Bộ phim “cuối cùng” của đạo diễn Đặng Nhật Minh

Ngọc An
Ngọc An
09/11/2022 06:45 GMT+7

Hoa nhài, được NSND - đạo diễn Đặng Nhật Minh (ảnh)chuyển thể kịch bản từ truyện ngắn cùng tên của ông, là bộ phim được ông hoàn thành ở tuổi 84, được chọn chiếu mở màn cho Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội lần thứ 6.

Hoa nhài khai thác những câu chuyện gì của Hà Nội, thưa ông?

NSND - đạo diễn Đặng Nhật Minh: Đó là những câu chuyện xuất phát từ những trải nghiệm của tôi trong cuộc sống ở Hà Nội, nơi tôi gắn bó gần 60 năm; là những câu chuyện ở xung quanh tôi thôi, ở ngay phố Lò Đúc nơi tôi sống, ngồi quán nước là thấy, chẳng đâu xa cả. Những trải nghiệm đó khiến tôi rung động, chín muồi, rồi bật ra trên trang giấy, rồi trên hình ảnh.

Hình ảnh trong phim Hoa nhài

ĐPCC

Cơ duyên nào đưa đẩy ông quyết định làm phim trở lại?

Hãng phim Khánh An là hãng phim nhỏ ở Huế - quê hương tôi, được thành lập năm 2015, mới làm một bộ phim tài liệu. Thấy lâu tôi không làm phim, họ hùn tiền vào cho tôi làm.

Tôi chọn truyện Hoa nhài đưa lên phim vì đơn giản, phim không có chiến tranh, bom rơi, đạn nổ, tốn kém. Phim có bối cảnh nhỏ, nhân vật ít, phù hợp với phim có kinh phí nhỏ.

Ông có thể tiết lộ kinh phí nhỏ là bao nhiêu?

Tôi không biết chính xác vì tôi là đạo diễn, không quản về kinh phí. Nhưng tiền làm phim ít lắm, phải huy động thêm người này người kia hỗ trợ. Phim này không nằm trong ngạch phim tư nhân và phim nhà nước mà huy động vốn tự có, trong đó có cả phần của tôi. Vợ chồng con gái tôi cũng đóng góp. Rồi bạn bè trong nước, ngoài nước cũng giúp tôi.

Mọi người chỉ muốn một điều, không phải qua phim này kiếm lãi kiếm lời gì, mà để cho tôi vui. Họ thấy thương tôi, thấy tôi không làm phim, họ tạo điều kiện cho tôi làm, tôi vui lúc tuổi già. Tôi rất biết ơn.

Bộ phim Hoa nhài đã công chiếu mở màn cho Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội vào chiều 8.11 tại Trung tâm Chiếu phim quốc gia Hà Nội.

Phim được dẫn dắt nhẹ nhàng như hương hoa nhài, loài hoa xuất hiện xuyên suốt qua những câu thơ, hình ảnh trong bộ phim cho thấy “không khí” Hà Nội.

Hoa nhài gồm những mảng lắp ghép. Đó là mảnh đời của một chú bé đánh giày, một ông thợ cắt tóc vỉa hè, một ông giáo già dạy hát cho dàn đồng ca học sinh khiếm thị, một chị nông dân lên Hà Nội làm nghề chăm sóc người bệnh…

Những mảnh đời ấy kết thành bức tranh đa màu sắc về cuộc sống của người Hà Nội thuộc tầng lớp bình dân những năm 2000. Ở đó, lòng nhân ái, sự quan tâm, sẻ chia mới là chất keo gắn kết cuộc sống trở nên đẹp đẽ hơn…

Ông nói đây là lần đầu tiên ông trải nghiệm làm phim không bằng kinh phí nhà nước?

Tôi thấy tự do. Những người giúp tôi làm chả ra điều kiện như phim phải hấp dẫn, phải kiếm nhiều tiền, phải kiếm lãi. Cái sướng là không bị áp lực.

Nói vậy thì ông chịu nhiều áp lực khi làm phim “nhà nước”?

NGUYỄN ĐÌNH TOÁN

Nhà nước không đưa tiền cho đạo diễn mà đưa cho nhà sản xuất, chính là hãng phim. Có những trở ngại, như có nhiều cái mình muốn chi thì họ nói quy định chỉ có thế thôi. Mình chả biết nhà nước là ai nhưng anh cầm tiền nói vậy thì chịu thôi. Làm phim tự huy động vốn thì không có câu như thế. Mình biết tiền mình có bao nhiêu thì tổ chức cảnh quay trong phạm vi mình có. Lần này mình mới có trải nghiệm đó. Còn lần trước mình là anh đạo diễn làm thuê, làm công.

Ông có nghĩ sự “chủ động” này hơi muộn?

Dĩ nhiên, nếu làm cách đây 10 năm thì tốt hơn. Phim này tôi làm hết 3 năm 5 tháng 21 ngày. Khi phim bấm máy tôi 81 tuổi, lúc đó sức khỏe tôi còn. Với kỹ thuật điện ảnh bây giờ cải tiến nhiều, người đạo diễn không cần nhiều sức lực cơ bắp như xưa, chạy từ đầu này đến đầu kia chỉ đạo, giờ có monitor, mình chỉ cần ngồi một chỗ, làm chưa được thì sửa, có đội ngũ phó đạo diễn và trợ lý giúp cho mình nữa. Quan trọng là cái đầu tỉnh táo. Đầu tôi vẫn hoạt động được không đến nỗi.

Với tôi, không điều gì mang lại cho tôi nhiều niềm vui như là làm phim, không có gì hạnh phúc bằng được sống cùng đội ngũ anh em, cộng sự trong một đoàn làm phim. Đó là giây phút hạnh phúc nhất của tôi.

NSND - đạo diễn Đặng Nhật Minh

Công nghệ làm phim cơ bản thì thời trước hay thời nay cũng thế thôi, không công nghệ nào thay đạo diễn dàn cảnh cả, chỉ có công nghệ giúp đạo diễn đỡ vất vả hơn, kiểm soát hình ảnh tốt hơn. Tôi không bỡ ngỡ gì cả. Hậu kỳ trước kia in tráng phim nhựa theo quy trình khác, còn bây giờ kỹ thuật số thì kiểu khác thôi.

Bắt kịp với việc trở lại làm phim, nhưng vì sao ông lại nghĩ Hoa nhài là bộ phim cuối cùng?

Tôi không ảo tưởng. Sức khỏe của tôi không tốt nữa. Tôi đi chậm và yếu rồi. Tôi nghĩ là phải biết lượng sức mình. Lúc 81 tuổi làm được là mừng, không tham. Với tôi, không điều gì mang lại cho tôi nhiều niềm vui như là làm phim, không có gì hạnh phúc bằng được sống cùng đội ngũ anh em, cộng sự trong một đoàn làm phim. Đó là giây phút hạnh phúc nhất của tôi.

Đến tuổi này rồi tôi không có tham vọng gì. Đến liên hoan phim họ chọn phim tôi, tôi cũng bất ngờ. Tôi bấm máy phim cách đây 3 năm, không đoán được thời điểm này. Tôi làm phim chỉ để thỏa mãn đam mê của mình, không có tham vọng đi liên hoan này kia, giành giải này kia. Làm sao tốt nhất cho bộ phim này thôi.

Con tôi bảo bỏ tiền cho bố, bố vui là lãi rồi, bố vui là con vui. Áp lực làm phim này chỉ là áp lực chính mình, tài hèn sức mọn, làm chỉ đến thế vì làm lúc hơn 80 tuổi là hết sức rồi!

Xin cảm ơn ông!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.