Cựu CEO Google lý giải vì sao Mỹ trừng phạt Huawei

23/06/2020 15:48 GMT+7

Từ nhiều năm qua, Mỹ đã thiếu niềm tin vào Huawei vì cho rằng công ty này lén thu thập dữ liệu người dùng và các tổ chức thông qua cửa hậu ẩn trong các thiết bị cũng như trang bị mạng lưới mà hãng cung cấp.

Đỉnh điểm của việc mất niềm tin là Bộ Thương mại Mỹ đưa Huawei vào Danh sách Thực thể (Entity List) vì lo ngại về an ninh quốc phòng. Danh sách này khiến công ty Trung Quốc không thể tiếp cận được nguồn cung công nghệ, linh kiện từ Mỹ và buộc hãng phải tìm phương án thay thế dịch vụ di động của Google đang sử dụng trên nền tảng Android.
Huawei đang là nhà sản xuất smartphone lớn thứ hai thế giới (có báo cáo mới nhất ghi nhận hãng đã vượt Samsung để chiếm vị trí số một), đồng thời là hãng công nghệ hàng đầu hiện nay chuyên cung cấp trang thiết bị triển khai mạng 5G.
Sau lệnh cấm, Mỹ cũng lên tiếng cảnh báo các đồng minh không sử dụng thiết bị của Huawei để thi công mạng 5G trong nước. Trong động thái mới nhất làm tình hình thêm căng thẳng, Bộ Thương mại Mỹ thay đổi luật xuất khẩu khiến bất kỳ doanh nghiệp nào dùng công nghệ Mỹ muốn xuất khẩu chip xử lý cho Huawei đều phải đạt được giấy phép do Washington cấp. Trong khi chưa có bằng chứng rõ ràng về việc Huawei sử dụng backdoor trong thiết bị để làm gián điệp, cựu CEO Google Eric Schmidt cho hay công ty Trung Quốc này thực sự là một mối nguy về an ninh.

"Công chúa Huawei" có lập luận mới chống bị dẫn độ về Mỹ

Eric Schmidt hiện là Chủ tịch Ban đổi mới Quốc phòng của Lầu Năm Góc trả lời trên BBC Radio: “Không còn gì nghi ngờ việc Huawei có dính líu tới một số hoạt động không thể chấp nhận được đối với an ninh quốc gia. Chúng tôi chắc chắn rằng những thông tin mà công ty này có được từ các bộ định tuyến hãng kinh doanh đã tới tay chính quyền”.
Huawei không ngừng phủ nhận hành vi như cựu CEO Google miêu tả. Trong tuyên bố chính thức, ông Victor Zhang - Giám đốc Huawei Anh, khẳng định công ty không hề thân thiết với chính quyền Bắc Kinh. “Các cáo buộc do Eric Schmidt đưa ra, trong khi giờ ông ta làm cho chính phủ Mỹ, đơn thuần là những điều không đúng thực tế. Cũng như lời nói trước đây cũng vậy, tất cả đều không đưa ra được bằng chứng nào”, ông Zhang nhấn mạnh.
Zhang cho hay Huawei hoạt động độc lập với chính quyền, kể cả chính phủ Trung Quốc. Tuy nhiên theo Phone Arena, luật pháp ở quê hương của Huawei có thể buộc hãng phải thực hiện hành vi tình báo trên đối tượng khách hàng hoặc tổ chức được công ty cung cấp sản phẩm nếu yêu cầu này do Bắc Kinh đưa ra.

Cựu CEO Google tin định kiến là lý do khiến Mỹ không muốn thấy Huawei phát triển

Ảnh: AFP

Trong khi dường như chắc chắn rằng Huawei đã thực hiện hành vi có khả năng đe dọa tới an ninh quốc gia Mỹ, ông Schmidt cũng chỉ ra rằng vấn đề thực sự trong cuộc xung đột giữa Mỹ và công ty như Huawei chính là việc một doanh nghiệp Trung Quốc nổi tiếng toàn cầu đang làm ra những sản phẩm tốt hơn các đối thủ.
“Mỹ có các lựa chọn và điều đó cực kỳ quan trọng. Nhưng chọn cách trừng phạt một công ty vì sự thành công của họ không giúp ích gì cho người tiêu dùng Mỹ. Thay vào đó, câu trả lời cho trường hợp của Huawei là chúng ta phải có sản phẩm và dòng sản phẩm tốt, ít nhất là như của họ”, ông Eric nhận định.
Một phần lý do khiến những người đứng đầu nước Mỹ không muốn thấy Huawei phát triển bởi các định kiến mà chính Schmidt cũng thừa nhận ông có suy nghĩ đó. “Có định kiến rằng Huawei rất giỏi trong việc sao chép mọi thứ, giỏi trong sắp xếp, tổ chức vấn đề và đầu tư rất nhiều nhân lực cho chuyện này. Nhưng họ không dùng người để sáng tạo ra cái gì mới. Họ rất, rất giỏi ăn cắp. Định kiến này cần được vứt bỏ”, cựu lãnh đạo Google chia sẻ.
“Người Trung Quốc cũng giỏi như, hay có thể là giỏi hơn người phương Tây trong một số lĩnh vực then chốt như nghiên cứu, cải tiến. Họ đang đầu tư nhiều tiền hơn vào các mảng này, đầu tư theo một cách khác với phương Tây”, ông chia sẻ thêm.
Người từng đứng đầu Google cho rằng Mỹ và Trung Quốc cần hợp tác trong vấn đề công nghệ và Mỹ sẽ có lợi khi cả hai nước cùng chung tay trên một nền tảng. Theo ông, Trung Quốc có tiền, có nguồn lực và công nghệ để làm chủ. “Câu hỏi đặt ra là họ vận hành trên nền tảng toàn cầu hay trên nền tảng của chính họ? Nền tảng càng riêng biệt thì càng nguy hiểm”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.