Phẫn nộ với TikToker xúc phạm cụ bà vô gia cư

26/11/2022 16:59 GMT+7

“Hé lô bà già nghèo khổ giữa trời đông cô đơn”, “Bớt nghèo lại đi nha. Không ai giúp hoài đâu”, “Trời ơi phở rẻ vậy mà bà còn không có tiền mua ăn nữa hả”, “Nghèo mà còn chê đồ ăn nữa”… là những câu nói xúc phạm cụ bà vô gia cư của một Tiktoker đã gây nhiều phẫn nộ.

Đoạn video thuộc chuỗi series “Một ngày tử tế của Nô” của TikToker Phạm Đức Tuấn hay còn gọi là “Nờ Ô NÔ”. Theo đó, Phạm Đức Tuấn đã trao tặng một suất phở có giá 55.000 đồng cho cụ bà tại bến xe. Tuy nhiên, điều khiến dư luận gây phẫn nộ chính bởi những phát ngôn cợt nhả, xúc phạm của TikToker này. Trong video, Phạm Đức Tuấn đã dùng nhiều câu như: “Hé lô bà già nghèo khổ giữa trời đông cô đơn”, “Bớt nghèo lại đi nha. Không ai giúp hoài đâu”, “Trời ơi phở rẻ vậy mà bà còn không có tiền mua ăn nữa hả”, “Nghèo mà còn chê đồ ăn nữa”, “Số khổ thì nó khổ vậy đó”…

Video từ thiện nhưng gây phẫn nộ của TikToker Phạm Đức Tuấn

CHỤP MÀN HÌNH

Sau một ngày đăng tải, video đã nhận được 3,6 triệu lượt xem cùng với nhiều chỉ trích. Tuy nhiên, Đức Tuấn vẫn chưa lên tiếng giải thích hay xin lỗi về hành động của mình.

TikToker Nờ Ô Nô bị "ném đá" sau video mua phở cho cụ bà

Hành động vô cùng khiếm nhã, không thể chấp nhận

Nguyễn Ngọc Kim Ngân, sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng, bức xúc cho biết: “Bạn TikToker này vốn xây dựng hình ảnh bản thân theo hướng phát ngôn gây sốc. Dù thế, đây vẫn là hành động đáng lên án và vô cùng khiếm nhã. Không thể vì một bữa ăn mà xúc phạm đến một người lớn tuổi ngày ngày phải chật vật mưu sinh. Mình cảm thấy phản cảm nhất là bạn ấy đã lợi dụng việc thiện nguyện, hoàn cảnh khó khăn của cụ bà để gây chú ý và lan truyền danh tiếng của bản thân. Chính những nội dung bẩn có mặt nhan nhản trên TikTok đã tạo nên cái nhìn tiêu cực về nền tảng này và phá đi công sức của những TikToker khác đang đóng góp những nội dung có ích đến người dùng”.

Những lời lẽ xúc phạm cụ bà vô gia cư đã khiến dân mạng vô cùng phẫn nộ

CHỤP MÀN HÌNH

Đồng quan điểm với Kim Ngân, Diệp Bảo Toàn, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, quan ngại cho hay: “TikTok là một môi trường mở, với sự truy cập từ đa dạng lứa tuổi người dùng. Đặc biệt là trẻ em như tờ giấy trắng, chúng chưa thể phân biệt được những hành vi sai trái và dễ dàng bắt chước theo những video trên mạng. Nếu chúng học theo những hành động, câu từ cợt nhả, thái độ thiếu tôn trọng sẽ ảnh hưởng đến tư tưởng, đạo đức của thế hệ sau này. Vậy nên, mình nghĩ TikTok cần phải siết chặt việc kiểm duyệt những nội dung kém văn minh và có biện pháp khóa hoặc xóa vĩnh viễn những tài khoản như thế này để tránh hậu quả về sau”.

Trong một video phản ánh, TikToker Nguyễn Hoàng Phúc cho biết trước đây Phạm Đức Tuấn đã làm nhiều nội dung với phát ngôn bốc đồng trong việc review các quán ăn. Tuy nhiên, đó là theo yêu cầu của những quán ăn để thu hút khách hàng, với mục đích có nhiều lượt tương tác. Còn đây là việc từ thiện. Khi xúc phạm cụ bà như vậy, liệu anh ấy có suy nghĩ đến những câu chuyện, hoàn cảnh, lý do gì mà họ phải xin ăn giữa đêm lạnh như thế. Anh ấy nên tạo ra những video như thế nào để mọi người còn tôn trọng, ngưỡng mộ. Hoàng Phúc thấy có nhiều người đi từ thiện mà không màng danh lợi, cho số tiền thậm chí nhiều hơn nhưng luôn trao tặng với thái độ tôn trọng và lắng nghe những hoàn cảnh khó khăn. Vì vậy, Đức Tuấn nên xem lại hành động của bản thân.

Của cho không bằng cách cho

Nguyễn Vương Trường Thành, người sáng lập nhóm thiện nguyện Đêm Sài Gòn, chia sẻ cảm nhận: “Mình nghĩ của cho không bằng cách cho. Dù chỉ là một phần quà nhỏ nhưng cách cho chân thành và tử tế thì người nhận sẽ cảm nhận được tấm lòng thành, sẽ cảm thấy vui vẻ và ấm lòng hơn. Và ngược lại nếu cho đi mà không khéo, sẽ rất dễ làm cho người nhận bị tổn thương, tự ái, và cảm thấy tủi nhục. Bởi vốn dĩ hoàn cảnh của những người vô gia cư đã khó khăn nên sẽ dẫn đến họ nhạy cảm hơn chúng ta rất nhiều”.

Dân mạng không thể nào chấp nhận được với hành động của TikToker này

CHỤP MÀN HÌNH

Cũng theo Trường Thành để tránh những lời đàm tiếu thì bản thân tổ chức phải minh bạch, công khai rõ ràng. Bên cạnh đó, còn là cách ứng xử khi đi hoạt động thiện nguyện: “Khi đi thiện nguyện các bạn phải cân nhắc trang phục chỉnh chu, thích hợp nhằm thể hiện thái độ tôn trọng với người được nhận. Quan trọng nhất chính là thái độ. Khi cho đi, nhóm chúng mình luôn niềm nở, vui vẻ, vì những người khó khăn, yếu thế cũng đã khổ và tủi thân. Vậy nên, chúng mình luôn san sẻ yêu thương, an ủi và động viên họ”.

Trường Thành tâm sự: “Việc thiện nguyện là một điều thiêng liêng, ý nghĩa. Quan trọng là mục tiêu phải trong sạch. Hoạt động này mang lại niềm vui và hạnh phúc cho người cho và người nhận. Đối với người cho thì trao gửi yêu thương, hơi ấm, san sẻ. Đối với người nhận thì đó là niềm vui khi nhận được một phần quà nhỏ trong lúc khó khăn, nhận được sự an ủi, động viên để họ cố gắng hơn trong cuộc sống”.

Nhiều bạn trẻ cũng có cùng nhận định rằng của cho không bằng cách cho. Chính vì thế, hành động và những lời nói xúc phạm cụ bà vô gia cư của Tiktoker Phạm Đức Tuấn khiến cộng đồng phẫn nộ và dành nhiều lời chỉ trích.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.