PSG.TS Vũ Thanh Ca: Bình Thuận cần học hỏi Hawaii để quản lý bãi biển Mũi Né

Quế Hà
Quế Hà
30/03/2021 10:45 GMT+7

PGS.TS Vũ Thanh Ca cho rằng việc một số địa phương thu hồi bãi biển để dùng chung cho người dân và du khách là một chủ trương đúng đắn. Ông kiến nghị Bình Thuận cần học tập cách quản lý bãi biển Mũi Né từ Hawaii (Mỹ).

Hiện nay, một số địa phương đã quyết định thu hồi lại bãi biển khi hết thời gian cho thuê, chuyển sang phục vụ cộng đồng.
PGS.TS Vũ Thanh Ca, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu biển và hải đảo (Bộ TN-MT) đã có những chia sẻ với PV Thanh Niên về vấn đề giữ gìn bãi biển, bờ biển cho các hoạt động công cộng của người dân và du khách, trong đó bao gồm các ý kiến của ông về quản lý bãi biển Mũi Né (Bình Thuận).

Việc duy trì dải đất sát biển làm không gian công cộng không chỉ giúp đảm bảo quyền tiếp cận của người dân với biển mà còn là để khai thác hiệu quả hơn các bãi cát ven biển, tài nguyên du lịch biển.

PGS.TS Vũ Thanh Ca

PV Thanh Niên: Thưa ông, hiện nay nhiều khu du lịch, điểm đến... vẫn xảy ra xung đột lợi ích giữa người dân địa phương, các ngành với các nhà đầu tư du lịch về bờ biển, bãi cát ở ven biển. Theo ông, giải quyết vấn đề xung đột này hiện nay phải thế nào?
PGS.TS Vũ Thanh Ca: Đây là một vấn đề đau đầu không phải chỉ đối với nước ta mà cả với các nước phát triển. Tôi muốn lấy ví dụ về Hawaii - “thiên đường” du lịch. Du lịch biển là một trong những nguồn thu chính của Hawaii. Tuy nhiên, do những sai lầm trong giai đoạn ban đầu, những khu vực sát biển với bãi cát đẹp đã được dành cho các cơ sở nghỉ dưỡng, khách sạn ngay sát biển.

Lúc đại dịch Covid-19 chưa xuất hiện, Mũi Né là điểm đến nổi tiếng của Bình Thuận thu hút du khách trong nước và quốc tế đến rất đông

Ảnh: Quế Hà

Mặc dù bãi biển vẫn được dùng chung và là tài sản quốc gia, nhưng người dân không còn đường xuống biển. Việc sở hữu tư nhân các khu vực ven biển đã là những trở ngại rất lớn đối với phát triển du lịch ở Hawaii.
Để giải quyết xung đột này, chính quyền Hawaii đã có cách tiếp cận rất hay. Họ yêu cầu các khu nghỉ dưỡng, khách sạn lớn mở đường cho khách du lịch đi qua đất của mình để xuống tắm biển. Chính quyền thành phố cũng đầu tư cải tạo khu vực sát biển thành các công viên công cộng với đường chạy, đường đạp xe, các vòi sen tắm nước ngọt miễn phí cho người tắm biển.
Các khu nghỉ dưỡng, khách sạn sát biển cũng chuyển đổi các nhà hàng, quán giải khát của mình thành các cơ sở phục vụ đại chúng với lượng khách từ ngoài vào lớn hơn lượng khách nghỉ trong khu nghỉ dưỡng và khách sạn.

Mũi Né thời dịch Covid-19 xuất hiện rất vắng vẻ

Ảnh: Quế Hà

Như vậy, bằng cách giải quyết một cách hài hòa xung đột giữa chủ các cơ sở nghỉ dưỡng, khách sạn sát biển với người dân, khách du lịch không ở trong các cơ sở đó, Hawaii không những đảm bảo được quyền tiếp cận của người dân với biển mà còn giữ vững được thương hiệu du lịch.
Tôi từng nhiều lần đến Mũi Né và nghĩ rằng chính quyền tỉnh Bình Thuận có thể học kinh nghiệm từ Hawaii để giải quyết vấn đề các cơ sở nghỉ dưỡng, khách sạn đang "chiếm dụng mặt tiền biển" như hiện nay.

Băn khoăn về rủi ro nếu thiếu quản lý

Trao đổi với PV Thanh Niên, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Bình Thuận Nguyễn Văn Khoa cho rằng hiện nay tỉnh Bình Thuận cùng các doanh nghiệp du lịch đã chú trọng đến bãi tắm cho người dân hơn trước kia rất nhiều.
Tuy nhiên, theo ông Khoa, việc để nhiều bãi tắm công cộng mà thiếu sự quản lý, kiểm soát, thiếu thiết bị cứu hộ và người cứu hộ sẽ để lại nhiều rủi ro.
Ông Khoa ví dụ vài năm trở lại đây xảy ra rất nhiều vụ đuối nước do du khách tắm ở các bãi biển công cộng thiếu người quản lý.
Hiện nay, mặc dù bãi biển là của chung nhưng các resort đều có người trông coi, lo cứu hộ và tự bỏ tiền ra làm sạch bãi biển cho du khách tắm biển.
* Đối với Khu du lịch Quốc gia Mũi Né hiện đang được quy hoạch chi tiết theo từng phân khu. Theo ông, việc quy hoạch này cần chú trọng các yếu tố nào để có thể trở thành khu du lịch có tầm vóc là điểm đến quốc gia?
- Trước hết, tôi phải nhấn mạnh rằng chính quyền tỉnh Bình Thuận hiện nay đang có cách tiếp cận rất tốt đối với các khu vực mới phát triển du lịch để đảm bảo quyền tiếp cận của người dân với biển và khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên du lịch biển.

Bãi tắm biển Đá Ông Địa là trong số ít bãi tắm công cộng ở Mũi Né

Ảnh: Quế Hà

Tôi tin rằng quy hoạch mới của tỉnh Bình Thuận sẽ phản ánh tốt cách tiếp cận này.
Tuy nhiên, đối với Mũi Né, điều chỉnh quy hoạch là một bài toán rất khó khăn do còn rất ít không gian còn có thể điều chỉnh. Tôi cho rằng trong quy hoạch mới, chính quyền cần chú trọng chỉnh trang đô thị thông qua quy hoạch lại hệ thống đường sá, hệ thống thu gom, vận chuyển, xử lý nước thải, rác thải, và phát triển các khu vực công cộng.
Quy hoạch mới phải giúp Mũi Né thay đổi diện mạo từ một khu vực đô thị manh mún, thậm chí nhiều chỗ nhìn rất xập xệ hiện nay, thành một khu du lịch hiện đại nhưng vẫn mang bản sắc Việt Nam, thể hiện sức hấp dẫn của du lịch thông qua các bãi cát trắng với nước biển xanh trong kề bên một đô thị xanh, sạch, đẹp.
Quy hoạch chi tiết lần này cũng phải chú trọng đến việc mở đường qua các cơ sở nghỉ dưỡng, khách sạn sát biển để người dân và khách du lịch có đường xuống tắm biển.
* Thưa ông, như ông từng trả lời Báo Thanh Niên, hiện nay các chủ resort ở Mũi Né do lo ngại bãi biển bị xâm thực, mất bờ cát... đã làm kè mềm để tạo bãi cát. Điều này vẫn diễn ra ở Mũi Né làm mất mỹ quan, ảnh hưởng đến việc tạo bờ ở Mũi Né. Dưới góc độ nhà chuyên môn, ông nhận xét gì về tình trạng này?
- Biển là một không gian liên thông. Tất cả các khu vực biển được kết nối rất chặt chẽ với nhau nên công trình dưới biển ở khu vực này sẽ ảnh hưởng tới bãi biển ở các khu vực khác. Việc xây dựng các kè chống xói lở tại các resort nếu không được tính toán, thiết kế một cách tổng thể thì nó có thể bảo vệ được bãi cát tại resort này, nhưng lại gây ra xói lở ở các bãi cát resort lân cận.

Một khu vực bãi biển Mũi Né do chủ resort tự ý làm kè mềm để bảo vệ bãi biển "của mình"

Ảnh: Quế Hà

Bởi vậy, tất cả các công trình xây dựng dưới biển, kể cả kè mềm bảo vệ bãi, cần được cấp phép một cách rất chặt chẽ trên cơ sở các tính toán, phân tích khoa học về tác động của công trình tới các quá trình động lực, vận chuyển bùn cát và bồi, xói ven biển.
Tôi cho rằng do các đập đầu nguồn của các hồ thủy lợi, thủy điện, lượng cát cung cấp cho vùng bờ biển Bình Thuận ngày càng giảm đi, dẫn đến xói lở bờ biển ngày một gia tăng.
Để bảo vệ tốt các bãi cát, các đơn vị chuyên môn cần tham mưu cho chính quyền tỉnh Bình Thuận quản lý chặt chẽ hơn dải ven biển nói chung và việc xây dựng các công trình dưới biển nói riêng.

Phải nhận thức "tài nguyên du lịch biển là hữu hạn"

“Chúng ta cần nhận thức rằng tài nguyên du lịch biển là hữu hạn, nhưng cùng với sự phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội của nước ta và trên thế giới, nhu cầu du lịch biển ngày một tăng lên. Nhất là đối với nước ta ở khu vực có khí hậu nhiệt đới gió mùa với các địa phương phía nam nắng ấm quanh năm, rất thuận lợi cho khách du lịch châu Âu đến tránh rét”, PGS.TS Vũ Thanh Ca nói.
Nhận xét tình trạng nhiều bãi biển thuộc “sở hữu” của các resort, PGS Vũ Thanh Ca chia sẻ: “Phần đông khách du lịch, kể cả khách du lịch quốc tế, sẽ không có đủ tiền để ở trong những resort đắt tiền sát biển. Họ sẽ chọn ở những khách sạn bên trong thành phố và ban ngày di chuyển ra bãi biển để tắm biển.
Thực tế cho thấy tại các khu du lịch biển hiện nay của nước ta như Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Thuận... vào mùa hè hầu như tất cả các bãi biển đều rất đông người, thậm chí tiệm cận tới trạng thái quá tải, nhưng ngược lại, tại bãi tắm của các resort sát biển, khách tắm biển chủ yếu là khách trong các resort.
Do vậy, đảm bảo những bãi tắm ven biển là không gian dùng chung không những tạo cơ hội cho người dân mà còn giúp nhiều khách du lịch sử dụng bãi biển và du lịch biển phát triển tốt hơn, đóng góp nhiều hơn vào nền kinh tế của địa phương và cả nước”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.