Travel blogger có phải đi du lịch là kiếm được tiền?

02/08/2022 17:54 GMT+7

Vừa đi du lịch , vừa kiếm được tiền là suy đoán của nhiều người về nghề travel blogger. Vậy công việc này có đơn giản như lời đồn?

Travel blogger là những người mê du lịch, chụp ảnh… và chia sẻ trải nghiệm lên các kênh truyền thông khác nhau bằng đoạn phim, hình ảnh, câu chữ… để cộng đồng có cái nhìn đa chiều hay thúc đẩy quảng bá du lịch địa phương. Theo một số travel blogger, những “chuyến du lịch kiếm được tiền” thì hạn chế, còn “bỏ tiền túi” thì nhiều.

Travel blogger check in tại một vườn vải tỉnh Bắc Giang

YẾN LEE

Đa nhiệm từ viết, quay phim, chụp ảnh…

Nguyễn Thị Yến (23 tuổi, quê Bắc Giang) được nhiều người biết đến với cái tên Yến Vi Vu. Hiện tại, cô đang làm sáng tạo nội dung bên cạnh công việc travel blogger. Theo Yến, travel blogger sẽ được đơn vị du lịch “đặt hàng” để trải nghiệm, chụp ảnh, quay phim và làm nội dung về địa điểm nào đó, thường sẽ là các homestay, khách sạn, nhà hàng cụ thể chứ không phải điểm đến du lịch.

Với người có lượng theo dõi lớn, những chuyến đi sẽ được tài trợ toàn bộ chi phí và có thêm khoản thu nhập từ các đơn vị đó. Gần 15.000 người theo dõi trên Facebook (chưa tính tài khoản mạng xã hội khác), Yến thỉnh thoảng sẽ nhận được lời mời hợp tác như trên.

Yến (thứ 2, bên trái sang) chụp ảnh cùng em nhỏ vùng cao

YẾN LEE

Tuy nhiên, hầu hết những chuyến đi, 9x tự bỏ tiền túi. Một số lời mời hợp tác từ đơn vị du lịch sẽ chỉ hỗ trợ ăn uống, thuê phòng mà không có thu nhập thêm.

“Để có được một sản phẩm đăng tải, chúng tôi sẽ phải nghiên cứu những thứ đẹp, lạ ở điểm du lịch để khai thác, lên ý tưởng nội dung và thực hiện sản phẩm. Sau đó, đăng tải và tìm cách quảng bá để càng nhiều lượt tương tác càng tốt”, Yến kể.

Nguồn thu của travel blogger đến từ đơn vị mời hợp tác, tiếp theo là đến từ tiếp thị liên kết. Mỗi bài đăng sẽ kèm theo đường link (đường dẫn trên website) sản phẩm. Với mỗi lượt mua thành công trên link thì họ sẽ được chia hoa hồng theo thỏa thuận.

“Nhưng tôi rất hạn chế đăng dạng này vì sợ mọi người nghĩ mình chỉ quảng cáo. Điều này dễ đánh mất thương hiệu và giá trị bản thân theo đuổi ban đầu là chia sẻ thông tin hữu ích cho cộng đồng. Ngoài ra, với những hình ảnh, thước phim chất lượng, tôi có thể bán chúng trên các chợ trực tuyến”, Yến chia sẻ.

Để tiếp cận được càng nhiều công chúng, travel blogger sẽ không chỉ đăng bài lên kênh cá nhân (Facebook, TikTok, Instagram) mà còn đăng trong các hội nhóm du lịch. “Tuy nhiên, nhóm này thường phải mất phí để đăng quảng cáo. Đặt ra bài toán cho travel blogger là phải viết khéo để không giống một bài quảng cáo. Nghĩa là ngoài việc quay chụp ở homestay, khách sạn thì sẽ phải chụp các địa điểm xung quanh để làm nội dung bổ trợ”, Yến chia sẻ.

Đi bằng tiền túi sẽ được tự do sáng tạo

Ngọc Công có niềm đam mê với những vùng đất mới lạ

NVCC

Bùi Ngọc Công (24 tuổi, quê Quảng Nam) được bạn trẻ biết đến với tên Rọt. Hơn 16.000 người theo dõi trên Facebook và gần 51.000 người theo dõi trên TikTok… Ngọc Công chọn khai thác góc chụp mới lạ, khoảnh khắc đáng nhớ, trau chuốt từng hình ảnh để gây ấn tượng cho người xem.

Mong muốn được “mắt thấy tai nghe” về những vùng đất khác nhau, đến khi bước vào giảng đường đại học, Công bắt đầu với những chuyến đi ngắn và cứ thế, những chuyến đi nối tiếp nhau.

Ngọc Công - chàng Rọt được giới trẻ yêu mến

“Tôi chưa bao giờ có ý định trở thành travel blogger. Nhưng sau chuyến đi, những bài viết chia sẻ lên mạng xã hội được mọi người đón nhận. Dần dà, như một cái duyên, tôi trở thành travel blogger”, Công chia sẻ.

Đôi lúc, “chàng Rọt” nhận quảng cáo từ nhãn hàng. Vì thế, những chuyến đi sẽ mang tính chất công việc. Còn lại là đi bằng tiền túi và được tự do sáng tạo, trải nghiệm theo đúng sở thích của anh. Để có ảnh đẹp, anh thường chọn sẵn góc và nhờ bạn đồng hành bấm máy. Mọi ý tưởng quay chụp đều do bản thân tự sáng tạo và thực hiện chứ không có đội nhóm hỗ trợ như nhiều người lầm tưởng.

“Thu nhập của travel blogger sẽ đến từ nhiều công việc, nếu có nhiều việc trong tháng thì thu nhập sẽ cao. Hiện tại, tôi làm các việc về truyền thông, trải nghiệm và đánh giá sản phẩm du lịch, chụp ảnh… Tùy tính chất của từng dự án mà có mức thu nhập khác nhau”, Công chia sẻ.

Không ngại chê những trải nghiệm không tốt và dành lời khen cho trải nghiệm hay ho là cách anh làm việc. Hiện tại, Công thường khám phá những vùng đất ít người biết để thúc đẩy quảng cáo đến nhiều người.

“Travel blogger phải có thương hiệu cá nhân thì mới nhận được hợp đồng quảng cáo. Cố gắng tạo hướng đi và phong cách riêng sẽ sớm được mọi người chú ý. Luôn trau chuốt, đầu tư vào các sản phẩm khi đăng tải, không chỉ hình ảnh mà nội dung câu chuyện cũng phải hấp dẫn mới khiến người khác yêu thích mình”, chàng Rọt nói thêm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.