Dự báo áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông sẽ mạnh lên thành bão khiến các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế có mưa lớn từ ngày 2 - 6.9; các tỉnh Đắk Nông, Bình Phước, Lâm Đồng có mưa to cục bộ, trong khi nhiều hồ đập ở khu vực này tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.
Hôm qua (1.9), Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai (PCTT), Tổng cục PCTT (Bộ TN-MT) họp ứng phó áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông. Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ TN-MT), sau khi đi vào Biển Đông, áp thấp nhiệt đới còn tiếp tục mạnh lên.
Lúc 19 giờ ngày 1.9, tâm ATNĐ cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 350 km về phía đông đông bắc. Vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới sức gió mạnh nhất ở cấp 6 - 7 (tức từ 40 - 60 km/giờ), giật cấp 9; vùng biển có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 bán kính khoảng 100 km, tính từ tâm áp thấp nhiệt đới. Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng tây tây nam, mỗi giờ đi được 20 km và khả năng mạnh lên thành bão.
Đến 19 giờ ngày 2.9, vị trí tâm bão cách đất liền các tỉnh từ Quảng Trị - Quảng Ngãi khoảng 200 km về phía đông, với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão đạt cấp 8 (tức từ 60 - 75 km/giờ), giật cấp 10.
Nhiều nơi mưa đến 500 mm
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cảnh báo, vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông trong 24 giờ tới với gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 là phía đông kinh tuyến 109,0 độ kinh đông và phía bắc vĩ tuyến 17,0 độ vĩ bắc.
Mưa bão số 4, thiên tai làm 6 người chết, 2 người mất tíchThông tin từ Văn phòng Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT cho biết, thống kê đến 1.9, mưa bão, thiên tai ảnh hưởng từ bão số 4 đã làm 3 người chết (Hà Nội 1 người, Quảng Bình 1 người và Hòa Bình 1 người).
Còn theo thông tin từ các địa phương, giông lốc, mưa lũ xảy ra ở các tỉnh phía bắc gây sét đánh khiến 3 người thiệt mạng (Hòa Bình 1 người, Thái Nguyên 2 người). Tại Lào Cai, mưa lũ trong ngày 30.8 đã cuốn 2 người mất tích, đến chiều 1.9 vẫn chưa tìm thấy các nạn nhân.
|
Ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết áp thấp nhiệt đới đang diễn biến rất phức tạp và hiện có nhiều nhận định khác nhau, phải chờ xem khi bão đổ bộ vào đảo Hải Nam mới có thể đưa ra dự báo ảnh hưởng đến nước ta ra sao.
Nhưng ảnh hưởng từ áp thấp nhiệt đới này sẽ khiến các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế có đợt mưa lớn bắt đầu từ 2.9 đến khoảng 6.9, với tổng lượng mưa dự báo lên tới 300 - 500 mm. Trong đó, các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị có mưa nhiều hơn; khu vực các tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng, Bình Phước sẽ có mưa to cục bộ.
|
Rà soát ngay các hồ, đập
Theo thông tin từ Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT, trong đợt mưa bão số 4 vừa qua, tỉnh Thanh Hóa đã xảy ra 3 sự cố về đê điều và 6 công trình đập, hồ thủy lợi hư hỏng nặng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong các đợt mưa tới. Còn tại Đắk Nông, công trình Hồ Thôn có dung tích 550.000 m3 cũng xuất hiện nhiều vết xói ngầm mang cống, buộc chủ công trình phải mở tối đa để hạ mực nước dưới mực nước dâng bình thường. Theo thống kê, sau bão số 4, các tỉnh bắc Trung bộ và Tây nguyên có 13 hồ thủy điện đang phải xả tràn.
Ông Trần Quang Hoài, Chánh văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT, Tổng cục trưởng Tổng cục PCTT (Bộ NN-PTNT), lo ngại nhiều công trình hồ đập gặp sự cố sau bão số 4 ở các tỉnh Trung bộ, Tây nguyên là mối nguy hiểm tiềm ẩn trong đợt mưa sắp tới. Ông Hoài yêu cầu Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) và Bộ Công thương phối hợp với địa phương đôn đốc khẩn trương sửa chữa, khắc phục công trình gặp sự cố, hư hỏng, sẵn sàng ứng phó với đợt mưa mới, đặc biệt là kiểm soát quy trình vận hành xả lũ, đảm bảo an toàn cho người và tài sản vùng hạ du.
Sáng nay (2.9), Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT tiếp tục tổ chức họp với các bộ, ngành T.Ư để thảo luận về công tác chuẩn bị ứng phó với mưa lớn do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới có xu hướng mạnh lên thành bão trên Biển Đông.
Bình luận (0)