Vừa chân ướt chân ráo chuyển đến từ CLB Brazil Palmeiras, tiền vệ trung tâm Danilo đã lập tức đá chính trong đội hình Nottingham Forest ở trận gặp M.U tại cúp FA cuối tuần qua. "Anh ta xem được đấy chứ?", HLV Steve Cooper của Forest nói về Danilo sau trận ra mắt. Đáng ngạc nhiên hơn, đồng đội cũ của Danilo ở Palmeiras là Gustavo Scarpa, đến thẳng từ Brazil trong tư cách cầu thủ… đang thất nghiệp, cũng lập tức đá chính trong đội hình Forest!
Scarpa là cầu thủ thứ 4 chuyển thẳng từ Brazil sang Premier League trong tháng 1.2023, sau đồng đội Danilo, Andrey Santos (từ Vasco da Gama đến Chelsea) và Luizao (từ Sao Paulo đến West Ham). Xin nhắc lại, đây chỉ là đợt chuyển nhượng giữa mùa. Trong suốt 10 năm trước đây, chưa bao giờ có nhiều hơn 3 cầu thủ từ Brazil chuyển sang Premier League trong 1 mùa bóng trọn vẹn (tính gộp cả hai cửa sổ chuyển nhượng). Mùa này, ngoài những bản hợp đồng "mùa đông" vừa nêu, còn có Willian từ Corinthians chuyển đến Fulham hoặc Marquinhos từ Sao Paulo đến Arsenal trong mùa hè. Newcastle, Wolverhampton đều đang nỗ lực chuyển nhượng Matheus Franca hoặc Joao Gomes của Flamengo, không được trong mùa đông này thì cũng là trong mùa hè sắp tới.
Ngôi sao Brazil phổ biến ở khắp các giải đấu lớn thì ai cũng biết. Nhưng trước đây, các đội ở Premier League thường chỉ mua dạng ngôi sao Brazil đã thi đấu tại châu Âu (ví dụ Casemiro gia nhập M.U sau khi đã nổi tiếng ở CLB Real Madrid; Fred đến từ Shakhtar Donetsk hoặc Antony đến từ Ajax Amsterdam).
Trong những nguyên nhân dẫn đến khác biệt này, người ta thường lưu ý Brexit và các hệ lụy của nó. Bây giờ thì các cầu thủ thuộc khối EU đều là cầu thủ nước ngoài tại Anh. Họ phải lấy được giấy phép hành nghề trước khi thi đấu. Cầu thủ Brazil hoặc Argentina cũng vậy, nhưng các nền bóng đá này được đánh giá cao hơn và được cấp giấy phép hành nghề một cách dễ dàng hơn. Nhưng đấy thật ra chưa phải là nguyên nhân chính.
Cầu thủ Brazil, hoặc Nam Mỹ nói chung, khi đã thành danh trên sân cỏ châu Âu thì giá chuyển nhượng đã bị đẩy lên rất cao trong khi đặc điểm chuyên môn của họ đã phơi bày trước các cặp mắt chuyên môn. Mua cầu thủ Nam Mỹ "tận gốc" thì có hai điều lợi lớn: giá cả "phải chăng" và họ còn chút gì đấy bí ẩn - đây là chi tiết quan trọng có thể dẫn đến những bất ngờ thú vị về chuyên môn. Trong nhiều trường hợp, các CLB giàu sụ ở Premier League chấp nhận "phiêu lưu", coi như cũng chẳng mất gì nhiều đối với các bản hợp đồng thất bại, nếu giá chuyển nhượng thấp hơn 10 triệu bảng.
Để khai thác tốt thị trường cầu thủ Nam Mỹ, rất nhiều đội bóng ở Premier League đã đầu tư mạnh vào khâu tuyển trạch, phát hiện tài năng, với hệ thống "scout" có mặt ở khắp Nam Mỹ. Đấy là chiến lược từ nhiều năm trước, và đây là lúc gặt hái thành quả. Tất nhiên, Brazil vẫn là "nhãn hiệu" số 1, cả về số lượng lẫn chất lượng, nhưng bóng đá Nam Mỹ không phải chỉ gồm Brazil. Manchester City mới đây đã mua Maximo Perrone thẳng từ CLB Argentina Velez Sarsfield. Brighton thì đã nổi tiếng về việc phát hiện Moises Caicedo, mua từ CLB Ecuador Independiente del Valle.
Ở chiều hướng ngược lại, các cầu thủ Brazil bây giờ cũng ưa chuộng sân cỏ Anh nhiều hơn, thay vì chỉ ưu tiên hướng đến Ý, Tây Ban Nha hoặc Bồ Đào Nha như trước. Vấn đề không chỉ là mức lương cao. Đã có những thay đổi lớn về chuyên môn, khiến cầu thủ Brazil bây giờ dễ hòa nhập trên sân cỏ Anh hơn so với thời kỳ mà bóng đá Anh chỉ là "chạy và sút". Từ các CLB trung bình ở Premier League, sự nghiệp của Richarlison, Raphinha, Bruno Guimaraes (Brazil), Emi Martinez, Alexis Mac Allister (Argentina)… đã cất cánh rực rỡ. Các cầu thủ trẻ còn đang thi đấu ở Nam Mỹ cũng muốn được như họ.
Bình luận (0)