Số thu khoảng 5.000 tỉ đồng
Theo công bố của Bộ Tài chính, từ năm 2018 đến nay, các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài đã nộp thuế thông qua các đơn vị tại Việt Nam với tổng số tiền gần 5.000 tỉ đồng. Trong đó, các nền tảng lớn trên internet như Facebook (thuộc Tập đoàn Meta), Google (thuộc Tập đoàn Alphabet) nộp thuế khoảng 1.600 tỉ đồng.
Đại diện Cục Thuế TP.HCM cho biết trong thời gian qua đã yêu cầu các ngân hàng thương mại có trách nhiệm khấu trừ thuế phải nộp của các tổ chức nước ngoài là trang mạng xã hội có phát sinh thu nhập tại Việt Nam do cung cấp dịch vụ xuyên biên giới như Google, Apple, Netflix, Agoda, Booking.com… trước khi chuyển tiền ra nước ngoài.
Cần siết chặt việc thu thuế đối với các nền tảng, dịch vụ của nhà cung cấp nước ngoài đang kinh doanh tại VN |
đào ngọc thạch |
Chẳng hạn, trong năm 2020 và 3 tháng đầu năm 2021, 4 ngân hàng thương mại đã cung cấp cho cơ quan thuế danh sách 4.784 tổ chức, cá nhân có thu nhập phát sinh từ Google, Facebook, YouTube, Netflix, Apple… với tổng số tiền nhận từ nước ngoài là 48 triệu USD (khoảng 1.100 tỉ đồng) và 20 tỉ đồng.
Cục Thuế TP.HCM đã làm việc với các công ty đối tác tại Việt Nam của Google (thường gọi là MCN - Multi Channel Network, hệ thống mạng lưới đa kênh) làm nhiệm vụ quản lý các kênh YouTube (thuộc Google) và có chi hộ tiền cho các YouTuber tại Việt Nam. Kết quả, các đơn vị MCN đã khấu trừ tiền thuế đối với 3.101 cá nhân có tổng doanh thu 379 tỉ đồng với số thuế đã khấu trừ 20 tỉ đồng. Ngay từ đầu năm 2022, Cục Thuế TP.HCM cũng đã lên kế hoạch chống thất thu thuế về thương mại điện tử, trong đó triển khai đối với các nhà cung cấp xuyên biên giới.
Mới đây, Tổng cục Thuế đã ra mắt cổng thông tin điện tử để các doanh nghiệp (DN) nước ngoài thực hiện kê khai, nộp thuế mà không cần có sự xuất hiện tại Việt Nam. Tổng cục Thuế có trách nhiệm cập nhật danh sách các công ty trực tiếp hoặc ủy quyền đăng ký thuế, kê khai thuế; phối hợp với cơ quan có liên quan xác định, công bố tên, địa chỉ website của đơn vị chưa thực hiện đăng ký, kê khai, nộp thuế mà người mua hàng hóa, dịch vụ có thực hiện giao dịch phát sinh tại Việt Nam.
Song song đó, cơ quan thuế Việt Nam phối hợp với cơ quan thuế ở nước ngoài để trao đổi, đôn đốc các DN kê khai, nộp thuế; truy thu thuế nếu chứng minh được tổ chức nào kê khai, nộp thuế không đúng thực tế; phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền để thực hiện và các biện pháp xử lý theo quy định…
Nhiều nền tảng, dịch vụ trực tuyến của các nhà cung cấp nước ngoài đang có doanh thu lớn tại thị trường Việt Nam |
Hạ Huy |
Số thu còn quá khiêm tốn
Tiền thuế thu được trong thời gian qua từ các tập đoàn nước ngoài như trên xem ra vẫn còn khá khiêm tốn so với thực tế tốc độ phát triển của các nền tảng xã hội, ứng dụng, quảng cáo trên mạng tại Việt Nam.
Chẳng hạn, dịch vụ xem truyền hình trả tiền của Netflix đang đứng thứ 2 trong top 5 dịch vụ truyền hình trực tuyến phổ biến, chỉ sau FPT Play với trên 300.000 thuê bao. Tương tự, theo số liệu thống kê của công cụ đo lường các chỉ số mạng xã hội NapoleonCat, tính đến tháng 6.2021, tổng số người dùng Facebook tại Việt Nam là gần 76 triệu người, chiếm hơn 70% dân số toàn quốc, tăng 31 triệu người dùng so với năm 2019, dẫn đầu danh sách các mạng xã hội phổ biến tại Việt Nam. Trong giai đoạn dịch Covid-19, các hoạt động bán hàng trên nền tảng Facebook trở nên phổ biến hơn. Báo cáo của nhiều tổ chức thế giới đều cho thấy Việt Nam hiện được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển thương mại điện tử cao nhất trong khu vực ASEAN, trở thành một thị trường quan trọng đối với Facebook.
Theo quy định, số thuế mà các nhà cung cấp nước ngoài phải nộp gồm thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập DN theo tỷ lệ phần trăm trên doanh thu và từ mức 1 - 15% tùy theo danh mục hàng hóa, dịch vụ. Trường hợp nhà cung cấp nước ngoài thuộc nước hoặc vùng lãnh thổ đã ký kết Hiệp định thuế với Việt Nam thì được thực hiện thủ tục miễn thuế, giảm thuế theo hiệp định tránh đánh thuế hai lần theo quy định. Sau khi nhận thông báo thuế từ Tổng cục Thuế, nhà cung cấp nước ngoài nộp thuế bằng đồng ngoại tệ tự do chuyển đổi vào tài khoản thu ngân sách nhà nước, trong đó đảm bảo ghi đúng mã định danh khoản phải nộp. Người nộp thuế khai thuế bằng ngoại tệ nào thì nộp thuế bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi đó.
Theo Báo cáo Vietnam Digital Marketing Trends 2021, ước tính trung bình quy mô thị trường quảng cáo trực tuyến Việt Nam năm 2020 - 2025 tiếp tục giữ mức tăng trưởng mạnh là 21,5%. Năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tốc độ tăng trưởng có chững lại, nhưng tổng doanh thu quảng cáo trực tuyến đạt mức 820 triệu USD. Dự báo năm 2021 sẽ đạt hơn 955 triệu USD và nhanh chóng vượt hơn 1 tỉ USD/năm. Trong đó, vẫn có hơn 70% doanh thu khổng lồ này rơi vào túi Google, Facebook...
Luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, nhận xét việc thu thuế các DN nước ngoài xuyên biên giới những năm gần đây đã tăng hơn, nhưng số thu thuế tính bình quân hơn 1.000 tỉ đồng/năm có thể còn khá khiêm tốn. Việc kê khai, nộp thuế từ các tổ chức nước ngoài đòi hỏi mang tính tự giác cao, nhưng trong trường hợp họ không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ thì phải có biện pháp hạn chế các hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Như vậy, ý thức tuân thủ pháp luật về thuế mới tăng lên. Thời gian vừa qua, các biện pháp chủ yếu thông qua hệ thống ngân hàng để thu thập dữ liệu giao dịch xuyên biên giới.
Cổng thông tin điện tử mới triển khai gần đây chỉ là biện pháp giải quyết khâu hành chính đối với những DN không mở văn phòng tại Việt Nam. Trong trường hợp DN đã có ý thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế thì thời gian qua đã có thể thông qua các đại lý hay ủy quyền cho đơn vị trong nước thực hiện kê khai, nộp thay. Việt Nam ký hơn 80 hiệp định tránh đánh thuế 2 lần với các nước, nên cơ quan thuế các nước sẽ hỗ trợ Việt Nam trong việc xác minh doanh thu. Tuy nhiên, trong trường hợp DN lựa chọn đóng thuế ở nước sở tại thì Việt Nam cũng khó thu được.
Chỉ thực hiện từng bước
Theo luật sư Joseph Pham (Công ty luật Rajah & Tann LCT), việc triển khai cổng thông tin thuế điện tử của Tổng cục Thuế là một bước tiến tích cực, tạo điều kiện tốt nhất cho việc đăng ký, kê khai và nộp các nghĩa vụ thuế của các nhà cung cấp nước ngoài có hoạt động tại Việt Nam. Thế nhưng, đối với giao dịch B2B (tổ chức đăng ký hoạt động theo pháp luật Việt Nam) các tổ chức mua hàng tại VN sẽ tiếp tục thực hiện nghĩa vụ kê khai, khấu trừ, nộp thuế thay cho đơn vị nước ngoài theo các quy định hiện hành về thuế nhà thầu. Đối với giao dịch của người tiêu dùng cá nhân (B2C), các ngân hàng thương mại và tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán tại VN có trách nhiệm khấu trừ và nộp số thuế thay cho các nhà cung cấp nước ngoài.
Theo luật sư Josheph Pham, trên thực tế, vẫn còn một số trở ngại cần được giải quyết trong việc thu thuế từ các đơn vị nước ngoài đối với giao dịch B2C này. Cơ quan thuế sẽ làm thế nào để buộc DN ngoại phải thực hiện chính sách pháp luật thuế, ngoại trừ việc trao quyền khấu trừ và nộp thuế cho các bên thứ ba như ngân hàng?
Còn đối với trường hợp các giao dịch mà không thông qua hệ thống thanh toán tại Việt Nam thì cơ quan thuế sẽ thực hiện thu thuế như thế nào? Trong khi thực tiễn cũng cần được xem xét như chi phí để giám sát và ghi nhận một lượng lớn thông tin từ vị trí khách hàng, ngân hàng trực tuyến, địa chỉ ghi hóa đơn... Trong bối cảnh này, cơ quan thuế có thể cân nhắc đánh thuế trên một mức khoán nhất định dựa trên số giao dịch hoặc khối lượng giao dịch vừa có thể giảm thiểu chi phí hành chính cho cả cơ quan thuế lẫn DN, người tiêu dùng vừa đảm bảo tính tuân thủ quy định thuế này.
TS Nguyễn Văn Thuận, Trường ĐH Tài chính - Marketing, cũng cho rằng ngành thuế đã có nỗ lực đưa ra những giải pháp gần đây để tăng số thu thuế đối với những “ông lớn” hoạt động trên không gian mạng như Facebook, Google, Agoda… Việc đưa ra cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài nói riêng hay đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan trong việc kê khai, đăng ký, nộp thuế có mục tiêu là khuyến khích DN tự kê khai đóng thuế. Đây là cơ sở bước đầu để cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra, giám sát và cũng có dữ liệu tập trung để phân tích sâu hơn.
Bên cạnh thuế thu nhập DN, theo TS Nguyễn Văn Thuận, quan trọng nhất là số thuế giá trị gia tăng mà các công ty trong nước đã đóng cho các tập đoàn nước ngoài thì theo quy định các đơn vị đó phải nộp lại cho nhà nước Việt Nam. Nhưng hiện nay chúng ta hoàn toàn không thể nào có số liệu chính xác về doanh thu của các tập đoàn nước ngoài tại Việt Nam, nhất là những giao dịch từ cá nhân khi chạy quảng cáo, truyền thông hay đăng ký dịch vụ của các ứng dụng đó ngày càng tăng nên cũng rất khó để cho rằng số liệu tự kê khai của DN nước ngoài là chưa đúng. Song song đó, việc giám sát, kiểm tra và thúc đẩy các đơn vị trong nước là đại lý hay các DN lớn có hợp đồng dịch vụ với các đối tác nước ngoài nói trên vẫn cần được tiến hành thường xuyên, chặt chẽ hơn…
Bình luận (0)