cũ gửi về Sa Pa và xây dựng tủ quần áo miễn phí trên địa bàn P.Ô Quý Hồ.

“Mùa đông vùng cao rất lạnh, chỉ cần một chiếc áo khoác bông cũ hay chiếc khăn len nhỏ cũng khiến người dân nơi đây cảm thấy ấm lòng”, Thào A Dê chia sẻ. Rồi anh đi xin cả thuốc chữa bệnh về phát cho bà con, ai cho gì anh cũng nhận, thậm chí cả những thứ không còn sử dụng được. Anh bảo, mình nhận như vậy để mọi người thấy sự trân trọng với món quà họ tặng và sẽ tặng những thứ có giá trị hơn.

Tủ quần áo miễn phí do Thào A Dê trang bị cho bà con vùng cao

NVCC

Từ ngày có tủ quần áo miễn phí, bà con đến nhận rất đông, nhất là vào mùa đông, có khi tới 60 - 70 lượt người đến lấy mỗi ngày. Không chỉ người dân trên địa bàn mà ở các xã khó khăn khác ở Sa Pa cũng đến nhận. Bà Vàng Thị Tằng, ở xã Ngũ Chỉ Sơn, vui mừng cho biết: “Giá như tủ quần áo có sớm hơn, bao nhiêu năm lạnh ơi là là lạnh!”. Để tủ quần áo lúc nào cũng sẵn sàng phục vụ người khó khăn, nhiều lần Thào A Dê đã thức thâu đêm trong gió rét bốc xếp hàng tấn quần áo được chuyển về.

Từ sự tận tâm của Thào A Dê mà giờ bà con ở vùng cao Sa Pa không sợ lạnh mỗi mùa đông về. Không chỉ có tủ quần áo miễn phí, anh vận động nguồn lực từ xã hội trao tặng hàng trăm phần quà cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, học sinh nghèo ở Sa Pa; trao học bổng cho những học sinh có nghị lực vươn lên; nhận hỗ trợ và nuôi hàng tháng những em nhỏ mồ côi… Có lẽ vì thế mà anh đã trở thành ân nhân của người dân, nhất là các em nhỏ trên vùng cao này. Hễ anh đến đâu là trẻ em liền nhận ra ngay và reo lên: “A, anh Dê đến rồi!”.

Đặc biệt, đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát, Thào A Dê đã nỗ lực cùng đoàn viên thanh niên phòng chống dịch và đã giữ bình yên cho quê hương.

Giúp thanh niên đổi đời

Từ khát khao xây dựng bản làng ngày một phát triển, Thào A Dê đã tiên phong trong việc làm kinh tế và hỗ trợ thanh niên lập nghiệp trên quê hương. Anh đã đến các hộ nghèo vận động họ cho con cái đi học và phát triển kinh tế. “Muốn vận động người dân, trước hết bản thân mình phải đi đầu để người dân nhìn thấy người thật, việc thật”, anh chia sẻ. Vì vậy, anh về bản làng nghèo khó Tả Giàng Phình trước đây, bắt tay vào xây dựng mô hình homestay phục vụ du lịch cộng đồng, và trở thành một trong những mô hình đầu tiên ở đây.

Hiện tại, mô hình De Chu homestay của Thào A Dê là không gian vui chơi ngoài trời và hỗ trợ các đoàn từ thiện, phục vụ khách có nhu cầu leo núi Ngũ Chỉ Sơn. Năm 2020, mô hình này đã đoạt giải khuyến khích trong cuộc thi Sáng tạo khởi nghiệp của tỉnh Lào Cai. Sau đó, anh phát triển mô hình nuôi cá nước lạnh để tăng thu nhập và đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, mỗi năm có lãi khoảng 200 triệu đồng.

Từ mô hình khởi nghiệp của Thào A Dê, đến nay đã có hàng chục hộ gia đình học tập. Anh cũng cùng các thanh niên ở quê mình xây dựng chuỗi liên kết nuôi cá hồi, cá tầm để cung cấp cho thị trường. Nhờ đó, nhiều thanh niên đã đổi đời. Anh Sùng A Già (26 tuổi) trước ở căn nhà xiêu vẹo, cuộc sống khó khăn, sau 2 năm theo A Dê làm kinh tế, giờ đã xây nhà, có xe máy, có bể cá riêng trị giá hơn 100 triệu đồng.

Đặc biệt, thấy mô hình làm kinh tế hiệu quả, nhiều thanh niên trước đây phải sang bên kia biên giới làm thuê, giờ đã ở nhà yên tâm lập nghiệp trên quê hương. Chia sẻ về mong muốn của mình, Thào A Dê nói: “Với tư cách là người con của quê hương, tôi muốn mình sẽ cố gắng nhiều hơn nữa, để có thể phần nào hỗ trợ người dân, đoàn kết tập hợp thanh niên, cùng nhau thoát nghèo và làm giàu trên quê hương”.

Tấm gương sáng cho thanh niên

Nhận xét về anh Thào A Dê, chị Sùng Thị Me, Bí thư Thị đoàn Sa Pa, chia sẻ: “Thào A Dê là tấm gương sáng cho thanh niên các dân tộc ở vùng cao. Từ hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, anh đã vươn lên và có những đóng góp sáng tạo để hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào. Anh đã sống hết mình vì cộng đồng và luôn nỗ lực cố gắng để cuộc sống tốt đẹp hơn”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.